Wednesday, October 23, 2013

VỀ MỘT 'NƠI TRỞ VỀ ĐÃ MẤT'

 



 












Đến nay là đã hai mươi lăm lần tôi đón Tết trong cái lạnh của mùa đông Bắc Mỹ. Hai mươi lăm mùa Xuân tha hương. Hai mươi lăm cái Tết nhìn quanh mình chỉ thấy cây cành trơ trụi, đất trời quạnh hiu với từng làn gió lạnh cắt da thổi về từ phương Bắc. Hai mươi lăm năm tôi tự giam mình trong kiếp lưu đày trong khi bè bạn và thân quen ở những năm gần đây đã lần lượt nối đuôi nhau về thăm lại quê hương. Người ta cứ bảo tôi "sao không về Việt Nam chơi một chuyến, dù sao cũng là nơi quê cha đất tổ" . Người thì bảo, "tấc đất ngọn rau, bấy nghĩa bao tình, làm sao không về được". Tôi cứ lừng khừng, chần chờ, hẹn lần hẹn lữa rồi tự nhủ lòng chắc sớm muộn gì cũng phải quay về bởi lẽ quê hương như một thánh địa mà trong đời con chiên ít nhất phải có một lần ghé lại. 

Tôi, tên thuyền nhân thoát chết nhờ được tàu vớt giữa sóng biển Đông cuồng nộ trong một ngày hè gần hai mươi lăm năm về trước, đã rời quê hương ra đi nhưng không bao giờ nghĩ rằng sẽ không có ngày trở lại. Hồi ấy nghe những lời đồn đại xa gần tôi còn mơ mộng hão huyền rằng biết đâu khi ra đến nước ngoài sẽ gặp những tổ chức kháng chiến phục quốc, trong đó có thể có những người lính đã từng một thời chiến đấu bên nhau. Có người đã đi xa hơn khi cho rằng người Mỹ không bao giờ bỏ rơi miền Nam. Họ chỉ tạm thời rút lui để sẽ trở lại trong một thời điểm khác. Họ sẽ giúp những tổ chức phục quốc như họ đã từng giúp nhóm kháng chiến Cuba. Lắm người còn tự ví việc bỏ nước ra đi của người Việt Nam giống như cuộc lưu vong của người Do Thái xưa kia. Thôi thì trăm ngàn luận điệu và tin tức khác nhau.

Khi đặt chân đến trại tỵ nạn, tôi bàng hoàng nhận ra tất cả những gì tôi mong đợi chỉ là mơ. Đây chỉ là một nơi người tỵ nạn tạm trú trong thời gian chờ đợi đi định cư ở một quốc gia khác. Không hề có một bóng dáng của người hùng phục quốc hay dấu hiệu của các tổ chức kháng chiến nào tại nơi tôi đang ở.

Thời gian ngắn sau đó, tôi được xuất trại lên đường đi Mỹ. Thực tế phũ phàng ở trại tỵ nạn vẫn chưa làm tan vỡ giấc mơ tôi. Tôi vẫn còn nghĩ đến hình ảnh của một bưng biền đâu đó với những anh hùng áo vải Lam Sơn thời đại cùng tụ về dưới bóng cờ thiêng. Tôi lang thang la cà đó đây, tham gia các sinh hoạt cộng đồng, các cuộc biểu tình tranh đấu cho tự do nhân quyền tại Việt Nam, các cuộc biểu tình phản đối chánh sách đàn áp người tỵ nạn của một vài quốc gia Đông Nam Á. Lúc nào tôi cũng nghĩ rằng mình phải làm một cái gì để khỏi phụ lòng tin của người ở lại. Tôi chẳng buồn đi học lại vì nước đã mất nhà đã tan thì có học chăng cũng chẳng ích gì. Ngày qua ngày, để tạm quên nỗi buồn của người chiến bại, tôi đọc thơ Cao Tần, nghe Sài Gòn Vĩnh Biệt của Nam Lộc và Hát Trên Đường Tạm Dung của Phạm Duy. Đến bây giờ, gần hai mươi lăm năm sau, tôi vẫn còn nhớ những câu thơ bi tráng của Cao Tần như:

“Năm thằng khùng họp nhau bàn chuyện lớn
Gánh sơn hà toan chất thử lên vai”



“Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan”

Tôi cũng thấy mình có những đêm dài nằm vùi mà nước mắt chứa chan. Không biết nhân vật trong thơ Cao Tần khóc vì cái gì nhưng tôi khóc vì nhớ Sài gòn và tiếc thương cho đời lính của mình chưa lên đã xuống. Rồi thời gian trôi và tôi cam đành nhận nơi này làm quê hương thứ hai, ngày đi làm, tối đi học ở một trường đại học cộng đồng và cứ thế yên phận với kiếp sống tha phương cầu thực.

Đúng như người ta nói, Mỹ đã không vĩnh viễn rời bỏ Việt Nam. Vào những năm tám mươi, họ đã trở lại nhưng không với tư thế của kẻ mạnh mà trở lại để tìm kiếm, đào bới hài cốt quân nhân Mỹ đã bỏ mình trong chiến trận. Con đường thông thương mỗi lúc một mở rộng thêm để rồi sau khi lệnh cấm vận được giải tỏa, Mỹ chánh thức bắt tay với kẻ cựu thù để mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của giao thương và hợp tác. Người tị nạn Việt Nam, sau những năm tháng dài sống trong nỗi nhớ thương da diết, bấy giờ đã có cơ hội trở về thăm lại quê hương. Người đi mỗi lúc một đông để những người ở lại, trong đó có tôi, cảm thấy như có một cái gì rất thôi thúc, giục giã, xâu xé. Đôi lúc tôi cũng đã muốn theo chân họ mà về, nhất là về để thăm mẹ đã quá già nua. Nhưng rồi những xung đột liên tiếp trong tâm linh đã xóa tan ý muốn trở về Việt Nam của tôi. Tôi còn nhớ những câu thơ chất phác nhưng rất thâm thúy của ai đó mà tôi đọc được trên một tờ báo Việt ngữ:

“Quên sao được ngày ra đi tủi nhục
Có thẳng lưng ngẩng mặt hãy quay về
Đừng học thói chàng Thúc Sinh thuở trước
Hể nhớ quê là kiếm lối thăm quê”

Và tôi vịn vào những câu thơ này như một niềm an ủi vô biên. “Quên sao được ngày ra đi tủi nhục!” Tôi nhất định không về. Trong khi người ta đi tìm lại quê hương hiện thực, tôi tìm lại quê hương trong mơ và qua hình ảnh, tin tức. Người ta nói Việt Nam đã thay da đổi thịt. Có người về thăm một lần, trở lại với tâm trạng ngao ngán như mất mát tất cả. Nhưng cũng có rất nhiều người đi lại thường xuyên. Có cả những người mang tiền về đầu tư và mua vui trên thân xác những thiếu nữ tuổi chỉ đáng con cháu họ. Với những người này, chắc hẳn quê hương thực sự đã là:

“Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày”

Với tôi và những người đồng cảm khác, có lẽ quê hương của thời thơ mộng trước bảy mươi lăm đã chết. Quê hương của tuổi nhỏ cởi truồng tắm mưa, của những cánh diều, con đường đất, ngọn khói lam, mái nhà tranh ọp ẹp, cây cầu khỉ cong vẹo, con đò lặng lờ khuấy nước trên sông, đã chết. Quê hương trong hiện thực vẫn còn đó nhưng quê hương trong ký ức đã không còn. Những trăn trở, ray rứt trong hồn tôi bỗng một ngày kia dâng lên như cuồng lũ khi tôi đọc được những vần thơ bi thiết của Hoàng Định Nam trong bài

Nơi Trở Về Đã Mất

“Mai có về giữa mùa trăng phiêu lãng
Cũng đã xa rồi mộng ban sơ
Cũng đã nghìn trùng trong mắt cũ
Giữa lòng nhau là cả vạn bến bờ
Một chén tương phùng dẫu rằng chẳng thiếu
Còn ấm lòng không ngọn lửa cố tri
Tâm hồn ta không còn như ngày cũ
Thì chút tro tàn có theo gió bay đi
Mai có về con đường năm xưa
Cố nhân đã đi vào cổ tích…”

Nhân vật trong bài thơ này hay chính người sáng tác ra nó chắc cũng chưa một lần về thăm lại Việt Nam. Vì thế nên nhà thơ đã viết “Mai có về…”. Về để thấy con người tuy gần trong gang tấc nhưng cách xa nghìn trùng vì giữa lòng nhau là cả vạn bến bờ. Lòng kẻ ở, hồn người đi chắc không ai còn nguyên vẹn như xưa thì thôi kỷ niệm chắc cũng chỉ là chút tro tàn chực chờ bay đi theo gió. Theo những dòng thơ của thi nhân, tôi hình dung ra tôi, một gã thuyền nhân lạc loài của hơn hai mươi năm trước, quay về với một nơi trở về đã mất, bơ vơ, ngơ ngác. Ở một đoạn khác, Hoàng Định Nam viết:

“Mai có về soi bóng Thu giang
Tắm bến sông An Trường, Hà Mật
Nước có rửa sạch đôi chân cát đất
Thì lòng ta cũng đã bụi giang hồ”

Thi nhân đã nói giùm tôi những gì tôi chưa và không nói được vì không đủ khả năng diễn đạt. Tôi, không như nhà thơ hay nhân vật trong thơ, đã không được cái vinh hạnh sinh ra trên quê nghèo xứ Quảng, nhưng nơi này chính là nơi mà cha tôi đã sinh ra và lớn lên, là nơi ông bà tổ tiên tôi đã nằm xuống, là nơi mà dòng họ bên nội tôi hiện vẫn còn sinh sôi nẩy nở. Cảm ơn ba tôi đã cho tôi phân nửa dòng máu Quảng để tim tôi còn được đập chung nhịp đập với con tim những người sinh ra trên vùng đất cằn cỗi nhưng giàu tình người và dào dạt ý thơ. Nếu không tình nguyện gia nhập quân đội chắc tôi đã không biết gì về đất Quảng. Gót giày sô nhà binh đã cho tôi có cơ hội về thăm quê nội năm 1974 khi đi thực tập Rừng Núi Sình Lầy với liên đoàn 12 Biệt Động Quân. Tôi đã may mắn được đi qua khắp cùng xứ Quảng, từ Tam Kỳ, Tiên Phước đến Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Hà. Đó cũng là lần đầu và lần cuối tôi được đến quê cha. Đến nay đã gần ba chục năm, hình ảnh xưa mỗi ngày một nhạt, còn chăng là loáng thoáng những bóng núi lam trên bán đảo Sơn Trà nổi lên giữa vùng trời nước mịt mùng xanh thẫm và núi đồi trùng điệp của những chiến trường tôi đã đi qua. Mấy ngày phép quá ngắn ngủi không đủ để tôi thấy hết bộ mặt phố phường Đà Nẵng. Tôi chỉ còn nhớ lơ mơ con đường Hùng Vương với những dãy phố trệt, lầu cao thấp lỏn chỏn và chợ Cồn, chợ trời huyên náo. Tôi cũng chẳng có dịp ghé qua phố cổ Hội An hay những vùng quê xa như Vĩnh Điện, Phong Thử, những địa danh mà thuở sinh tiền ba tôi thường nhắc đến. Bây giờ nếu tôi có về thăm quê cha thì chắc cũng giống như nhân vật trong thơ Hoàng Định Nam:

“Ta lạc lõng giữa thị thành Đà Nẵng
Ta bơ vơ trong phố cổ Hội An…”

Lạc lõng và bơ vơ nhưng có lẽ cũng không chua xót và ngậm ngùi hơn:

“Đường Nam Phước có phẳng phiu hơn trước
Nhưng lòng người gập ghềnh từ chinh chiến ly tan…”

Chiến tranh và những hậu quả của nó chắc chắn đã làm đổi thay toàn diện nhiều thứ, trong đó cái tàn hại nhất phải nói đến là lòng người. Chưa chắc tôi và người thân tôi còn nhận ra nhau, hay nếu có nhận ra không biết người ta có còn nhìn tôi bằng cái nhìn của mấy mươi năm trước. Trong một bài thơ khác, bài “Câu Lâu ngày về”, Hoàng Định Nam đã nói giùm tôi nỗi niềm u uẩn này:

“Thời thế đổi thay, người cũng chia, phân
Tôi đi giữ nước thành quân bán nước
Người sợ vạ thân hoan hô xâm lược
Tôi tội đồ được ra vẻ khoan dung.”

Thời niên thiếu tôi không ở xứ Quảng nên chẳng biết đến những địa danh mà nhà thơ nhắc đến như Câu Lâu, Gò Nổi, Đông Bàn, Cẩm Lậu, Thi Nhơn…Rất may tôi đã được nhìn thoáng qua dòng sông Thu và sông Hàn trong những giây phút ngắn ngủi năm 1974. Nếu tôi đã từng lớn lên trên mảnh đất này chắc tôi cũng quặn thắt lắm khi trở về để đối diện với những đổi thay:

“Lần trước tôi về, nước quặn Câu Lâu
Tôi đứng bên ni, bên tê Gò Nổi
Lòng tôi ngập tràn bóng ngày xuống vội
Tôi đứng trên cầu hiu hắt ngó sang
Tôi xưa hồn nhỏ mà sông mênh mang
Chiếc cầu sắt đen ngày đi chưa có
Đưa tôi qua sông con đò năm nọ
Đã trôi về đâu lòng ngẩn ngơ sầu”

Nước quặn hay lòng người quặn? Có lẽ cả hai. Chắc không có từ ngữ nào diễn tả nỗi lòng người xa xứ sát thực bằng chữ “quặn”, như trong trường hợp này. Đã thế, bóng ngày còn sụp xuống như bóng hoàng hôn của một kiếp người. Nhân vật trong thơ (hay chính là thi nhân? ) đứng đó nhìn hiu hắt về ngôi làng mà anh đã chôn bao nhiêu kỷ niệm buổi thiếu thời, nhìn hoài, tìm mãi để rồi thở dài ngao ngán:

“Chẳng biết ghé đâu dù là quê cũ
Tôi tìm vô vọng sợi khói lam xanh
Không cả tiếng gà cục tác mái tranh
Nào đâu mùi thơm nồi cơm chín tới”

Đoạn thơ nhắc tôi nhớ đến hình ảnh đàn chim lạ trên ngọn cây phong sau nhà tôi mùa hè năm ngoái. Mấy chú chim với màu sắc thật đẹp, không rõ là loại chim gì, bay đến làm tổ trên ngọn cây. Hai chú chim ríu rít tha từng cọng rơm cọng cỏ đâu đó bay về tằn mằn tẳn mẳn bện nên cái tổ nhỏ nhắn xinh xinh ngay giữa một cháng ba chót vót trên cây, chung quanh là những nhánh nhóc với đầy ắp lá. Chừng như bọn chúng đang xây tổ uyên ương để chuẩn bị cho sự ra đời của những chú chim non. Đúng như tôi dự đoán, vài tuần sau đó ngọn cây nhộn nhịp hẳn lên với những tiếng kêu chiêm chiếp và cây cành xao động thường xuyên với sự ra vào của những con chim lớn, chắc là cha hay mẹ gì đó của những chú chim con. Lũ chim đã chọn mảnh đất sau nhà tôi làm quê hương và chiếc tổ trên ngọn cây phong là căn nhà ngập tràn hạnh phúc của chúng. Nhưng rủi thay, một trận mưa giông thật to ập đến bất ngờ vào một buổi chiều đã làm gảy nhiều nhánh cây nơi có chiếc tổ chim xinh xắn. Sau cơn giông, tôi nhìn lên cây thì chỉ thấy có khoảng trời xanh lồ lộ phía sau cái cháng ba mà không thấy cái tổ chim đâu nữa. Nhìn quanh quất, tôi chợt nhận ra nó đã bị gió thổi văng vào một góc sân, nằm trơ trọi như làm chứng cho một cuộc bể dâu. Tôi nhặt chiếc tổ chim vẫn hãy còn nguyên vẹn và bắc thang leo lên để nó lại chỗ cũ trên cây với hy vọng bầy chim sẽ trở về. Tôi cũng không biết mấy con chim non có sống sót sau trận bão ấy không? Hàng ngày tôi ngó mông trên bầu trời như để tìm bóng dáng những chú chim xinh đẹp dễ thương đang tìm về tổ cũ. Mãi đến vài hôm sau, có hai cánh chim trông rất giống bầy chim đã làm tổ nơi đây bay đến ngay phía trên ngọn cây, đảo lượn nhiều vòng như để tìm kiếm một cái gì. Sau đó chúng bay vụt đi, mất hút giữa khung trời xa thẳm để từ đó tôi không bao giờ thấy chúng nữa. Tôi nghĩ chắc đúng là hai con chim ấy, chúng trở về để tìm lại mảnh vườn cũ, cái tổ xưa. Mảnh vườn và cái tổụ vẫn còn đó, nhưng chắc có một mất mát lớn lao nào đó khiến chúng nhận ra rằng chúng đang tìm về một nơi trở về đã mất. Người viễn khách trong thơ Hoàng Định Nam đã “tìm vô vọng sợi khói lam xanh” như những chú chim tìm vô vọng một cái gì đó rất thân yêu với chúng. Và tôi biết rằng, với những đổi thay sau hơn hai mươi lăm năm, quê hương Việt Nam của tôi ngày mai nếu tôi trở lại chắc chắn sẽ không là quê hương của tôi như trong ký ức. Người trong thơ Hoàng Định Nam đã xót xa và thất vọng đến độ anh ta phải:

“Tôi đứng trên cầu nhìn qua làng cũ
Tôi chẳng sang sông để khỏi chạnh lòng”

Nếu tôi là nhân vật trong thơ thì chắc tôi cũng không thể làm gì khác hơn. Qua sông chi nữa để phải đối diện với những sự thật phũ phàng, thôi thì cứ đứng bên ni nhìn sang bên tê để còn tự an ủi rằng biết đâu sự đổi thay không tang thương đến như mình nghĩ. Ở một đoạn khác, Hoàng Định Nam viết:

“Tôi đứng trên cầu ráng đỏ chân mây
Bên kia sông vùng tuổi thơ mất dấu
Tìm hoài đâu ra Đông Bàn, Cẩm Lậu
Thi Nhơn, Phú Lộc cũng đã thay tên
Tôi đứng nơi đây hồn xuống, chiều lên
Khóc cuộc đời mình như thuyền đã đắm…”

Nếu mai kia mốt nọ tôi có về thăm lại Sài Gòn, nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, chắc tôi sẽ nhìn thấy mình qua hình ảnh của người viễn khách trong thơ. Có lẽ tôi cũng sẽ đứng trên một chiếc cầu nào đó trên sông Sài Gòn nhìn qua bên kia sông để hình dung ra vùng tuổi thơ đã mất dấu của mình. Có lẽ tôi cũng sẽ tìm hoài nhưng tìm đâu ra những góc phố đầy ắp kỷ niệm của thời trai trẻ vì chính cái tên gọi quen thuộc của thành phố cũng đã đổi thay. Sài Gòn hôm nay đã được quân chiến thắng mặc cho một cái áo sặc sỡ với đầy màu sắc lố lăng. Ngay cả ngôi trường cũ của tôi cũng bị người ta biến thành một cái gì Tàu không ra Tàu, Tây không ra Tây, Việt không ra Việt để đến nỗi một bạn đồng môn còn ở lại quê hương đã phải có cảm giác như “chết điếng” khi về thăm lại trường xưa. Sài Gòn hôm nay với vũ trường, khách sạn, nhà hàng, cao ốc – những thứ mà ngày xưa quân chiến thắng gọi là trụy lạc và phồn vinh giả tạo – đua nhau mọc lên như nấm. Một góc thành phố được tô son trát phấn cực kỳ lộng lẫy để thu hút du khách và cũng để nhà nước làm phương tiện tuyên truyền.

Hai mươi bốn cái Tết trên quê hương thứ hai lạnh giá càng làm tôi khát khao thèm thuồng một cái Tết quê nhà, một cái Tết thật đẹp và ấm áp như những cái Tết của thời thơ ấu. Có lúc mềm lòng vì sự dày vò mãnh liệt của nỗi nhớ quê hương, tôi đã muốn dẹp quách hết những gì chất chứa trong lòng, những mâu thuẫn ý thức hệ, những căm thù vẫn còn âm ỉ để làm một chuyến trở về thăm lại quê hương. Nhưng rồi cứ nghĩ đến về để nhìn thấy lá cờ máu tung bay trên những nóc nhà thành phố là tôi không chịu được. Về để nhìn thấy biết đâu trong những người chung quanh có những kẻ đã cướp của gia đình tôi, bắn giết người thân tôi là máu trong tim tôi lại sùng sục sôi lên. Làm sao tôi có thể trở về khi mà cái chế độ đã làm tôi liều chết ra đi vẫn còn ở đó. Về để làm gì và để tìm lại được những gì hay chỉ để khơi lại vết thương lòng, và tại sao tôi lại phải về một nơi trở về đã mất?

Vũ Đình Trường


Ghi chú của người viết:
Bài này tôi viết (khoảng năm 2003) vì cảm kích trước tâm tình và khí khái của HĐN, một trong số những người bạn thân từ buổi thiếu thời.
Lúc đó tôi tưởng thơ ra sao thì người sẽ mãi mãi như thế ấy và như vậy là tôi có thêm một người bạn đồng hành trung kiên quyết không đội trời chung với giặc.
Có lẽ vì đời là cõi vô thường cho nên không có gì bất biến. "Thời thế đổi thay, người cũng chia phân...!!!"(HĐN). Vì không muốn trở về một nơi trở về đã mất cho nên tôi lòng dặn lòng rằng chỉ về VN khi không còn cộng sản. Khối người đã không nhớ (hay cố tình quên?) lời thề khi ra đi, trong số có cả người viết những vần thơ bi thiết "Nơi trở về đã mất"

Bây giờ ngoái cổ nhìn lại tôi thấy chỉ còn mỗi mình tôi đơn độc trên con đường lưu vong biệt xứ. Tôi sẽ nằm xuống và rả xương trên quê hương thứ hai này nếu ngày đó VN vẫn còn cộng sản.
Những người bạn mà tôi từng nghĩ là bất khuất bây giờ đã "khuất" hoặc đang từ từ "khuất"
Dù sao thì bài cũng đã viết rồi, thôi thì cứ giữ như vậy cho tôi còn nuôi chút hy vọng mong manh.

VĐT



















Tham gia biểu tình tại Hoa Thịnh Đốn năm 1979







Tuesday, October 15, 2013

THÊM MỘT CHUYẾN ĐI NHỚ ĐỜI

Bị bọn đạo tặc tặng cho một kỷ niệm khó quên trong lần đi chơi Toronto với các bạn từ Texas đến, tôi đã lòng dặn lòng rằng nhất định sẽ không trở lại thành phố đó. Ấy thế mà không hơn 2 tháng sau tôi và Non Nước lại lục tục khăn gói quả mướp trở lại cái thành phố rất ư là đáng ngại này.

Thú thật, đây không phải là lần đầu tiên tôi được dân anh chị ở Toronto "dàn chào". Cách đây khoảng 15 năm tôi đã có dịp ghé qua Toronto. Lần đó tôi cũng đi bằng chính chiếc xe mà tôi đã đi trong chuyến đi gần nhất, chuyến đi "khi đi lỉnh kỉnh áo quần, khi về một bộ trên thân ngậm ngùi". Tôi nhớ trong chuyến đi Toronto cách đây hơn 15 năm, giá xăng dầu đang lên cao, và hầu như trạm xăng nào ở Toronto cũng đầy ắp xe xếp hàng chờ đổ xăng. 

Sau khi đi ăn ở một nhà hàng Tàu - lâu quá rồi không nhớ nhà hàng tên gì, chỉ biết là rất đông khách, đông đến nỗi bọn tôi và nhiều thực khách khác đã phải xếp hàng (lại cũng xếp hàng) đứng đợi - bọn tôi chất nhau lên xe đi đổ xăng trước khi về khách sạn. Chạy ngang qua một trạm xăng thấy giá thấp hơn nhiều trạm xăng khác, tôi tấp vào dù biết rằng sẽ phải chờ lâu vì hàng khá dài.

Tôi kiên nhẫn chờ và cuối cùng thì chiếc xe trước mặt tôi cũng vừa đổ xăng xong. Sang số nhưng chưa kịp chạy tới trước cột đổ xăng thì bất ngờ có một chiếc xe từ đâu đó đâm thẳng ngay vào đầu xe tôi rồi đậu ngay phía trước cột đổ xăng. Một tên da ngăm đen, trông có vẻ giống người Ấn độ, tướng tá khá cao lớn mở cửa xe bước xuống đổ xăng cho xe anh ta. Nghĩ bụng có lẽ anh ta không biết tôi đã phải xếp hàng chờ, tôi vội vàng bước xuống cho anh ta biết là đến lượt tôi đổ xăng và lẽ ra anh ta cũng phải xếp hàng như nhiều người khác. Nhìn tôi với ánh mắt khiêu khích, anh ta nói "So what? This is my city, I can do anything I want!" Lỉếc nhìn nhanh chiếc xe cũ móp méo của anh ta, tôi thấy có 2 tên khác đang ngồi chờ trên xe. Hai tên có vẻ như đang theo dõi động tĩnh của tôi. Nghĩ lại trên xe mình chi toàn là đàn bà con trẻ, tôi biết mình phải nhịn nhục chứ không thể làm gì khác hơn. Những chiếc xe phía sau xe tôi cũng không có thái độ gì. Chừng như họ biết không dại gì dây với hủi, hay đang áp dụng câu tránh voi chẳng xấu mặt nào. 

Đêm đó khi về đến khách sạn tôi ức lắm. Tôi nghĩ giá mà xe tôi không đầy đàn bè trẻ nít thì không chừng tôi đã liều mạng thua đủ một trận với chúng rồi tới đâu thì tới. Sau này khi về Mỹ, kể câu chuyện đó cho những người đã từng đi Toronto nghe, họ nói tôi chưa bị bọn đó bắn là may. Tôi nghe nhưng bán tín bán nghi. Tôi nghĩ không lẽ Toronto, một thành phố lớn nhất nhì của Canada, lại đầy những hạng người...mất dạy như tên gốc Chà-và ấy. Sinh sống tại Virginia hơn 30 năm, chưa một lần tôi nghe ai nói có chuyện khinh thường, khiêu khích người khác như thế. Chưa bao giờ tôi phải lo ngại chuyện xe tôi sẽ bị đập, ngay cả lúc tôi để hàng hóa ngay trên ghế phía trước xe sau khi đi chợ hay đi thương xá . Người dân nơi tôi ở hiền hòa, hiếu khách, sẵn sàng bỏ thì giờ giúp chỉ đường cho du khách đi lạc hay những chuyện nhỏ nhặt khác. Thậm chí đôi khi có người còn dám ngừng xe lại trên highway để giúp người bị bể bánh xe, nhất là phụ nữ. Vì nghĩ như vậy, tôi đoán có lẽ mấy người bạn của tôi lo lắng thái quá. Tôi nghĩ, Toronto, như Montreal, một trong những thành phố của Canada mà tôi thích nhất, cũng hiền hòa như thành phố nơi tôi đang ở. Một vài con sâu nhất định không thể làm rầu nồi canh và bọn giựt dọc thảo khấu lưu manh mất dạy nơi nào chả có, không nhiều thì ít.

Sau lần bị đập xe ở phố Tàu Toronto, những gì tôi nghĩ tốt về Toronto ít nhiều đã bị thay đổi. Tôi thấy Toronto không còn là một nơi hiền hòa nữa, và có lẽ nó cũng "dữ" như New York, Chicago, Los Angeles vân vân. Càng nghĩ đến Toronto tôi lại càng thấy mình có phước khi nhìn quanh nơi tôi ở, người nào cũng hiền hòa, lịch sự và thân thiện. Có phải vì "ở đâu quen đó" chăng?

Trở lại với chuyện dự tính đi Canada lần thứ hai của chúng tôi.

Giữa tháng 10 có được vài ngày nghỉ, tôi rủ Non Nước trở lại thăm thác Niagara lần nữa vì lần đi trước quá gấp rút chẳng thưởng ngoạn được gì. Tôi bàn với Non Nước là nhân dịp này mình sẽ trở lại...Toronto để tìm thăm xếp TTL. Chuyến đi trước bọn tôi cũng có ý định muốn tìm gặp xếp TTL nhưng xếp quá bận nên không chúng tôi không gặp được. Mặt khác, nhân dịp này tôi sẽ tìm gặp 2 người bạn học cùng trường MĐC với tôi - một thuộc lớp đàn anh và một thuộc lớp đàn em - hiện đang sinh sống tại ngoại ô thành phố Toronto. Xem như một công hai chuyện, nhất cử lưỡng tiện, vừa đi chơi vừa có dịp thăm người thân quen. Nghe nói đến Toronto ("tổ rồng to"!) Non Nước có hơi ái ngại nhưng nghĩ đến chuyện biết đâu lần đi này sẽ có cơ hội gặp được xếp TTL, nàng không phản đối.

Thế là chỉ trong không đầy 2 tháng, chúng tôi lại đi Toronto. Lần này vì chỉ có 2 người cho nên chúng tôi mướn xe và mua thêm bảo hiểm để đề phòng xe bị đập lần nữa. Đi chơi mà cứ lo ngai ngái, thật là khổ. Bị thiệt hại mất mát một lần, chúng tôi như chim bị ná thấy cành cong cũng sợ.










Cảnh chợ ở Phố Tàu Suối Gà (Mississauga)

Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm xuôi. Đúng như dự tính, tôi gặp được 2 người bạn đồng môn MĐC là anh Nguyên Nghĩa và anh TMT tại quán phở Đầu Bò ở Mississauga (anh Nguyên Nghĩa nói người Việt ở đây gọi Mississauga là "Suối Gà"!). Sau chầu phở, anh Nguyên Nghĩa rủ tôi và Non Nước về nhà anh chị ăn bánh uống trà trước khi đi London Green, Toronto thăm xếp TTL. Nhân dịp này, tôi nhờ anh NN chỉ đường nào đi gần và nhanh nhất. Anh lấy giấy vẽ đường rất tỉ mỉ và dặn dò tôi rất kỹ lưỡng rằng trước khi đến London Green tôi sẽ phải chạy trên đường Jane và khu Jane-Finch là một khu không mấy yên ổn. Bị tai nạn một lần cho nên nghe anh nói như thế, tôi ái ngại lắm. Đã thế chiều hôm đó trời còn mưa rả rít nữa. Phố lạ, đường lạ, trời lại mưa, khu phố sắp tới lại có tiếng xấu như khu Harlem của Nữu Ước hay SE của Washington, DC, tôi bàn với Non Nước rằng mình sẽ tùy cơ ứng biến. Nếu đến đó mà thấy bọn bất lương đứng đầy trên đường phố thì tôi sẽ làm một cú U-turn ngoạn mục rồi nhắm hướng Niagara Falls trực chỉ. Thà là mang tiếng nhát còn hơn là bị đập xe, cướp đồ thêm lần nữa. 











Ở quán phở Đầu Bò. 

Logo của quán này giống như logo của phô mai La Vache Qui Rit nhưng thiếu hàng chữ La Vache Qui Rit. Chằng biết hai công ty này có bà con gì với nhau không?

Sau khi chia tay với anh NN, tôi và Non Nước ghé một tiệm rượu (LCBO) gần đó để mua 2 chai ice wine, một để bọn tôi và xếp TTL cùng uống và một để tặng xếp. Trước cửa tiệm rượu có 2 đứa bé người châu Á, có lẽ gốc Đại Hàn, mặc đồng phục, đang đứng bán đồ gây quỹ gì đó. Sau khi mua rượu xong, bước ra tôi dúi vào tay em 2 đồng Canada nhưng không mua hàng. Vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, các em cúi đầu cảm ơn. Sau lưng tôi, một người đàn ông da trắng bước ra và các em cũng mời ông mua ủng hộ. Ông này mặt mày bậm trợn hầm hừ nhìn 2 em nói "why should I buy from you!" rồi bỏ đi. Ở Virginia, chưa bao giờ tôi thấy có người ngáo ộp với trẻ em một cách dữ dằn như thế.

Gần đến đường Jane, Non Nước gọi xếp TTL cho biết chúng tôi đang đến để anh chuẩn bị. Chẳng hiểu sao điện thoại của Non Nước lại không xử dụng được. Tôi bảo Non Nước quay đầu xe lại đi tìm nơi nào đó có wifi để vào MGP viết PM cho anh với hy vọng biết đâu anh đang online. Tôi và Non Nước chạy vòng trở lại đường Eglinton Ave, ghé vào tiệm Subway mua một ổ bánh mì để có nơi ngồi xuống mở máy viết PM cho xếp TTL. Viết xong, tắt máy, tôi và Non Nước ra xe. Trời vẫn mưa lất phất. Non Nước nói nhỏ với tôi rằng có mấy tên đứng lố nhố gần đó đang dòm ngó chúng tôi. Có lẽ vì đã có ấn tượng không tốt về thành phố này cho nên chúng tôi thấy cái gì cũng đầy nghi ngại. Cho xe chạy ra khỏi parking lot, nhìn kính chiếu hậu tôi thấy bọn chúng vẫn còn đó. Chẳng hiểu là hạng người nào nhưng thôi miễn chúng đừng rượt theo hay nổ súng vào xe tôi là được rồi.

Đúng theo lộ trình anh NN đã chỉ, khoảng 10 phút sau tôi và Non Nước đến khu London Green. Trời mưa cho nên rất khó nhìn số nhà, tôi tấp đại vào parking lot đầu tiên rồi bảo Non Nước gọi xếp TTL lần nữa. Điện thoại của Non Nước lại cũng bị sao đó nên không gọi được, có lẽ vì ra khỏi vùng roaming của hãng điện thoại chăng? Nhìn quanh quất không thấy có bọn đứng đường như anh NN đã nói, tôi yên tâm mở cửa xe bước xuống đi tìm địa chỉ nhà xếp. Gặp một người đàn bà Á châu, tôi cho bà biết số nhà của anh TTL và hỏi bà số đó là của building nào. Nhận ra bà là người Việt, tôi mừng lắm và xin bà cho dùng điện thoại để gọi xếp TTL. Tôi nghĩ điện thoại của bà sẽ dùng được vì cùng area code với điện thoại của xếp TTL. Nghe tiếng xếp bên kia đầu dây, tôi mừng rơn. Tôi nói qua màn mưa, xếp ơi, xếp ra dẫn đường được không? Xếp nói, cứ chờ nơi đó đừng đi đâu và xếp sẽ đến ngay. Trả điện thoại lại cho chị người Việt, tôi cảm ơn rối rít rồi vào xe ngồi tránh mưa. Một phút sau Non Nước reo lên mừng rỡ, "ảnh" kia kìa! Tôi ngoáy đầu nhìn thì thấy một người đàn ông đang che dù bước đến. Thì ra đó chính là xếp. Tôi chở xếp đến đậu phía sau xe của xếp để xếp dời xe, dành chỗ cho chúng tôi đậu.

Có xếp, chúng tôi yên tâm hơn. Phố nhỏ dưới màn mưa trông hoang vắng, buồn buồn. Không một bóng người qua lại. Xếp đưa tôi và Non Nước qua một lối mòn ngắn để đến nhà xếp. Có một người đàn ông đứng khuất dưới hàng hiên hút thuốc, nếu không có xếp thì có lẽ tôi đã nghĩ ngay đến chuyện phải xem chừng chiếc xe mình kẻo bị nó đập. Xếp chào hắn, hóa ra quen. Tôi yên tâm không còn phải lo bị đập xe nữa.

Cửa vừa mở, cận vệ của xếp xông đến ngay. Thoạt đầu tôi tưởng là anh cận vệ nhưng hóa ra lại là cô cận vệ. Cô nhìn tôi và Non Nước lườm lườm như đang dò xét đối phương. Thấy xếp hộ tống chúng tôi vào nên cô ta chỉ lò dò theo sau coi chừng. Vài phút sau, cô cận vệ trở nên thân thiện với chúng tôi hơn và cô cũng nhảy phóc lên ghế ngồi bên cạnh chúng tôi. Bấy giờ thì cô cận vệ 4 chân có tên Phoebe và chúng tôi đã trở thành bạn. Cô rất dễ thương, làm Non Nước mũi lòng nhớ đến chú Otis của cô đã từ giã cõi đời cách đây khá lâu. Chú Otis cùng giống "pug" với Phoebe nên càng làm Non Nước nhớ con chó yêu quý của mình. Phoebe rất khôn, khi...nặng bầu tâm sự biết đi ngay vào góc riêng của cô trong rest room chứ không oanh kích bừa bãi. Thế mới biết cô cận vệ Phoebe đã được huấn luyện chu đáo, xứng đáng để nhận trọng trách bảo vệ xếp TTL.












Cô "cận vệ" Phoebe của xếp TTL

Nhìn xếp, Non Nước mừng khi thấy xếp vẫn còn nguyên phong độ của một hiệp sĩ ngày nào. Chỉ mới gặp xếp lần đầu nhưng tôi cũng đồng ý với nhận xét của Non Nưóc. Một mình tả xung hữu đột, xếp tiếp đãi chúng tôi rất chu đáo. Rượu chát rượu ngọt không thiếu thứ gì. Bàn ăn được bày ra với những món ăn do tự tay xếp nấu. Cá thịt ê hề nhưng tôi vẫn còn no vì tô phở quá lớn của quán Đầu Bò và trà bánh của chị Nguyên Nghĩa nên không ăn được bao nhiêu. Ăn uống xong thì cũng gần 9 giờ, xếp khui chai băng tửu rồi cùng chúng tôi cụng ly trước khi chia tay. Lẽ ra chúng tôi đã ngủ lại nhà xếp và xếp cũng đã chuẩn bị phòng cho chúng tôi nhưng vì phải trở lại khách sạn để gặp hai người bạn cũ từ Mỹ sang, chúng tôi đành cáo từ xếp để ra về.

Trước khi ra về, tôi và Non Nước gửi lại tặng xếp một chai băng tửu (ice wine). Chừng như biết chúng tôi sẽ tặng rượu cho nên xếp đã sẵn sàng một chai để tặng chúng tôi. Cũng may là Non Nước có thêm một hai món quà khác cho xếp, một chiếc áo dạ có in chữ Washington DC và một ly cách nhiệt dùng để uống cà phê do công ty Starbucks sản xuất. Áo này có thể mặc được cả 2 mặt trái và phải. Tôi chờ xếp mặc vào rồi bấm máy chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm. Không biết xếp mặc đồ "size" số mấy, mua đại, ấymà chiếc áo lại rất vừa vặn với khổ người của xếp.

Có chúng tôi, cô cận vệ Phoebe được một bữa no nê. Tội nghiệp cô cứ đứng nhìn theo chúng tôi như còn luyến tiếc. Lại càng làm cho Non Nước nhớ con Otis! Rồi cũng phải chia tay, không chỉ chia tay với xếp mà với cả cận vệ Phoebe của xếp. Xếp đưa chúng tôi ra đến tận nơi đậu xe và cẩn thận hỏi chúng tôi có biết đường về không. Tôi nói không, nhưng có "bà" GPS đi theo nên chắc chắn sẽ tìm được đường về. Bấy giờ trời đã tạnh mưa. Xếp đứng đợi cho đến khi chúng tôi trở đầu xe nhắm hướng đường cái rồi mới quay lưng đi. Vẫy tay chào xếp lần nữa, chúng tôi theo sự hướng dẫn của GPS chạy thẳng về Niagara Falls.

Chúng tôi ở Niagara Falls thêm một ngày nữa rồi lên đường trở lại Virginia. Chuyến Gia-du lần thứ 2 có thể xem như khá thành công. Tôi gặp và biết thêm được 3 người bạn mới, anh Nguyên Nghĩa, anh TMT và xếp TTL. Nhất là với xếp TTL thì lần này cái duyên của tôi mới thực sự đến vì lần trước ngay trong tầm tay với mà tôi đã không gặp được xếp. Đã không gặp được còn bị người anh em Toronto tặng cho một phát nhớ đời.

Trên đường qua biên giới, ghé lại "duty free shop" mua vài món đồ, chúng tôi lại có cơ hội gặp được một gia đình người Việt cũng là dân Virginia. Càng hy hữu hơn là tại Virginia, tôi và họ chỉ cách nhau có vài dặm đường. Tôi cười và nói với họ "trái đất thấy vậy mà bé quá". Anh M, người tôi mới quen, vì phải chạy theo giữ cô bé con hay cháu gì đó lăng xăng lít xít nên trong lúc bất ngờ đã làm ngã một chai rượu lớn cỡ 2, 3 lít mà cửa hàng dùng để chưng chứ không bán. Chai rượu rơi xuống sàn gỗ, vỡ nát ra từng mảnh. Mùi rượu thơm lừng làm tôi tiếc rẻ vô cùng khi nghĩ rằng giá mà mình là sở hữu chủ của nó. Anh M. lúng túng, lo ra mặt khi không biết hậu quả ra sao, quản lý của tiệm sẽ giải quyết như thế nào. Anh đề nghị bồi thường. Sau vài phút chờ lệnh trên, ban quản lý quyết định không nhận tiền bồi thường. Thật là một cử chỉ đẹp vì tôi nghĩ, nếu họ bắt đền, giá tiền chai rượu vĩ đại đó chắc không phải nhỏ. 










Vài phút sau khi bức ảnh này được chụp, một trong 3 chai rượu trưng bày đã rơi xuống vỡ nát (hình như chai Jameson)

Những gì mà một số người ở Toronto làm tôi có thành kiến thì bây giờ cử chỉ đẹp của các nhân viên cửa hàng duty free - cũng dân Canada - đã giúp tôi xóa đi phần nào thành kiến không đẹp đó. Nhưng chỉ trong vài ngày sau, thành kiến đó lại trở về với tôi khi tôi nghe tin thị trưởng Rob Ford lại là một tay chơi ma túy, không khác gì đô trưởng Marion Barry của thủ đô Hoa Thịnh Đốn trong hơn 20 năm trước đây. Và tôi lại nhớ đến một bản tin tôi đọc được cách đây khá lâu trên website Yahoo viết về thành phố Toronto là một trong những thành phố nổi tiếng "rude". Thế mà không hiểu sao, cũng từ website Yahoo, mới đây tôi lại đọc được một bản tin khác cho biết một tổ chức nào đó đã công nhận trong số các thành phố đáng được chọn làm nơi sinh sống, Toronto là thành phố đứng hàng thứ 2 trên thế giới.

Biết đâu Toronto đã được tổ chức nào đó xếp hạng cao như thế chẳng qua là vì thành phố này có những người dễ mến như các bạn đồng môn MĐC của tôi và xếp TTL của MGP? 

VĐT
Nov 2, 2013

    Về một chuyến Tây du
    gửi đến huynh trưởng Phu Khuân Vác và thân bằng Góc Phố



 

    Ở Mỹ có đến hơn ba mươi năm và Ohio thì chỉ cách nơi tôi ở không quá nửa thiên lý vậy mà mãi đến bây giờ tôi mới có dịp đi.

    Thực tình mà nói, nếu chỉ đi Ohio để ngao sơn du thủy thì chưa chắc tôi đã đi. Chẳng qua vì Ohio hiện đang có anh Phu Khuân Vác, một huynh trưởng Cư An Tư Nguy đang không được "an" cho lắm cho nên tôi có lý do chính đáng để đi. Vừa nghe ý định đó của tôi, Non Nước gật đầu tán đồng ngay. Thế là các thủ tục lỉnh kỉnh cho chuyến đi được tiến hành ngay lập tức và chỉ trong vài ngày sau là hai chúng tôi chất nhau lên xe làm một chuyến Tây du. Tạm gọi là Tây du vì nơi tôi ở nằm về hướng Đông của Ohio, chứ Tây du này không giống như chuyến Tây du của Thầy Đường Tăng Tam Tạng đâu ạ.

    Sau hơn 400 dặm đường băng qua rừng núi chập chùng với sắc màu mùa Thu diễm ảo, chúng tôi đến Columbus khi bóng chiều đang dần xuống. Trời lại bắt đầu chuyển mưa. Ở Virginia có đến hơn hai tuần trời nắng liên tiếp, tôi mong có một cơn mưa rào nhưng lại chẳng có hạt nào thế mà vừa đến đây là đã gặp mưa. Tôi cứ tưởng Ohio cũng chập chùng đồi núi như các tiểu bang West Virginia, Pennsylvania mà tôi đã vượt qua nhưng trái lại, đây lại là một bình nguyên khá phì nhiêu. Xa lộ liên bang số 70 dẫn chúng tôi đi thẳng vào xa lộ vòng đai của Columbus và chỉ vài phút sau khi chạy trên đường vòng đai này là chúng tôi đã đến khách sạn.

    Vì đã có dụng ý đi thăm huynh trưởng Phu Khuân Vác cho nên chúng tôi chọn một khách sạn rất gần với nơi anh đang dưỡng bệnh. Nghỉ vội vài phút trong khách sạn cho vơi cái mệt sau hơn 7 giờ đồng hồ lái xe, hai chúng tôi tất tả phóng ra xe chạy đi gặp anh.

    Có lẽ tôi có duyên với anh Phu Khuân Vác cho nên đây là lần thứ hai tôi gặp anh, và lần nào thì cũng gần như thiên lý. Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ kia mà! Năm ngoái ở Melbourne, Florida, anh bệnh nặng đến nỗi phải nằm mẹp một chỗ. Năm nay, chừng như anh đã khá hơn tuy phân nửa người vẫn còn trong trạng thái gần như bất động. Dù vậy, anh đã có thể ngồi xe lăn để đi lại đó đây trong viện phục hồi. Thần sắc anh có phần tươi hơn lần tôi gặp anh ở Florida. Anh nói cười linh hoạt và sống động hơn. Ánh mắt huynh trưởng Bất Khuất của tôi vẫn sáng long lanh một nghị lực phi thường như để nói với tôi và với đời rằng, "một ngày Bất Khuất, một đời Bất Khuất".

    Tôi và Non Nước hỏi anh có thể đi ra ngoài chơi một chuyến được không? Anh nói được, nhưng phải xin phép với y tá. Cô y tá bảo tôi phải ký tên vào sổ xuất viện để xin phép cho anh đi. Tôi ngỡ ngàng khi nhớ đến ngày xưa ở Thủ Đức huynh trưởng phải xin cho đàn em thì bây giờ ngược lại. Cũng vui! Tôi vui và có thoáng chút tự hào khi nghĩ ít nhiều mình cũng đã mang niềm vui đến cho người khác. Tình huynh đệ chi binh là như thế đấy, cho dù khi ở lính tôi chưa bao giờ gặp mặt anh, chỉ cần chung trường và chung một màu cờ là đủ lăm rồi.

    Non Nước đẩy anh ra bãi đậu xe và tôi đỡ anh từ xe lăn lên xe. Có chút khó khăn vì tôi sợ không khéo vuột tay để anh rớt xuống mặt đường bê tông cứng ngắc thì khổ. Rất may bước vào cái tuổi nhi nhĩ thuận tôi vẫn còn đủ sức để tiếp tay chiến hữu như ngày nào trong gần bốn mươi năm về trước tôi tiếp tay những người lính của tôi. An tọa trên xe, ba chúng tôi đưa nhau đến nhà hàng Indochine ăn bữa cơm chiều. Biết được tiệm ăn này này là nhờ huynh trưởng PKV vì tôi hoàn toàn không biết gì về thành phố Columbus.

    Tối thứ bảy, tiệm ăn khá đông. Chủ tiệm ăn (tôi có hơi thậm xưng khi dùng hai chữ "nhà hàng" trước đây") là một người Lào, nhưng vợ anh ta lại là người Việt. Thế thì còn cái tên nào hợp hơn cái tên Indochine! Thèm bánh canh đã lâu, thấy thực đơn có món bánh canh, tôi mừng rơn. Non Nước và huynh trưởng PKV chọn món cơm. Cơm ngày nào chả ăn, có dịp phải ăn món khác chứ! Thế là chỉ trong vài phút sau tô bánh canh được bưng ra đặt trước mặt tôi.

    Chỉ thoạt nhìn qua tôi đã nhận ra ngay đây không phải là tô bánh canh mà tôi đã vẽ trong trí và âm thầm ....nhỏ rãi khi đang ngồi chờ ăn. Nó là một tô bánh canh rất lạ lùng, với nước lèo giống như nước cháo gà và sợi bánh canh giống như sợi bánh tằm. Vài lát thịt gà thay vào chỗ của giò heo mà tôi đã mơ tưởng từ khi đặt hàng. Thêm vài lát huyết mỏng tanh, nhạt thếch. Đói đầu gối cũng bò, tôi húp xì xụp và cố ăn cho hết tô vì sợ không khéo sẽ phải ngủ với cái bao tử rỗng. Rất may Non Nước và anh PKV không phàn nàn gì về hai dĩa cơm.

    Nhân dịp này, tôi gắn lên vai áo anh lá cờ VNCH để gọi là món quà kỷ niệm của một người thuộc khóa đàn em. Có lẽ anh thích lắm khi thấy lại màu cờ của một thời oai dũng.



    Trước khi ra về, Non Nước đề nghị mua thêm một tá chả giò cho anh PKV đãi các cô y tá trong viện phục hồi. Chao ôi, chả giò của tiệm... Lèo cho nên cái nào cũng chỉ to bằng ngón tay. Chẳng bù với chả giò của tiệm cơm chỉ Ngọc Anh ở Virginia, lớn hơn ngón chân cái, ăn một đáng một.

    Rời tiệm ăn vẫn còn sớm nên ba chúng tôi dạo một vòng Columbus. Tôi đưa ý kiến đi thăm Easton Town Center cho biết vì nghe nói đây là một trong những thương xá lớn nhất của Ohio. Đến nơi, thấy có Cheesecake Factory, Non Nước bỗng nhớ đến lần gặp hai chị TT và SL cũng tại Cheesecake Factory (nhưng ở California) nên đề nghị vào ăn bánh tráng miệng và nhâm nhi chút rượu. Huynh trưởng PKV cười khà, thế là mình có dịp chụp hình cho hai chị xem rằng tuy ngồi xe lăn nhưng Phu này vẫn đi nhà hàng Cheesecake Factory như ai chứ bộ!

    Để huynh trưởng được thoải mái trên chiếc xe lăn của anh và cũng để anh được "thắp sáng niềm tin", bọn tôi chọn một cái bàn ngoài patio của nhà hàng. Vì đêm đó trời mưa cho nên nhà hàng không phục vụ các bàn ngoài patio, tôi phải vào mua bánh ngọt và thức uống mang ra. Thôi cũng được, miễn sao thoải mái là vui rồi, nhất là huynh trưởng có thể tự nhiên phì phèo dăm hơi thuốc lá. Có lẽ ở trong viện không được hút cho nên tôi thấy anh sảng khoái ra mặt. Khuyên anh bỏ thuốc mà rồi nghĩ lại dù sao đó cũng là một trong những niềm vui hiếm hoi của anh trong hiện tại, lòng tôi chùng hẳn lại.
   
    Cuộc vui nào cũng đến lúc tàn và tôi phải đưa anh về viện trước giờ giới nghiêm (giới nghiêm của viện, không phải của thành phố). Đỡ anh lên xe, tôi và Non Nước đưa anh về giao lại cho cô y tá. Anh mời các cô dùng chả giò, các cô lắc đầu nguầy nguậy mà mắt vẫn liếc ngang liếc dọc hộp chả giò. Không đợi các cô "em chả", "em chả" lâu hơn, anh cười cười, nói, "you guys cannot say no!". Mấy cô y tá hết hồn, vội nói "tuân lệnh huynh trưởng!" Tôi cười và nhớ đến kỷ luật nhà binh của một thời xa lắc, lệnh đã ra thì bắt buộc phải thi hành, không được on đơ gì cả.

    Vào phòng, Non Nước gửi anh một phong bì gói ghém tình của bà con trên Phố. Anh cảm động, mắt rơm rớm. Từ chối, không nhận. Tôi nói, huynh trưởng không nhận, đàn em sẽ không bao giờ đi thăm huynh trưởng nữa. Nghe lời nói như đinh đóng cột, anh không biết làm gì khác hơn là phải nhận.

    Từ giã anh ra về, anh buồn buồn và chúng tôi cũng buồn. Anh mong sẽ còn gặp lại chúng tôi lần nữa trước khi chúng tôi về đơn vị cũ. Tôi nói, chào huynh trưởng, tan hàng cố gắng. Đàn em sẽ gọi huynh trưởng sau.

    Một đêm ở Columbus qua thật nhanh.

    Ngày hôm sau, sau khi xong một số việc linh tinh, tôi và Non Nước ghé Starbucks mua cho anh ly cà phê, bánh ngọt. Ghé một trạm xăng mua cho anh bao thuốc lá (cho dù hôm trước khuyên anh bỏ thuốc!) Vào phòng tìm anh thì không thấy anh đâu. Mấy cô y tá nói có lẽ anh đang ngồi ở một phòng giải trí nào đó la cà với các bạn đồng viện cho đỡ buồn. Gặp anh, anh ngạc nhiên một cách mừng rỡ. Có lẽ anh không nghĩ rằng chúng tôi sẽ trở lại chăng?

    Trong khi đi tìm anh, chúng tôi đi ngang qua một phòng tiếp tân có một cây đàn piano rất cũ kỹ. Tôi bỗng nãy ra ý định sẽ đàn cho anh nghe. Nói cho Non Nước nghe ý kiến đó, nàng đồng ý ngay. Trên đường đẩy anh trở lại phòng, tôi cười mím chi, hát vu vơ "Hôm nay ngày chủ nhật, vườn tao ngộ, em đến thăm huynh... Đường Ohio vất vả xa xôi mà em đâu có ngại..." Anh bâng khuâng nhớ lại thời gian thụ huấn giai đoạn 1 căn bản quân sự tại Quang Trung. Tôi nói, có món quà này tặng huynh trưởng nha. Anh hỏi cái gì, tôi nói tôi sẽ đàn cho huynh trưởng nghe. Anh cũng không nhớ ra là có một cây đàn piano trong viện phục hồi này. Tôi kéo ghế ngồi xuống và đập túi bụi cho anh nghe The Windmills of Your Mind, tiếp theo là Love Story. Cảm thấy thế đã đủ, tôi cúi mình cảm ơn các thính giả bất đắc dĩ đã bị tôi cưỡng bức phải nghe nhưng họ lại yêu cầu tôi...đập tiếp. Được lời như cởi tấc lòng, tôi đập thêm bài Speak Softly Love (Godfather). Biết mình chẳng còn bửu bối nào để tung ra nữa, tôi lật đật cám ơn rồi ra hiệu Non Nước đẩy anh ra khỏi phòng lè lẹ kẻo bị đòn mập mình. Món quà bất ngờ đó làm anh thích lắm. Anh cười, chỉ tôi và nói với các bạn đồng viện, "he's my friend, he's my friend!!!

    Rời Viện phục hồi, chúng tôi nhắm hướng Đông trực chỉ. Hai ngày ở Columbus qua đi với nhiều kỷ niệm khó quên. Lòng tôi vẫn còn bùi ngùi khi nghĩ đến một đàn anh sa cơ thất thế. Sa cơ một lần vào tháng 4 năm 75. Bây giờ thất thế trong cơn hoạn nạn bất ngờ khi đời đang bước dần qua khung cửa mùa thu. Nghĩ đến anh để thấy mình còn may mắn, may mắn quá nhiều. Nghĩ đến anh để cảm ơn Trời, cảm ơn đời, cảm ơn thân bằng góc Phố đã gửi đến cho anh món quà nghĩa tình tha thiết.

    Vũ Đình Trường
    13 tháng 10 năm 2013