Saturday, October 18, 2014

Kỷ niệm dài 
theo bước chân đi


Tôi thức dậy ngay lúc phi cơ đang vun vút lao trên phi đạo để chuẩn bị cất cánh. Không biết tôi đã ngủ từ lúc nào nhưng ít nhất cũng có đến gần 30 phút. Giấc ngủ chập chờn đêm hôm trước làm người tôi lừ đừ, thần trí lơ lảng. Tôi đã không ngủ ngon một phần vì cái oi bức của căn phòng và một phần cũng vì lo lắng khi biết số thẻ tín dụng của mình đã bị ai đó đánh cắp và tìm cách sử dụng. Little Saigon cuối tháng 10 trời vẫn còn nóng nực, khác hẳn với khí hậu của miền Bắc Virginia. Cũng chính vì không ngờ được cuối tháng 10 Cali vẫn nóng như mùa hạ Virginia, tôi đã thiếu chuẩn bị. May sao tôi cũng đã mang theo được một bộ đồ ngắn và nhờ nó, tôi đã chống lại được cái oi bức không ngờ được của miền đất nhiều nắng ít mưa này. Dù vậy, có đêm chiếc áo thun ngắn tay của tôi cũng đẫm ướt mồ hôi và cuối cùng tôi đành phải ra tiệm mua thêm hai chiếc áo ngắn khác để thay đổi.

Một tuần ở Nam Cali chầm chậm qua đi. Quen với giờ khắc của miền Bắc Virginia, hàng ngày cứ đến khoảng 4 giờ sáng là tôi không tài nào ngủ được. Tiếng động do tôi gây ra làm N. cũng phải dậy theo. Chẳng lẽ chong mắt ra khung cửa sổ tối đen chờ trời sáng, hai đứa kéo nhau ra Starbucks trước công viên Mile Square uống cà phê. Không chỉ riêng hai đứa tôi là những người dậy sớm nhất, chung quanh cũng đã có những con chim không ngủ yên lác đác đậu quanh cốc cà phê, đấu hót.  Nằm ngay trong thủ đô của người Việt tỵ nạn, quán cà phê Starbucks nằy có không ít khách hàng người Việt. N. nói giới văn nghệ tại Little Saigon vẫn thường tụ tập nơi đây. Đúng vậy, có hôm tôi được diện kiến một văn lâm cao thủ nghe nói đã từng là cột trụ của chương trình Việt ngữ của một đài phát thanh lớn. Ông ta khoảng 70 ngoài, mặt chữ điền, tóc đen (có lẽ nhờ thuốc nhuộm), mắt lộ,  râu kẽm, giọng người Bắc chín nút rổn rảng trong phong thái của một trượng phu nam hán tử.  Có hôm tôi  may mắn được mục kích một trung niên với dáng vẻ lang bạt kỳ hồ ôm đàn tưng tửng một khúc đàn nào đó mà tôi không nhớ ra và cũng không đủ làm tôi nổi hứng. Hưởng ứng phong trào chống hút thuốc của nước Mỹ,  công ty Starbucks cấm khách hàng ngồi ở khu lộ thiên không được hút thuốc.  Cấm một người bình thường không được hút thuốc không sao, nhưng cấm văn nhân thi sĩ không được hút thuốc thì quả là một tai họa lớn. Vắng nàng tương tư thảo và không có những cụm khói màu lam bay lãng đãng trước mắt làm sao thơ văn có thể thành hình. Có lẽ vì vậy mà khách đến uống cà phê ở dây vẫn thường thấy có một số người - có lẽ đồng hương Việt nam ta - tụ tập chung quanh một chiếc SUV dở mui phì phà khói thuốc.  Nhân viên Starbucks có chướng tai gai mắt đến đâu cũng phải chịu thua vì bãi đậu xe không nằm trong vùng trách nhiệm của họ. Nhờ vậy, bà con ta tha hồ nhả ngọc phun châu.


Buổi sáng Nam Cali trời mát mẻ, dễ chịu. Ngồi đây nhìn sang công viên Mile Square cây cỏ xanh rì cũng là một thú tiêu dao. Nhiều nguời chịu khó dậy sớm ra đây tản bộ, có người chạy lúp xúp làm  tôi nhớ đến những lúc chạy ở quân trường. Chỉ cần thêm tiếng đếm bước và một khúc hát quân hành là đủ. Một, hai, ba, bốn, ta là Biệt Động rừng núi sình lầy không thích đi xe chỉ thích đi bộ. Đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần Biệt Động còn cao hơn đèo. Biệt Động diệt cộng, sát…...  Ôi thời oanh liệt nay còn đâu! (có bà nào đó nói oanh hết rồi, chỉ còn lại liệt)  Nhớ đến chỉ thêm buồn. Nghe người nói đầu mình sao bạc quá mà tiếc cho thời trai trẻ đã ngậm ngùi lặng lẽ  ra đi.


Cái lành lạnh buổi sáng loãng dần theo vệt nắng loang qua lùm cây. Cử cà phê sáng đã xong và một ngày như thế cũng có thể được xem như tạm ổn.  Dù sao cũng không đến nỗi phải nằm dài người chờ cho ngày qua hết.


N. cho tôi biết văn nhân thi sĩ nam Cali không chỉ hẹn hò ở Starbucks mà còn tụ tập ở một quán cà phê có tên Coffee Factory. Nàng nói một nhà thơ xứ Quảng tôi quen luôn lui tới nơi đây. Tôi nghĩ có lẽ cũng nên đến đó xem thử một lần, biết đâu sẽ gặp nhà thơ xứ Quảng đó và vài khuôn mặt khác. Thế là hôm sau N. và tôi đưa nhau đến Coffee Factory.


Coffee Factory, cái tên nghe hay hay. Nhiều thương hiệu của Mỹ cũng có chữ Factory, trong số có nhà hàng Cheesecake Factory. Nơi tôi ở, bắc Virginia, cũng có một quán phở mang tên "Pho Factory". Quán trang trí khá lạ mắt, trước cửa quán có đặt nhiều bàn cho khách thích hút thuốc. Có lẽ vì vậy mà giới văn nghệ thích nơi này hơn Starbucks. N. và tôi chia nhau một dĩa bánh mì xíu mại. Người mang thức ăn đến tận bàn hai đứa tôi là một thanh niên trẻ rất lanh lẹ, hiền hậu. Xíu mại không ngon, không dở. Ngồi nhìn xe tới xe lui có gần cả giờ đồng hồ mà chẳng thấy nhà thơ xứ Quảng NNA đâu và cũng chẳng thấy văn lâm cao thủ nào, tôi và N. đưa nhau đi ăn bò kho bánh mì ở Croissant Doré. Quán nhỏ, khách ra vào tấp nập. Nghe nói cuối tuần không dễ gì tìm được chỗ ngồi. Ngon và rẻ là hai điều tôi phải nhìn nhận đúng. Bánh mì chấm nước bò kho khoái khẩu vô cùng. Thịt bò mềm nhai đến đâu trôi đến đó. Cà phê, ôi thôi, đậm hơn Starbucks rất nhiều. Hồi trẻ uống cà phê đậm như vậy chẳng thấm gì nhưng bây giờ có hơi choáng váng. Nghe nói ông chủ quán này rất giàu và có số đào hoa.


Chuyến đi Cali lần này tôi và N. mỗi người đều có một "sứ mạng". Sứ mạng của N. có phần khá đặc biệt. Gia đình nàng lại thêm một lần dọn nhà vì hợp đồng thuê nhà đã hết. Từ ngày đến với N. đến nay, đây là căn nhà thứ ba mà tôi được biết. Căn thứ nhất ở thị trấn giữa đàng, nhà nhỏ, chật hẹp. Căn thứ hai ở thung lũng “nước phun” lớn hơn. Căn thứ ba to hơn cả căn thứ nhất và căn thứ hai nhập lại. Lộng lẫy, sang trọng, cơ ngơi, khôi vĩ, nó là giấc mơ không bao giờ hiện thực của vô số người. Cho dù là nhà mướn đi chăng nữa, được đến ở nơi này không phải chuyện ai cũng có thể làm được. Về đây, mỗi người một phòng. Phòng nào cũng có phòng tắm riêng với nhiều trang bị hiện đại của thời liên mạng. Đứng trước cái nguy nga kiêu hãnh của nó không hiểu sao lòng tôi vẫn dửng dưng.  Sau những lần lên voi xuống chó, tôi đã không còn thích nhà cao cửa rộng nữa. Nhà nhỏ hay nghèo nàn đến đâu cũng được miễn sao trong đó có tình yêu và hạnh phúc là đủ rồi. Tôi bỗng nhớ và thương căn phòng nhỏ xíu mà tôi đã sống trong gần ba năm sau lần xuống chó. Cái “nhà” đó của tôi chỉ bằng một căn phòng của ngôi biệt thự này. Bốn trăm square feet gói ghém toàn bộ nhà tắm, nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ. Đã thế nó còn có cả “patio” nữa chứ! Từ phòng ngủ bước sang nhà bếp, ba bước. Từ nhà bếp bước sang nhà tắm, ba bước. Từ phòng tắm bước sang phòng ăn, ba bước. Từ bàn ăn bước ra cửa, ba bước. Trong cái khoảng không hạn hẹp đó tôi đã sống gần ba năm bình yên. Là kẻ mướn nhà nhưng tôi  thực sự là người làm chủ. Ít ra, tôi làm chủ chính tôi. Chẳng bù khi tôi ở căn biệt thự ba tầng rộng hơn 4000 square feet tọa lạc trên vuông đất rộng một phần ba mẫu . Ở đó, tên tôi đứng đầu danh sách chủ nhà nhưng còn tệ hơn thân phận của một người làm mướn. Người ta làm mướn, đem sức lao động để  đổi lấy tiền bỏ vào túi của chính họ. Còn tôi, làm mướn, đem sức lao động để đồi lấy tiền nộp vào túi người khác. Tệ hại hơn, tôi không có được những quyền căn bản của một kẻ làm mướn. Vậy mà không hiểu tại sao tôi đã sống trong phận làm mướn như vậy suốt hơn một phần tư thế kỷ.


Căn biệt thự mà gia đình N. sẽ dọn về lộng lẫy và nguy nga quá. Nàng kéo tay tôi chỉ căn phòng mà nàng sẽ chiếm ngụ. Mừng cho nàng nhưng tôi cảm thấy như có cái gì đó chặn ngang ngực. Lẽ nào anh đó, em đây, anh đi em ở buồn này ai mang? Thôi cũng được, miễn sao nàng và gia đình hài lòng. Cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng. Có những nghịch cảnh mình phải biết tập làm quen.


Cũng chính cái nghịch cảnh đó đã cho tôi chuyến bay trở lại bắc Virginia chễm chệ ngồi một mình hai ghế. Thực ra, một ghế trống nhưng không ai có quyền đụng tới vì tôi đã trả tiền.  Những lúc nhìn cái ghế trống mang số 18E đó tôi thấy đau bụng. Cứ tưởng tượng một trăm tám mươi bảy  đô la ném ra cửa sổ. Những tờ giấy bạc bay lả tả trong không gian... Một trăm tám mươi bảy đô la có thể làm được rất nhiều chuyện. Ngày mới đến Mỹ, một tuần lương của tôi chưa tới một trăm năm mươi đô la.  Trong hoàn cảnh kinh tế hiện tại,  nhiều người làm lụng cực khổ mà lương một tuần cũng chỉ bấy nhiêu. Biết sao bây giờ, đây cũng là một nghịch cảnh mà tôi phải làm quen.


Một ngày trước khi lên máy bay rời Cali tôi và N. lái xe đến Oxnard thăm một người bạn cố tri của tôi. Buổi sáng, đoạn đường I-405 chạy qua Los Angeles kẹt kinh khủng. Chạy trên lane HOV cũng phải mất đến hơn 2 giờ đồng hồ tôi và N. mới đến Oxnard. T., tên bạn thủa thiếu thời của tôi đã ra trước sân đứng đón. Hắn có vẻ sốt ruột sao tôi hẹn 10 giờ mà gần 11 giờ mới đến. Tôi nói, kẹt xe quá chừng mày ạ. Hắn nói, à, tao quên nhắc mày! Hắn lấy xe chở tôi và N. đến sở làm của vợ hắn để trình diện. Đến sở làm của nàng, ba chúng tôi đứng phía ngoài chờ nàng ra. Nụ cười gượng trên môi nàng cho tôi thấy có vẻ gì hơi khác lạ. Chừng như chúng tôi không được “welcome” cho lắm chăng? Không sao, đây cũng là một nghịch cảnh mà tôi phải tập làm quen. Tôi nhớ câu “don't ask, don't tell” của người Mỹ mà thấy nó hay chi lạ. Mặc kệ, mình đã chạy gần 100 dặm đến đây thì cứ hãy hết lòng với thằng bạn cố tri này trước đã, mọi thứ khác cứ xem như pha. Năm ngoái nó đã từng vì tôi mà một mình một ngựa chạy từ Oxnard lên Little Saigon.


T gọi cho tôi và N. mỗi người một ly cà phê - lại cũng cà phê, buổi sáng trước khi đến đây tôi và N.  đã cạn hết một ly ở Starbucks trước công viên Mile Square. Trước khi rời nhà, T. nói nhớ mang áo ấm theo vì nơi đây gió lạnh. Ánh nắng ban trưa làm cho  áo ấm không còn cần thiết nữa. Bên dưới nơi bọn tôi ngồi uống cà phê là một bến tàu nho nhỏ khá xinh với những chiếc du thuyền đủ kiểu. Ngồi tại đây tôi có thể thấy được cuộc sống nhàn nhã của những người hữu hạnh diễn ra trước mắt. Những con chó hữu hạnh cũng được hưởng ơn Trời, chạy lăng xăng lít xít quanh chân những người chủ giàu có. Có những con chó với diện mạo và dáng bộ rất dễ thương. Đúng là chó xứ giàu có khác.


Từ nơi chúng tôi ngồi, T. có thể nhìn thấy cửa sau sở làm của vợ. N. nói có lẽ vì vậy nên anh ta đã chọn cái bàn này để biết đâu sẽ thấy dáng ngọc của nàng ẩn hiện đâu đó. Nhưng làm sao thấy được vì nàng vẫn còn trong giờ làm việc! Ngồi một đỗi, ánh nắng trưa bắt đầu tăng nhiệt độ. Ba chúng tôi lục tục đổi chỗ, đến ngồi ở một cái bàn đối diện với một chiếc hồ nho nhỏ nơi có tượng một chiếc thuyền gãy đôi được nàng tiên cá ra tay cứu vớt. Chiếc thuyền gãy đôi nhắc tôi nhớ con thuyền đã đưa tôi qua gần nửa biển Đông trong một ngày cuối tháng sáu năm 1978. Sau khi được tàu lớn cứu, con thuyền vượt biên của chúng tôi đã gãy làm đôi. Một nửa dập vùi trên biển động, một nửa đeo tòn ten dưới sợi dây thừng buộc vào đuôi tàu. Nhưng rồi một nửa này cũng được nhát dao của người thủy thủ phóng thích cho nó được đi đoàn tụ với một nửa kia.  Đó là lần thoát chết thứ hai của tôi. Lần thứ nhất ở chiến trường Tiên Phước khi một quả cối 82 nổ cách tôi vài thước. Người tân binh BĐQ tôi mới quen buổi sáng đến trưa đã ra người thiên cổ.


Sau khi rời quán cà phê, T. chở tôi và N. ra biển. Thái Bình Dương đây! Bên kia đại dương là quê tôi, nơi tôi chưa một lần trở lại. Mắt tôi cay cay, cay như cách đây mấy hôm tôi và N. đi xem bộ phim “Last Days in Vietnam”.  Biển chiều chói chang như tấm gương rạn vỡ.  Những đợt sóng bạc đầu rượt đuổi lăng xăng. Có con sóng nào từ bờ quê tôi trôi dạt đến đây không? Và có con sóng nào sẽ từ nơi đây dạt về phương Tây, nơi quê tôi đã khuất ánh mặt trời? Nếu có xin hãy chở giùm tôi chút tình của đứa con hoang muốn về nhà nhưng nhà đã không còn nữa.


Ba giờ chiều. T. đưa tôi và N. đi ăn bánh xèo ở quán “Phở Sài gòn” sau khi đã chở chúng tôi đi một vòng phố biển. Có những con lộ và vài ba khu phố nhỏ ở Ventura làm tôi nhớ Nha Trang vô cùng. Nhớ “lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu” khi ngồi trên xe đò qua cầu Xóm Bóng nhìn xuống dòng sông chảy qua chân Tháp Bà. Đụn cát trải dài trên đường ven biển của Port Hueneme đưa tôi trở về với những ngày ở Cam Ranh khi tôi và T. lội ra biển bắt cua còng về nhậu rượu đế.  Ôi, thắm thoắt mà đã bốn mươi lăm năm!  Ai biết được mấy đứa trẻ ở-truồng-tắm-mưa-da-chì-bụng-ỏng lại có ngày nghiễm nhiên trở thành công dân của một quốc gia lớn nhất thế giới, được đi được đến những nơi mà bạn bè và người thân không bao giờ đến được. Ai biết được có hai tên thiếu niên quần xanh áo trắng “làm học trò không sách vở cầm tay” ngày nào nay đã bước vào tuổi lục tuần, đã già hơn những người mà năm xưa tôi và bè bạn gọi “ông già”,”lão già”, “thằng cha già” này nọ!


Vào tiệm, T. gọi 4 cái bánh xèo. T. quảng cáo bánh xèo ở đây ngon dòn hết biết.  Quả đúng như vậy, chỉ tiếc một nỗi họ cho rau ít quá làm tôi phải xin thêm. N. đã từng ăn bánh xèo ở nam Cali và bánh xèo do tự tay má làm mà vẫn phải khen bánh xèo ở đây ngon. Ngon không đủ, rẻ mới đáng nói. Bọn tôi ăn uống no nê ngon miệng nhưng chỉ tốn hai mươi tám đồng luôn cả tiền típ.


Rời quán Phở Sài gòn, T. đưa tôi và N. đi Costco mua nghêu về nhà luộc ăn nhâm nhi trong khi chờ vợ hắn về. Tôi không ngờ T. bây giờ lại có thêm tài nấu bếp, và hình như nấu ngon hơn cả vợ.  T. đưa tôi và N. ra vườn sau xem cây trái rau cải do chính anh ta trồng. Mảnh vườn nho nhỏ xinh xinh còn thoang thoảng mùi mồ hôi của người lính biển năm nào hì hục hí hoáy tạc tượng Đức Thánh Trần trước cổng Trung tâm Huấn Luyện Hải Quân Nha Trang.  Cựu quan một Hải quân kiêm đương kim kỹ sư T. vẽ kiểu và tự đóng ra một giàn dây nho leo trông rất đẹp mắt.  Chàng ta trồng lỉnh kỉnh đủ loại cây, từ mãng cầu xiêm, thanh long cho đến cả cây quỳnh cây dao. Rau cải, có rau chua, rau diếp, ớt, hành. Tôi nói sao mày không nuôi chim và đào ao thả cá cho trọn bộ.  T. nói khi về hưu nhất định sẽ làm. À, thì ra hắn cũng định vui thú điền viên.


Nồi nghêu đã chín, T. gọi thêm một người bạn năm xưa đã từng chung vai lướt trên đầu sóng ngọn gió đến để thưởng thức tài nghệ làm bếp của chàng. Anh T. (cũng T!), người bạn Hải quân  của T. rất dễ mến, giọng nói chừng như có pha chút Phan Thiết, Phan Rang, bộc trực, thẳng thắn, vui tính. Cũng như T., anh đã may mắn được theo tàu vượt thoát làn sóng đỏ cuối tháng 4 năm 1975. Giá mà tôi không gàn bướng thì chắc cũng có dịp vượt thoát như các anh. Mười ngày trước ba mươi tháng Tư, gia đình của thiếu úy ĐĐP lên thăm và khuyên anh ra đi. Họ nói tình thế nguy ngập lắm rồi. Anh hỏi tôi có muốn đi hay không? Tôi nói tại sao phải đi  khi tình thế đâu đã tuyệt vọng. Lúc đó TĐ 99/ LĐ 9 BĐQ của tôi nằm ở Củ Chi và tình hình chung quanh vẫn yên tĩnh nên tôi như ếch ngồi đáy giếng, nhìn lên chỉ thấy một mảng trời xanh. Tôi không đi và anh cũng ở lại.  Ở lại cho đến khi bị tràn ngập sáng sớm ngày 29 tháng 4 và sau đó bị địch bắt nhốt chung cùng với rất nhiều lính của các đơn vị khác.


Anh T. mang tặng cho hai chúng tôi 2 trái thanh long rất tươi, tròn trịa, màu hồng phơn phớt và màu xanh lá cây chen nhau rất đẹp mắt. Anh nói đây là trái trồng ở vườn nhà, bảo đảm “organic” 100%. Nghe anh nói thế, T. cười hề hề nói, tao thấy thỉnh thoảng đàn chó 6 con của mày chạy ra làm gì đó quanh mấy gốc thanh long, phải không? Nghe T. nói vậy, anh T. lên tiếng phản đối, bậy bạ mày, làm gì có chuyện đó.  T. cười chúm chím không đáp lại nhưng ngụ ý như "thôi đừng chối nữa!". Vẫn biết T. đùa cho vui nhưng tôi nghĩ nếu là của chó thì có sao đâu, phân bón tự nhiên kia mà! 

Bốn người chúng tôi vùa nhâm nhi Ferrari Carano Chardonnay vừa thưởng thức thau nghêu qua tài nấu nướng tuyệt vời của đầu bếp T. . Nghêu khá ngon. Tôi nhớ hôm trước khi gọi cho T. biết tôi đã đến Cali, hắn nói hắn sẽ trổ tài "chef cook" làm một cái lẫu đồ biển để nhậu, nhưng chắc có cái gì đó làm hắn phải thay đổi chương trình chăng?  


Trời đã xế chiều, có lẽ vợ T. cũng sắp về. Người bạn Hải quân của T. nhấc phone gọi vợ - bà chủ của một nhà hàng - để đặt một số món ăn cho bữa tiệc hội ngộ. Anh ta nói, em nhớ nha, hai dĩa sườn cốt lết phải làm sao cho thiệt ngon, một dĩa ếch xào lăn, hai dĩa chim cút, một dĩa “Simba” (tôm) và thêm  một hai dĩa gì đó mà tôi quên mất. Anh còn dặn, em à, nhớ đến lè lẹ không thôi cả đám lăn ra chết vì đói! Anh quả là người trực tính với óc khôi hài dễ mến. Trực giác của tôi cho tôi biết T. may mắn có một người bạn như anh, và anh may mắn có một người vợ vừa đảm đang vừa có óc kinh doanh.


Sáu giờ chiều, đồ ăn chưa tới, vợ T. về đến. Nàng ngồi xuống ăn nghêu chung với chúng tôi. Chừng như ăn phải con nào đó còn dính cát, nàng hỏi chồng, bộ anh không rửa hay sao mà còn cát nhiều như vậy. T. cười hì hì nói, anh có rửa đâu mà cát với không cát. Ánh mắt dao cau và một phút im lặng theo sau câu nói của T. Kế đó là đầu cúi xuống và đôi mắt không rời chiếc cell phone.  Những ngón tay lướt thoăn thoắt như đôi chân của cặp tình nhân khiêu vũ thiện nghệ trên mặt sàn nhảy cell phone. Bốn người chúng tôi vẫn tiếp tục tra tấn thau nghêu như đã từng trong mười phút trước đó.


Bảy giờ, chị M chủ nhà hàng đến mang theo nụ cười và mùi thơm ngào ngạt của thức ăn.  Người bạn Hải quân của T. mau mắn chạy ra tiếp tay vợ. Trời sâm sẩm tối, anh lại vội vàng nên làm ngã lăn chiếc đầu lâu Halloween T. gắn trên thảm cỏ xanh trước nhà. Có tiếng ai đó léo nhéo “ lại bước lên cỏ nữa rồi”!  Rất may tôi đã không theo bước chân anh. Tôi kéo N. sang một bên để nàng khỏi dẫm lên sân cỏ rồi bước ra phụ chị M. mang thức ăn vào. 


Có thêm chị chủ nhà hàng và thức ăn ê hề, bàn tiệc bây giờ bỗng trở nên vô cùng sinh động.  Chị M. (vợ người bạn Hải quân của T.) còn khá trẻ, ăn nói mềm mỏng, từ tốn, lịch sự. Tiếng nói cười rôm rả của chúng tôi chen trong tiếng cụng ly thanh thoát như chuông. Chai rượu trắng cạn queo, đến chai rượu đỏ. T. mở cửa tủ lạnh lấy chai blush wine do tôi và N. mang đến nói với vợ “em uống thử rượu này của vợ chồng thằng T. đem đến. Nó mua cái này vì nghe nói em thích rượu hồng!”  T. khui ruợu rót cho vợ nếm thử. Tôi hơi lo không biết quà của mình có làm vợ bạn vui không.  Chỉ đến khi thấy được cái gật đầu và nghe được hai tiếng "cám ơn", tôi mới thở phào nhẹ nhõm.


Bàn tiệc sáu người. Một vẫn không ngừng lướt tay theo mạch điện. Năm người còn lại tiếp tục ăn uống, chuyện trò.  Lần đầu tiên được gặp bạn cố tri tại nhà riêng, tôi nấn ná không muốn đi nhưng có một cái gì đó nhắc tôi nên rời khỏi.  Thức ăn còn đầy, rượu chưa cạn, tám giờ rưỡi tối, tôi ngõ lời cáo lui. Tôi nói từ đây về Little Saigon cũng phải mất đến gần hai tiếng, thôi tao và N. về nghe T.  Hắn nói, vậy ta chia tay vậy. Ra về, tôi biết T đã hy sinh bỏ một ngày làm và người vợ trẻ của anh có lẽ cũng cần được nghỉ ngơi sau một ngày chăm sóc sắc đẹp cho khách. Và như thế, buổi tiệc hội ngộ kết thúc.


Tôi và N. lên xe ra về. Con đường trăm dặm không hiểu sao lại thấy như ngắn hơn lúc đi.  Buồn vui lẫn lộn. Nhớ và nghĩ đến thằng bạn buổi thiếu thời. Lớn hơn tôi hai tuổi nhưng đã gọi mày tao chi tớ từ nhỏ cho nên bây giờ không có lý do gì phải gọi nó bằng anh.  Thằng bạn buổi thiếu thời mà tôi rất phục từ học hành cho đến văn chương thi phú.  Thơ hắn hay hơn thơ của khối nhà thơ mà tôi biết nhưng không hiểu sao hắn nhất định không xuất bản một tập thơ nào.  Ngoài tài làm thơ viết văn, hắn còn có tài hội họa và điêu khắc. Thời trai trẻ, tóc đầy đầu nhưng đến già bỗng trở nên hói trầm trọng.  Tôi nói, mày có biết những người hói phần lớn đều là “đại gia” không? Hắn cười.  Hy vọng lời tôi nói sẽ làm vợ hắn thêm hãnh diện khi thấy người chồng yêu kính của mình không thua bất cứ một ai. Nhằm nhò gì ba cọng tóc lẻ tẻ. Gừng càng già càng cay,  người càng già càng hay và tình càng già càng say.


Thấy giá xăng ở Los Angeles gần 4 đồng 1 gallon và biết ngày mai sẽ phải trả xe, về đến Little Saigon, tôi ghé vào trạm xăng để tiếp tế nhiên liệu cho xe. Giá xăng ở Little Saigon thấp hơn ở Los Angeles khoảng hơn 50 xu một gallon. Móc thẻ tín dụng ra để trả thì than ôi, thẻ tín dụng lại bị từ chối.  Chạy sang một trạm xăng gần đó, kết quả cũng giống như vậy khiến tôi nghĩ rằng có một cái gì đó không đúng cần phải được sửa sai ngay lập tức.  Tôi nhớ có một lần đi Canada vì bấm lộn số  zip code mà tôi đã bị từ chối không cho dùng cho đếùn khi tôi liên lạc với nhân viên của công ty tín dụng, nhưng lần này lại khác. Tôi bấm đúng số zip code mà cũng bị từ chối.


Về đến nhà, tôi lập tức mở email để xem hãng credit card có thư cho tôi không.  Tôi tin vào sự làm ăn rất đứng đắn của hãng này. Email của hãng cho tôi biết số thẻ tín dụng của tôi đã “được” ai đó dùng để mua hơn 200 đồng hàng hóa từ một cửa tiệm ở Virginia. Rõ ràng là  ai đó đã đánh cắp số credit card vì khi tên gian sử dụng số thẻ của tôi thì tôi vẫn còn có mặt ở California. Tôi lục lại các biên nhận tiêu xài trong mấy ngày qua mà tôi trả bằng thẻ này thì chỉ có một nơi đáng để cho tôi ngờ nhất. Đó là một quán ăn Việt Nam trên đường Bolsa. Sở dĩ tôi nghi ngờ quán ăn này vì ở tất cả những nơi khác chính tôi là người quẹt thẻ vào máy đọc và không một người thâu ngân viên nào có cơ hội thấy hết 16 số.  Chỉ duy nhất tại nhà hàng đó, tôi phải đưa thẻ cho người phục vụ và ai biết được người này khi mang thẻ vào bên trong đã nhanh chóng ghi lại hoặc chụp hình hai mặt trước và sau thẻ tín dụng của tôi?  Sau đó anh ta đã bán hoặc cung cấp số thẻ tín dụng cho bạn bè hay một tổ chức gian trá nào đó và kẻ gian đã lập tức ra tay. Có thể vì kẻ gian không biết được số zip code của tôi nên đã bị công ty credit card ngăn chận kịp thời.


Đọc email của hãng tín dụng, tôi nghe như có một luồng khí lạnh chạy dọc theo xương sống. Tôi càng buồn bực hơn khi nhớ lại cho dù nhà hàng đã cộng tiền típ (bàn ăn trên 6 người), tôi cũng cho thêm chút ít vì thấy người phục vụ có vẻ khá tận tình.  Mức độ nghi ngờ của tôi  tăng lên khi tôi nhớ lại cái thẻ tín dụng đã nằm trong tay anh “waiter” có đến gần năm phút. Với lượng thời gian đó, anh (hay một nhân viên nào khác) thừa sức chép lại tên họ, số thẻ, ngày hết hạn, và số security code ở mặt sau của thẻ.  Rồi tôi đâm ra tức giận khi nghĩ mình đã trở thành nạn nhân của những người nói cùng thứ tiếng với mình. Công ty tín dụng khuyến cáo tôi nên tiêu hủy thẻ và sẽ gửi cho tôi một thẻ khác. Tôi mang chuyện đó kể cho gia đình nghe và dặn họ nếu có đi ăn ở nhà hàng nào mà phải giao thẻ cho waiter thì nên trả tiền mặt.


Thẻ tín dụng đó không còn dùng được nữa, tôi đâm lo không biết sẽ có ảnh hưởng gì đến việc trả xe ngày mai. Tôi không nhớ tôi đã dùng thẻ nào cho tài khoản mướn xe. Lại thêm một nghịch cảnh nữa! Dù muốn dù không tôi cũng phải chấp nhận và tìm cách khắc phục.  Chuyện nhỏ không đáng lo nhưng cũng đã làm cho giấc ngủ tôi không trọn vẹn.


Dù sao thì chuyện thẻ tín dụng bị ai đó “mượn đỡ”  trong chuyến đi Little Saigon lần này cũng là một kỷ niệm. Kỷ niệm đẹp hay xấu cũng là kỷ niệm.  Một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên. Khi đi, hai người, hai thẻ. Khi về mỗi thứ chỉ còn lại một. Ầu ơ.... ví dầu cầu ván đóng đinh. Anh về bên ấy một mình hắt hiu....


Chuyến đi Cali lần này cho tôi cơ hội gặp lại nhà thơ Nhược Thu. Anh cho biết đang chuẩn bị ra mắt một tập thơ mới với tựa đề “Ước mơ nếu có xanh màu ngọc”. Anh ưu ái tặng tôi và N. một tập và nhờ tôi chuyển cho T. một tập. Tập thơ trình bày trang nhã, bìa rất đẹp mắt. Đây là tập thơ thứ 4 của anh. Anh đã từng xuất bản một tập thơ chung với Thi Hạnh, người vừa đoạt giải nhất sáng tác nhạc do đài SBTN tổ chức qua nhạc phẩm “Đi tìm tình nhân loại”.


Bầu trời sau khung kính phi cơ bây giờ đen sẩm. Tối  rồi. Tiếng người phi công vang lên trên máy phóng thanh cho biết phi cơ đang tiến dần vào vùng trời thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Không ngờ chuyến về lại nhanh như vậy. Có lẽ vì tôi miệt mài nhảy nhót trên bàn phím netbook nên quên hết thời gian.  Chỉ còn khoảng một giờ đồng hồ nữa tôi sẽ thấy lại căn nhà nhỏ bé nghèo nàn của tôi. Căn nhà chỉ bằng một phần năm căn nhà mà N. và gia đình sẽ dọn về nhưng mang ít nhiều ký niệm của hai đứa tôi. Căn nhà là những gì còn lại trong buổi cuối đời của tôi, là của đổ hốt lại sau cơn bão triền miên kéo dài trong hơn hai mươi lăm năm. Để căn nhà đó trở thành mái ấm, tôi đã phải làm ba chuyến dọn nhà.  Một lần dọn từ nhà cũ sang temporary storage. Một lần từ storage và một lần từ căn phòng bốn trăm square feet.


Bấy giờ phi cơ đã hạ xuống khá thấp. Vì ngồi ở ghế bìa, tôi phải nghễnh cổ mới có thể nhìn ra khung cửa sổ. Bên dưới thành phố chan hòa ánh điện. Tôi bỗng mơ hồ thấy như thành phố mà phi cơ sắp đáp xuống là Sài gòn thân yêu của tôi và tôi trở về vì đời đã đổi, chế độ cộng sản đã hoàn toàn sụp đổ. Chắc chắn tôi thấy cờ Việt Nam Cộng Hòa bay rợp khắp nơi và tôi sẽ rơi nước mắt hân hoan. Tôi sẽ quỳ hôn đất và xin ông bà tổ tiên thứ tội cho đứa con hoang đã bỏ đất nước ra đi. Tôi sẽ sống những ngày còn lại của kiếp người trong an nhiên tự tại và sẽ thôi không còn mơ những đêm ngồi uống rượu uống bia với bạn bè tại ngã sáu ngã bảy bên thau nghêu đầy như buổi chiều hôm qua tại nhà T. ở Oxnard. Sài gòn tự do thân yêu của tôi ơi, tôi đã về đây! 

Có tiếng người phi công vang trên máy phóng thanh “”Welcome to Washington DC”” và bánh phi cơ cũng vừa chạm đất.


VĐT
Oct 19, 2014

No comments: