Friday, July 8, 2016

Thơ Nguyễn Nam An:
Mẹ, lính, quê hương và thân phận


Trở lại nam Cali lần này chúng tôi bỗng nhớ đến một ngòi bút quen: Nguyễn Nam An.

Gặp anh lần đầu tại đại hội Quảng Đà Dallas-FortWorth năm 2003, tôi đã có cảm tình với nhà thơ xứ Quảng này. Trong dấp dáng tàng tàng giống như một người bất cần đời của anh, tôi thấy có cái gì là lạ . Cái tàng tàng này như ẩn như hiện cùng khắp trong hầu hết những bài thơ anh viết, trước và sau.

Tôi thích thơ anh không phải vì nghe những tên tuổi nặng ký ca tụng anh như có vị nào đó đã mổ xẻ bài “Vài ba tháng chân đi” của anh. Tôi thích thơ anh vì cái tàng tàng có chút hơi hám bạt mạng của nó. Anh làm thơ tự nhiên như anh nói chuyện. Thơ anh không chứa những chữ cầu kỳ, sáo rỗng, không cường điệu, không kiểu cách, đỏm dáng nhưng lại có khả năng thuyết phục người đọc một cách rất dễ dàng.

Trong chuyến đi nam Cali năm ngoái, hai chúng tôi kéo nhau ra Coffee Factory ngồi để xem biết đâu sẽ có dịp gặp anh vì nghe nhiều người nói anh vẫn thường đóng đô ở đây. Chúng tôi ngồi đến gần hai giờ đồng hồ, thấy hết văn nhân này đến thi sĩ nọ đến rồi đi nhưng không thấy anh đâu. Trở lại nam Cali mùa hè năm nay (2016), hai chúng tôi nhất định phải tìm gặp anh cho bằng được. Miễn là anh còn ở Cali và có duyên thì ắt gặp. Từ lúc gặp anh ở Dallas đến nay đã 13 năm nhưng tôi vẫn tin là nếu gặp lại sẽ nhận ra anh được ngay. Lên net, giở “Qưyên Book”, tôi tìm lại được địa chỉ email của anh.

Đoán anh còn phải đi làm, chúng tôi hẹn sẽ gọi anh sáng thứ bảy để xem anh thích gặp nhau ở đâu. Sáng thứ năm anh “text” cho biết anh xin nghỉ ngày thứ sáu và anh hỏi vậy có cần phải chờ đến sáng thứ bảy nữa không. Thế là hai chúng tôi hẹn gặp anh ở Coffee Factory lúc 11 giờ sáng thứ sáu, để anh có thể ngủ thêm được vài giờ.

Gặp nhau lần này, anh tặng cho hai chúng tôi tập thơ - có lẽ mới nhất của anh - “Anh biết Đà Nẵng qua mây”. Tập thơ in kiểu hơi lạ, hai đầu. Đọc đến gần cuối sách phải quay đầu sách lại để đọc đầu kia. Đầu này, chỉ một tác giả. Đầu kia, thêm tên hai người. Đã từng biết Nguyễn Nam An (NNA) qua những dòng thơ ngang tàng bạt mạng trong “Những thằng con chấp hết” và bi hùng trong “Vài ba tháng chân đi”, chúng tôi biết tập thơ này chắc chắn sẽ không thiếu những bài thơ đáng đọc.

Càng đọc thơ NNA, càng thấy thơ NNA toát ra những tình tự quê hương thâm trầm mà ray rứt, tâm tình của một người con hiếu thảo, tâm tình của một người lính Dù cầm súng khi mới mười bảy tuổi và tâm tình của một kẻ lưu vong qua những ngày trầm luân trên đất khách quê người. Đi lính từ năm mười bảy tuổi mà lại là lính Dù, kỷ niệm một thời ở lính được anh nhắc đến khá nhiều trong suốt tập thơ. Anh nhớ lại lúc còn tham gia huấn luyện ở trại Hoàng Hoa Thám:

“…Đích thân kể chuyện bên kia
Trên “chuồng cu” đứng ngó kìa Tân Sơn
Tân Sơn Nhất, mặt xanh buồn
Nhảy xuống một cái đời như buông rồi.”
(Gặp lại “đích thân” Lữ Đoàn 3 Dù ngoài quán)

Anh nhớ lại năm đôn quân (1972) và những người bạn theo nhau vào lính (hoặc vào gì gì đó!):

“Năm thằng trong xóm đôn quân
Thằng mất tích, thằng chết gần tháng tư
Thêm thằng bị mổ ung thư
Sau chinh chiến đó mịt mù Việt Nam...”
(Email quê cũ)

“Lúc đó chỉ biết rằng đi
Thằng vào lính thằng vào gì biết đâu
Coi như bước nhỏ lần đầu
Bung không bung cũng cùng nhau rời trường”
(Những đứa con trường Phan Chu Trinh ngày đôn quân)

“Đâu biết những ngày mười bảy tuổi
Cùng đi lính tráng mấy thằng đây
Bây giờ nhớ lại bao năm đấy
Lớn rồi nhưng vẫn vậy như mây”
(Thơ gửi về đâu)

(“Mây” được nhắc đến nhiều lần trong thơ của anh. Ngay cả tên tập thơ cũng có chữ “mây”. Ắt hẳn “mây” phải có cái gì rất đặc biệt với nhà thơ Mũ Đỏ này)

Rồi anh nhớ lại sau hai năm ớ lính:

“...Lúc đó tao mày đều mười chín
Chiến chinh bỏ học đã vài năm
Đêm nằm Xuân Lộc rừng khép kín
Đâu đường về cứ nhớ mông lung

Đây đường đi trùng trùng cây trái
Rừng cao su chạy mãi về đâu
Chiều nghe Bảo Định hồi chuông lễ
Vang vọng đầu cây chiến chinh sầu...”
(Lúc đó tao mày)

“...Ra tới hương lộ bắt tay đơn vị bạn
Đêm trăng vàng đi tìm giếng tắm vang
Còn sống để thương đời dầu quá thảm
Khi nước dội từ đầu đầy khổ nhọc sang trang"
(Sáng nhìn hình căn cước quân nhân)

"Chỉ mong còn sống mà về quê cũ
Bây giờ biết đi một lần chưa đủ
Cho làm lại từ đầu thì cũng tác chiến nhào vô
Đánh cái đã.”
(Mùa trăng trên quê hương khi mười chín)

Còn ai ngang tàng và chì hơn người lính Dù NNA! “Cho làm lại từ đầu thì cũng tác chiến nhào vô. Đánh cái đã.”. Với NNA, anh xem chuyện đi lính như một cái gì rất bình thường, tất nhiên, không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Đất nước cần thì cứ vác súng chiến đấu cái đã, mọi chuyện khác tính sau:

“...mà mày sống lành nên Trời phò hộ
tao vẫn tin những đứa sống có lòng
thằng lính hiền khô đánh vì muốn sống
khi đất nước cần bỏ học nhào dô
tác chiến mai chuyện gì sau tính...”
(tối chủ nhật cuối tháng ba, 2013)

"Đánh vì muốn sống" nhưng trong lòng người lính NNA luôn chất chứa tâm tình thiết tha của người lính yêu Tổ quốc:

“...(lúc con đi lính vì con đi lính
Nhưng màu cờ vàng bịn rịn khi xa)

Dạ thưa Tổ quốc ngày xanh
Và nay Tổ quốc khi anh ngày già
Lệ trào nghe tiếng quốc ca
Những hồn tử sĩ chiều tà Việt Nam”
(Dạ thưa Tổ quốc)

Trên bước đường xa xứ, người lính NNA luôn nhắc và nghĩ đến mẹ, thương cho mẹ trong tuổi già sức yếu vẫn còn phải gian nan vì cuộc sống bấp bênh:

“...bây giờ mẹ cứ theo con
thêm thằng em nữa kiếm thêm cái nhà
chỗ nào chủ nó thật thà
không thôi homeless gọi là tháng sau…

đ.m. đã muốn chửi thề
sáng chủ đi lễ để về chốn nao
lỗi tại tôi dính chỗ nào
không dính giờ chuẩn bị chào chỗ đây...”
(có những bực mình nên phải nói)

Anh xót xa khi thấy mẹ đã rất già mà cứ phải theo anh rày đây mai đó:

“...Giờ đi đâu cũng phải mang
mẹ theo thành mẹ cứ gian nan hoài
những ngày qua lại trần ai
đã xuống thật thấp nên hoài, hoài mong

một chỗ để sống yên lòng
một chỗ để thấy còn mong đời này...”
(Những ngày sắp đổi chổ ở)

Xin mở một dấu ngơặc nhỏ: câu “giờ đi đâu cũng phải mang mẹ theo / thành mẹ cứ gian nan hoài” nghe như câu văn xuôi nhưng lại biến thành thơ một cách rất tự nhiên.

Đi lính trẻ, xa nhà từ nhỏ, mãi đến mười bảy năm sau mới gặp lại mẹ, buổi tương phùng nhiều xúc động ngỡ ngàng:

"Đi lính năm mười bảy tuổi
Xa nhà luôn mười bảy năm
Ngày gặp mẹ phi cảng vắng
mẹ cứ đứng nhìn đăm đăm

mi đi chi mà lâu quá
Cái thằng... cái thằng con"
(Nhìn lại mười bảy)

Ai biết được đàng sau dáng dấp ngang tàng bạt mạng của người lính Dù lại là một người con hiếu thảo và rất dễ thương:

“...Chờ giao thừa má với con
ngồi cụng cụng má kể hồi còn thơ
má về con đó ngồi chờ
mong năm mới lại được giờ ngồi nghe...”
(giao thừa má má con con)

Nhà thơ ngậm ngùi khi nghĩ đến mẹ già đã bước sang tuổi chín mươi nhưng vẫn còn lận đận:

“...Sáng sớm đi vào nơi cơm áo
Nghĩ thương mẹ chín chục nay đời
Theo con một đứa, còn dăm đứa
giờ đâu đâu tính chuyện trời ơi
nghĩ, ta lúc ấy hoài cố xứ
nhớ mẹ, mang các em, sum vầy..”
(Tháng tư qua phố trông đường lạnh)

Ngày Mother’s Day thấy mẹ già vẫn cầm chổi quét như mọi ngày, nhà thơ băn khoăn:

“...Chừ mẹ không còn nhớ chi
sáng sớm cầm chổi quét gì
,,,
Những ngày như ngày hôm nay
Mother's Day ai vui vầy
Thấy mẹ ra sân vẫn vậy
Cầm chổi quét mây bay..
(ngày Mother's Day của mẹ)

Trong khi có rất nhiều người lính khác đã tạo được cơ nghiệp vững vàng trên đất khách, người lính dù trong thơ NNA đã trải qua những ngày trầm luân, rày đây mai đó, dọn nhà tới lui (có khi bị đuổi nhà!), cơm hàng cháo chợ (cơm chỉ), vào quán mua thức ăn về nhưng mơ hồ không biết hôm nay phải lựa món gì. Dọn nhà và đuổi nhà chừng như là một trong những cái anh đã trải qua rất nhiều lần:

“...dọn nhà dăm bảy chỗ
đuổi nhà dăm ba lần”

Dù vậy, nhà thơ vẫn an nhiên và đã “ngộ”

“rồi một hôm chợt ngộ
mọi chuyện đều phù vân”
(thơ một bài không tên)

Và đây, lúc “cơm hàng cháo chợ”

“...tôi ở một mình tối về phố chợ
ghé hàng cơm đôi lúc (food to go)
(gọi cơm chỉ) năm bốn mùa cứ nhớ
chỉ hết một vòng, xong, chỉ ngược mơ hồ...”
(vịn bài thơ mà thở để còn vin)

Ước mơ của nhà thơ là một mơ ước rất bình thường:

“...ước mơ có căn nhà nho nhỏ
chiều đi làm về em đứng đợi ta
giờ ta làm về ngang qua xóm lá
tà tà vào chỗ muớn thuở xa xa
...
Căn nhà nhò và ước mơ vẫn đó
Hôm nay không còn lớn nổi, nằm co...”
(ước mơ có căn nhà nho nhỏ)

Tội cho nhà thơ sáng thứ bảy muốn ngủ trễ cũng không được vì ca sĩ karaole nào đó đó cứ tưởng mình là ca sĩ thứ thiệt(người ca sĩ karaoke ấy nếu đọc được mấy dòng thơ này có lẽ sẽ căm tức lắm):

“...Những khi bị thức sớm rồi
Nghe thiên hạ hát thấy tồi chết luôn
Hát gì để nhạc sĩ buồn
Khi giai điệu như búa kiềm đục nhau”
(Sáng thứ bảy bị thức sớm vì ca sĩ karaoke)

Những lúc buồn nhà thơ “vịn vào thơ đứng dậy” và đã có đến 2 bài “Cám ơn bài thơ” trong cùng một tập thơ:

“...Phải cám ơn bài thơ không ra gì chiều nay
Viết không trúng mà nghe đời đỡ khổ
Đã biết bao năm ta còn nợ
Nên đau lưng mà gánh đời hờ…...”
(Cám ơn bài thơ)

“...Cám ơn bài thơ vì ngươi mà ta sống
Qua được những ngày như ngày hôm qua
Qua được buổi sáng như sáng hôm nay
Thức dậy thấy ngày vẫn đầy chim hót...”
(Cám ơn bài thơ, bài thứ hai)

Dù thân phận có thế nào, người lính Dù xa quê hương vẫn luôn nhớ về quê nhà bằng tâm tình tha thiết. Khi nghĩ về quân xâm lược Bắc phương đã dùng những tên rất “thổ tả” để đổi tên một số con đường ở Đà Nẵng, anh đã không giấu được những bực dọc căm tức như nỗi căm tức của người lính trước 75, “biểu ngữ sau lưng, giặc thù phía trước (NNA)”:

“Bây giờ đã bỏ cái lon
cầm chai bia cứ nhớ con đường nhà
tên thằng thổ tả nào ta
chúng đem áp đặt thành ra đường người”
(Tặng con đường Gia Long bị thay tên - bài thơ ngày bỏ uống bia bằng hai tay)

“...Em hỏi con đường Gia Long
hỏi tôi từ chỗ có không nhớ về
lúc con đường còn nằm kề
bây giờ dâu bể đầm đìa chia xa

từ tên đặt, đến người qua
từ chỗ ở đến người và nước non
từ lịch sử méo vo tròn
lừa bịp đó để tan hoang phận người.”
(Em hỏi con đường)

Có không ít một số người Việt lưu vong nay đã quen dần với những quái ngữ xuất hiện tại miền Nam sau năm 1975 và cách dùng chữ quái đản của bọn "đỉnh cao trí tuệ". Với NNA, anh vẫn không thể nào chấp nhận lối dùng chữ quái đản như thế (thú thật, chúng tôi rất mừng khi thấy có “đồng minh”):

“...Đang đọc ngon lành tự nhiên “ấn tượng”
Dị ứng rồi bỏ xuống đọc làm chi
Kể bạn nghe ê thấy sao kỳ qua
Quái đản loại chữ này mẹ nó bỏ đi”
(Chữ nghĩa ở quê hương sau ngày sang trang)

Tháng tư, người lính NNA đọc lại những trang chiến sử để thấy lòng đầy uất hận:

“Đọc rồi lại uất hận đầy
Những trang chiến sử những tù đày qua
Tháng tư ba chục năm là
Như rất mới nỗi đau và quê hương
Giờ nghe những lộng ngữ buông
Chói chan biểu ngữ ẩn buồn hư danh
Và nhìn bao ảo ảnh quanh
Quê hương đất nước mình đành thế sao.”
(Đọc những trang chiến sử)

Người lính chán ghét bộ mặt trâng tráo của bọn đón gió trở cờ trên bàn cờ chính trị miền Nam trước năm 1975:

“...anh nghe hoài những ủy ban liên hiệp quân sự bốn bên
những tên cắc kè vào ngồi cho có
Trò chính trị trên quê hương xanh đỏ
Xanh ruộng vườn mà đỏ máu lệ rơi”
(Để các em còn đi học)

Như rất nhiều người lính VNCH khác, người lính trong thơ NNA đã không nghĩ chiến cuộc có thể tàn một cách nhanh chóng và nếu có tan hàng đi chăng nữa thì cũng chỉ tạm thời. Cuộc lưu vong tưởng ngắn nhưng không ngờ lại đến mấy chục năm. Anh căm tức khi nghĩ đến bọn chính trị hoạt đầu, bọn ăn cơm quốc gia thờ ma việt cộng, bọn đâm sau lưng chiến sĩ đã tiếp tay làm cho miền Nam rơi vào tay giặc:

“...rời quê hương một ngày thua chạy
tưởng vài năm đến mấy chục năm
nghe ai nhắc đau thầm câu "...cố gắng"
thuở dù bung giờ trơ trọi còn đây

anh nghe hoài những em bé mồ côi
cha chết trận như anh ngày ba tuổi
đêm hương lộ nhìn trăng sao nuối nuối
nhủ thầm em hy vọng một ngày vui

lúc đó miền Nam mình lắm kẻ vuốt đuôi
xuống đường biểu tình sao giờ đớ lưỡi...”
(Đi từ một khúc Gia Long)

Khi không còn hy vọng khôi phục lại quê hương trong thời gian ngắn, người lính xót xa chấp nhận kiếp lưu đày tha hương nhưng dù ở đâu cũng thấy hình bóng quê nhà:

“Sài gòn nhỏ đó bâng khuâng
Nơi nào cũng cõng trên lưng quê nhà”
(Nơi anh mượn sống)

Tập thơ “Anh biết Đà Nẵng qua mây” khá dày, có đến khoảng 300 trang. Độ dày của cuốn sách nói lên được khả năng sáng tác vô cùng phong phú của anh. Anh làm thơ dễ dàng như trò chuyện. Mười ba năm gặp lại, nhà thơ vẫn còn nguyên phong độ và thơ anh vẫn đầy những ngạc nhiên kỳ thú, những ý tưởng ngộ nghĩnh dễ thương, ngộ nghĩnh như một số bài lục bát không theo quy luật bình thường.

Có phải “Nhảy Dù, cố gắng” đã giúp cho nhà thơ vuợt lên trên những trói buộc của đời thường để thơ anh lúc nào cũng phóng khoáng, ngang tàng và tự nhiên như thơ của một thời “chấp hết”?

vđt&hđhp

No comments: