Một vòng quanh nước Mỹ, phần 1:
Chuyến viễn du đầu tiên
sau ngày nghỉ hưu (non)
Hai đứa ta nuôi từ hồi nhỏ xíu
nắm đất miền đông ngọt lá thơm cành
tháng sáu lên đường xuyên qua nước Mỹ
chúng cũng gập ghềnh trên những khúc quanh
vượt Tennessee, dừng chân Memphis
ngoại ô đèn mờ phố xá bất an
đêm ngủ không yên, cứ nhìn ra cửa
mừng thấy chiếc xe thấp thoáng sau màn
đến Arkansas ruộng đồng bát ngát
một ông xứ này đã được làm vua
ngày ông xuống ngôi, “dot.com” đổ nát
ông miệng dẻo đeo, bà cũng không vừa
Bà nối bước ông, nhào ra ứng cử
vi muốn được làm bà Tổng đầu tiên
Email lem nhem, sứ thần chết thảm
Mặt dạn mày dày, bà xạo như điên
Oklahoma đồng không mông quạnh
Con đường bốn mươi (I-40) thẳng tắp một đường
Nhìn lại ghế sau hai thằng vẫn mướt
Xanh lá xanh cành ngó thấy mà thương
Amarillo dừng chân ghé lại
Nhìn tới nhìn lui thấy Mễ đầy đường
ăn spaghetti trong Pizza Hut
quán vắng lèo tèo dăm khách thập phương
Máy mát, người no, xe rời Texas
New Mexico nắng lửa nung người
Cây cầu Khe Sanh vắt ngang xa lộ
chữ đậm trên nền máu đỏ còn tươi
Người bạn gọi phone dặn coi chừng rắn
New Mexico nhiều rắn rung chuông
Bạn nói rắn đầy bên trong khách sạn
giở nệm mà xem chúng núp dưới giường (!)
Bạn làm vợ ta tái gan xanh mặt
nàng bảo thôi đừng ngủ ở đây. Đi!
Ta đoán không chừng đó là tin vịt
Nhưng cũng lục tung không bỏ thứ gì
một đêm trôi qua, bình an vô sự
Albuquerque thức giấc chào ngày
đường phố ồn ào ngựa xe mắc cửi
ta lại lên đường nhắm thẳng hướng Tây
Arizona khô cằn sa mạc
vẫn đứng hiên ngang mấy ngọn xương rồng
Dừng lại đổ xăng trên đồi Flagstaff
Gió mát bỗng về reo giữa thinh không
Ba ngày ruỗi dong cuối cùng cũng hết
Hai khách lữ hành đã đến Cali
Con ngựa trẻ măng cũng vừa thấm mệt
Ba ngàn dặm dài đêm nghỉ ngày đi
Nhìn lại con ta giữa lòng xe nóng:
Hai cây lược vàng xanh mướt như mơ
Mang chúng về đây để ươm mầm sống
Ta biết con ta không quỵ bao giờ
Ba mươi mấy năm nặng quằn cơm áo
Vất được cây cày, tâm trí nhẹ tênh
Đủ trả tiền nhà, phone, gas, nước, điện:
Biết đủ, đủ rồi, đợi đủ không nên!
vđt
7/2016
Một vòng quanh nước Mỹ, phần 2
Hơn 2 tuần ở nam Cali trôi qua. Gặp được gần hết các bạn mà chúng tôi muốn gặp, trong số có anh Song, cựu sĩ quan Hải quân, một trong những người có công xây dựng tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo; Quang, Cường (Đông Y Sĩ) và Tưởng, các bạn đồng môn MĐC. Một trong 3 đồng môn này đang gặp chuyện khá xui xẻo. Hy vọng anh ta tai qua nạn khỏi. Tuần trước ghé thăm chị Sao Linh tại tư gia gần Los Angeles, chúng tôi được ăn một bữa cơm canh chua cá kho tộ và rau muống luộc rất ngon do chính tay chị nấu. Tính luôn 3 ngày đường khi rời miền Đông, cuộc lữ hành của chúng tôi đã bước sang tuần thứ 4.
Một ngày trước khi rời Cali, chúng tôi trở lại "Orange Hill Restaurant" trên đồi Cam sau mấy năm không đến. Buổi ăn trưa diễn ra khá vui nhộn nhưng rất tiếc nhà hàng thiếu hụt quá nhiều món ăn. Giận một nỗi khi order họ chẳng nói món nào không có và để mình ngồi chờ có đến hơn 10 phút mới đến xin lỗi, nói món đó "out". Filer Mignon hết, sausage cũng không, nói chung là những thứ chúng tôi thích đều hết sạch. Đành phải thay thế món khác mà lòng không vui. Mấy năm trở lại, không ngờ nhà hàng Orange Hill tệ quá. Nếu biết thế có lẽ chúng tôi đã đi ăn cá nướng ở Favori hay trở lại nhà hàng sát bãi biển ở Laguna Beach, nơi chúng tôi đã ăn trưa với chị Thạch Thủy, chị Sao Linh và anh TSL.
Chủ nhật. Đồ đạc đã khuân ra xe. Hành lý, hàng hóa linh tinh chật cứng "cargo", tràn lên cả băng sau. Trước khi đi, chúng tôi ghé Costco mua 2 bành nước, mỗi bành mấy chục chai vì nghe tin hai vùng đất mà chúng tôi sắp ghé đang trong tình trạng khan hiếm nước trầm trọng. Sau khi hai bành nước được giao cho thân hữu, chiếc xe sẽ rộng chỗ hơn.
Ghé trạm xăng tiếp tế nhiên liệu, chúng tôi nhắm hướng 22 East trực chỉ. Mặt trời chưa lên cao nhưng cái nóng miền nam Cali mỗi lúc một tăng. Xe có máy lạnh, không sao. Chỉ lo nó bị "overheat" khi băng qua sa mạc Arizona. Con ngựa non đang độ xuân thì nên sung sức lắm, nuốt từng dặm đường một cách khoan thai.
6 giờ rưỡi chiều chúng tôi đến Avondale. Tên Việt Nam anh Vĩnh Liêm đặt cho nó là "thung lũng A-Vòng". Anh vốn có tài dịch một số địa danh Mỹ sang tiếng Việt rất hay. Ngày xưa khi còn ở Maryland, anh đã dịch Germantown là "Đức Phố". Tôi không nhớ anh có dịch tên thành phố Rockville sang tiếng Việt hay không. Bắt chước anh, chúng tôi cũng dịch tên thành phố tại Virginia nơi chúng tôi đang ở ra thành "Ăn Năn Phố" (Annandale). Phố của chúng tôi, như tên gọi, chắc chỉ dành cho những ai biết...ăn năn.(*)
Không nhắc tới cái nóng bất hủ của Arizona, Avondale khá đẹp, đường xá sạch sẽ, ngang dọc như bàn cờ. Giá nhà lại rất hạ, lý tưởng cho người về hưu không đủ tiền để mua nhà cao giá ở nam California. Đến nơi, trước bữa ăn chiều, anh Vĩnh Liêm và chị Thành đưa chúng tôi đi xem một vòng phố. Avondale tĩnh lặng, êm đềm. Trong mắt tôi, đây cũng có thể là nơi ngồi nhìn những ngày cuối của cuộc đời trôi qua. Chị Thành nói, mỗi năm dân ở đây chỉ chịu khó “nướng” khoảng 4 tháng từ tháng 5 đến tháng 9. Những tháng còn lại, đẹp tuyệt vời! Chị cho chúng tôi xem một căn nhà đang treo bảng bán. Căn nhà đẹp, không mới nhưng thơm phức như nhà mới cất. Tôi lẩm bẩm, giá mà nhiệt độ dưới 100 và nếu tôi có đủ tiền thì tôi sẽ không bỏ lỡ cơ hội này. Trên đường trở lại nhà anh Vĩnh Liêm, chúng tôi chạy ngang một shopping mall mới xây nhưng bỏ hoang và hãng Lockheed Martin nay đã đóng cửa vì nghe nói họ đã dọn sang nơi khác. Phải chăng đó là một trong những lý do tại sao giá nhà ở đây tương đối thấp so với nhiều nơi khác?
Sau một vòng thăm dân cho biết sự tình, anh Vĩnh Liêm và chị Thành đưa chúng tôi về. Hai anh chị đã chuẩn bị mọi thứ, từ phòng ngủ cho đến thức ăn, món uống. Chị Thành nấu canh chua, cá kho tộ, thêm một dĩa bò xào. Bốn người dùng bữa rất tự nhiên. Thức ăn không chê vào đâu đuợc. Có cả rượu, bia và cà phê. Buổi chiều tàn hồi nào không biết. Nắng bên ngoài tắt lịm, lửa trời nguội dần. 2 giờ sáng chúng tôi mắt đã nặng nhưng miệng còn khỏe, vẫn tiếp tục chuyện trò. Tôi biết sáng hôm sau sẽ phải khởi hành sớm để đến Colorado trước nửa khuya. Biết vậy nhưng vẫn cứ ham vui, vẫn cứ khề khà, nói đủ thứ chuyện, từ những chuyện xảy ra tại Việt Nam đến chuyện tranh cử Tổng thống tại Hoa Kỳ, chuyện ông Trump, chuyện bà Hillary thiếu thành thật trong vụ email và cái chết thảm khốc của ông đại sứ ở Benghazi trong thời gian bà còn giữ chức Ngoại Trưởng. Là những người đã từng tham gia đấu tranh chống cộng và góp mặt trong nhiều sinh hoạt cộng đồng, anh Vĩnh Liêm và chị Thành đề cập đến rất nhiều vấn đề, trong đó, anh Vĩnh Liêm vẫn luôn ngày đêm khắc khoải với ý nghĩ làm thế nào để chế độ cộng sản tại Việt Nam giải thể càng sớm càng tốt.
Vài tiếng đồng hồ chợp mắt, ánh sáng bình minh đã len vào khe cửa. Lại sắp đến giờ đi. Rời phòng bước ra, anh Vĩnh Liêm và chị Thành đã thức dậy từ lúc nào không hay. Chị đang dọn món bò kho cho bữa điểm tâm. Đã cho ăn no nê, chị còn bảo chúng tôi “carry out” vài hộp bò kho mang theo ăn dọc đường. Biết dạ dày không còn chỗ chứa, chúng tôi đành từ chối nhưng lòng vẫn sợ chị giận. Rất may, chị vẫn cười tươi.
Lên xe. Con tuấn mã yên cương đã sẵn sàng. Ngoảnh lại nhìn, hai anh chị vẫn còn đứng đó nhìn theo. Giã từ Avondale, nhưng có lẽ sẽ không giã từ lâu. Nghỉ hưu non, chúng tôi còn nhiều dịp đi giang hồ. Và sẽ còn ghé lại nơi đây. Ghé lại nơi đây không phải vì giá nhà rẻ, thích hợp cho tuổi già mà ghé lại nơi đây vì có những thân tình như của anh Vĩnh Liêm và chị Thành. Nhưng bây giờ, con đường xa lộ I-17 hướng về phương Bắc đang mở toang chờ đợi. Đã quá 9 giờ sáng, liệu chúng tôi có thể vượt hơn 800 dặm đường để đến nhà chị Thạch Thủy trước lúc nửa khuya? Nếu không đến trước lúc nửa khuya, có lẽ chúng tôi thà “nửa đêm ngoài phố” còn hơn đến gõ cửa phá giấc ngủ của chị.
Lo lắng thế nào, việc ra thế ấy. Thay vì đi đường xa lộ liên bang I-40 băng qua Albuquerque, chúng tôi lại dùng các liên tỉnh lộ như đường 89 và 160. Hết đoạn sửa chữa này đến đoạn sửa chữa kia. Đèn đỏ làm chậm chân không ít. Đã vậy tốc độ nhiều nơi giảm xuống dưới 35 dặm một giờ. Chúng tôi đã chọn lộ trình này vì thấy nó ngắn hơn lộ trình qua xa lộ liên bang. Tính già hóa non.
Ra đến được xa lộ I-70 thì mặt trời đã bắt đầu xế bóng. Cũng may xa lộ này chịu chơi, cho phép chạy đến 80 dặm một giờ. Đường vắng, êm, có lúc đồng hồ tốc độ tăng lên 90 lúc nào không biết. Động cơ xe quay gần 3000 vòng một phút vẫn không nhanh bằng vòng quay của kim đồng hồ. Trời tối dần, chúng tôi không kịp thưởng thức cái đẹp của dòng Colorado và non xanh nước biếc của vùng cao nguyên hùng vĩ này. Khác hẳn với cái khô cằn của nam California và Arizona, dòng Colorado tưới màu xanh lên núi rừng và thung lũng của vùng cao nguyên trữ tình ướt át.
Gần 12 giờ khuya, chúng tôi vẫn còn cách Denver đến hơn 50 dặm. Từ Denver về nhà chị Thạch Thủy cũng hơn 50 dặm. Chẳng lẽ chúng tôi đến gõ cửa nhà chị lúc 2 giờ sáng? Không được. Hai đứa em này không thể nào làm mất giấc ngủ của chị được. Chúng tôi biết mình phải làm cái gì và làm thế nào. Hai chiếc ghế xe sẽ trở thành hai chiếc giường ngủ tạm qua đêm. Sẽ đến nhà chị vào sáng ngày mai vậy.
8 giờ sáng chúng tôi tiếp tục lên đường. Đi ngay giờ rush hour nên highway có những đoạn xe bò như kiến. Hơn hai giờ đồng hồ sau, chúng tôi đến Fort Collins. Phố xá nơi đây có nét đẹp như phố của những vùng nghỉ mát. Cái nóng cũng không quá hỗn hào như cái nóng sa mạc mà chúng tôi đã đi qua. Có thể tắt máy lạnh, quay cửa kính xe xuống vẫn không thấy nóng. Cho con tuấn mã tuổi hãy còn non bớt vất vả một chút. Tội nghiệp chú đã làm việc quá cật lực trong suốt ngày qua và trong hơn nửa ngày chủ nhật.
Không lâu sau, chúng tôi lừng lững tiến vào khu phố của chị Thạch Thủy. Con đường đẹp núp dưới những tàng cây phong xanh mướt. Đối diện nhà chị, một cây “sugar maple” với màu lá vàng anh đẹp một cách não nùng! Cái đẹp của chớm thu trong đầu mùa hạ. Tôi thầm hỏi tại sao mình không thấy loại cây này ở Virginia và tự nhủ, khi trở lại Virginia tôi sẽ đi tìm xem vùng đất miền đông có loại cây này hay không.
Căn nhà chúng tôi đang đứng phía trước rất khang trang, hai tầng, garage 3 cửa, cây cờ Mỹ nho nhỏ xinh xinh vươn lên giữa chậu hoa trên bậc thềm xi măng. Xem lại số nhà, tin chắc đây là nhà chị Thạch Thủy, tôi mạnh dạn bước đến gõ cửa. Như một nàng tiên dịu hiền, chị bước ra nhìn chúng tôi cười nói “sao giờ này hai em mới đến? Tối hôm qua chị chờ đến 1 giờ khuya!” Chúng tôi cho chị biết chúng tôi đã “nửa đêm ngoài phố” vì không muốn phá giấc ngủ của chị. Chị nói, có gì đâu, sao mấy em không đến, để chị chờ!
Tôi bê một bành nước mấy chục chai vào tặng cho chị. Chị trố mắt nhìn chúng tôi như nhìn cái gì lạ lắm. Non Nước nói, nghe tin mấy tiểu bang miền Tây Hoa Kỳ đang trong cơn hạn hán, chúng em muốn tiếp tế cho chị chút nước. Chị cười, trời đất, các em không thấy dòng Colorado sao ? Dòng sông này tưới không chỉ một tiểu bang Colorado mà còn nhiều tiểu bang lân cận khác. Tôi chợt nhớ ra, khi cho xe quẹo vào khu phố của chị, có người đang tưới cỏ, một chuyện rất hiếm thấy ở California. Có nước tưới cỏ, có nghĩa là nước quá dư thừa. Hóa ra chúng tôi chở củi về rừng! Tôi bẽn lẽn nói, thôi lỡ rồi, xin chị nhận cho mấy em vui. Rồi tôi nhớ đến chuyện mấy bà mẹ miền Bắc sau tháng 4 năm 1975 cắc ca cắc củm mang vào Nam mấy cái chén sành cho con cháu vì cứ tưởng dưới chế độ hà khắc của “Mỹ Ngụy”, con cháu bà phải ăn bằng mủng vùa! Có ngờ đâu khi vào Nam thấy con cháu xài toàn chén kiểu, bà mới vỡ lẽ ra. Nhìn bành nước trên sàn nhà chị Thạch Thủy, tôi tự an ủi, thôi có còn hơn không vậy, “it's the thought that counts”.
Chị đã chuẩn bị thức ăn cho chúng tôi từ ngày hôm qua. Hai đứa em được chị cho ăn một bữa bún bò Huế thật ngon. Có cả cà phê nữa. Cà phê đậm không thua gì Starbucks. Chai rượu đỏ nằm chờ sẵn nhưng chúng tôi chưa vội khui. Biết chúng tôi đi đường xa thấm mệt, rồi đêm qua phải ngủ vật vờ như kẻ bụi đời, chị khuyên chúng tôi lên phòng chợp mắt dăm mười phút cho khỏe. Chao ôi, chị cẩn thận và chu đáo vô cùng. Phòng ngủ sạch boong, giường “king size”, chăn nệm thẳng nếp, đồ đạc đâu ra đó. Đã thế hai đứa em còn được chị mang cho 2 bộ khăn tắm thơm phức, như thể trong khách sạn 5 sao. Đây không phải “Welcome to Hotel California” mà là “Welcome to Hotel Colorado”... Đúng thế, “such a lovely place …such a lovely face”. Rất nhẹ nhàng, rất dịu dàng, chị bước xuống cầu thang cho chúng tôi được tự nhiên dỗ giấc.
Không cần phải dỗ lâu, chúng tôi thiếp đi rất nhanh và ngủ ngon lành. Mở mắt dậy khoảng 4 giờ chiều, chúng tôi chạy ra phố mua một chai icewine để sẽ cùng chị nhâm nhi trong bữa ăn chiều. Vẫn còn no vì tô bún bò ban trưa, chúng tôi ngồi ăn bánh pita, hummus, cheese và uống rượu đỏ. Chai icewine chưa đủ lạnh nên sẽ được thưởng thức sau cùng. Chị Thạch Thủy định dọn bữa ăn tối nhưng mấy món ăn chơi đã căng cứng dạ dày chúng tôi hồi nào không biết. Buổi ăn tối như thế xem như kết thúc. Dĩ nhiên chúng tôi không quên mời chị Thạch Thủy thưởng thức chai icewine đã được ướp lạnh. Chị Thạch Thủy cho chúng tôi ăn cheesecake, như để nhớ lúc ngồi ăn ở Cheesecake Factory trong những lần gặp gỡ trước. Nhắc đến Cheesecake Factory chúng tôi không khỏi không nhớ đến một chiến hữu kém may mắn ở Ohio. Trong tương lai có thể chúng tôi sẽ đi thăm anh Kiến Hôi lần nữa.
Đêm đầu ở nhà chị Thạch Thủy, chúng tôi ngủ rất ngon. Vừa thức dậy đã thấy chị Thạch Thủy loay hoay lo bữa ăn sáng. Chúng tôi ăn bánh mì hột gà ốp la, thịt ba rọi, uống cà phê, vừa ăn vừa ngồi nhìn ra khu vườn nho nhỏ xinh xinh nhiều ong bay bướm lượn của chị. Hôm trước chị đã đưa chúng tôi dạo một vòng quanh vườn và chỉ cho chúng tôi thấy cây chị trồng để nhớ đến chị Ướt Mi. Sáng nay chú thỏ con hôm qua lại ghé đến thăm. Lần này chú thỏ bạo dạn hơn, đứng nhìn chúng tôi chăm chăm. Chú thỏ có vẻ nhỏ hơn chú thỏ trong ảnh chị post trên Một Góc Phố trước đây. Tôi ngồi nhìn mảnh vườn của chị, ước sao mảnh vườn của hai đứa tôi ở Virginia cũng xinh xinh như thế. Chị đã tự tay thiết kế rồi mướn người tráng xi măng sân patio với đường cong nét lượn rất đẹp. Mỗi ngày chị thức dậy thật sớm, tưới hoa tưới cỏ, tỉa cây này, vun gốc nọ rồi thả bộ vài vòng quanh khu phố như một cách tập thể dục. Có lẽ nhờ vậy mà chị trẻ mãi, nhìn chị khó có ai đoán được niên kỷ chị bao nhiêu.
Sau buổi ăn sáng, chị đưa chúng tôi đi thăm Estes Park, cách Fort Collins khoảng gần 1 giờ lái xe. Chị cho biết khách sạn Stanley ở đó là nơi phim The Shining đã được quay. Đường vào Estes Park rất đẹp, ngoằn ngoèo như rắn lượn vòng quanh qua những dãy núi chập chùng, một bên là đá dựng, một bên là dòng suối nước trong chảy xiết qua các mỏm đá âm thanh róc rách vui tai. Khách sạn Stanley tọa lạc ngay trên đỉnh núi, nắng chiếu chan hòa, khung cảnh phố núi chung quanh đẹp tuyệt. Có thể nói đây là nơi nghỉ mát lý tưởng nên vì vậy mà nhiều người Mỹ hiện đang sống ở các tiểu bang miền Nam nóng bức đã chọn Colorado làm nơi rong chơi trong mấy tháng mùa hè.
Rời Estes Park, chúng tôi trở lại Fort Collins. Trên đường về, chị Thạch Thủy giới thiệu cho chúng tôi biết thêm một phố nhỏ khác: phố Loveland, nơi chị và gia đình từng ở đó trong nhiều năm. Chị cho biết có rất nhiều họa sĩ và điêu khắc gia đang sinh sống tại đây. Họ đã cống hiến cho công viên Benson Sculpture Garden nhiều pho tượng đẹp với đủ hình thể rất đẹp. Dừng xe, chúng tôi đi một vòng công viên chụp hình hết tượng này tượng khác. Chiều trên công viên thật êm ả, chúng tôi ngồi xuống trên băng đá dưới bóng mát của một cây cổ thụ rất cao mà tôi không biết loại cây gì. Đưa tay chỉ sang bên kia đường, chị Thạch Thủy cho biết các ông bà cao niên hiện đang sống trong khu nhà dưỡng lão nơi đó vẫn thường sang đây dìu nhau đi khi nắng sớm vừa lên hay trong những buổi chiều tà khi lửa trời vừa tắt. Tôi nghĩ, ở tuổi già nua mà họ còn được thưởng thức những cái đẹp của đất trời và con người như thế thì còn gì tốt hơn. Gió hiu hiu làm tôi chỉ muốn nằm xuống trên băng đá này ngủ một giấc, nhưng lại đến giờ phải về cho kịp bữa cơm chiều.
Chiều hôm nay chị Thạch Thủy lại trổ tài làm bếp. Hai đứa em của chị được thưởng thức món chem chép (mussels) với bánh mì tỏi theo kiểu Ý và món cá hồi nướng thật ngon. Non Nước giúp chị nướng cá, nàng cứ lo không đủ chín. Cũng may, không có miếng nào còn sống cả. Chúng tôi uống sake và nửa chai icewine còn lại. Ba chị em chuyện trò cho đến nửa đêm. Gặp nhau lần này, Non Nước nhận ra giữa tôi và chị Thạch Thủy có nhiều điểm khá giống nhau, có lẽ vì tôi ẩn tuổi chị. Gần 12 giờ đêm, ba chị em chia tay, ai về phòng nấy. Đêm nay là đêm chót của chúng tôi ở “Hotel Colorado”. Thêm một đêm chúng tôi ngủ rất ngon.
Sáng hôm sau, như sáng hôm trước, chị Thạch Thủy đã dọn sẵn bữa điểm tâm. Lần này, chúng tôi được chị cho ăn xôi lạp xưởng. Chị còn chu đáo dành cho chúng tôi một hộp xôi để mang theo ăn dọc đường. Đã định đúng 8 giờ sẽ khởi hành để kịp đến Dallas vào khoảng 9 giờ tối nhưng thân tình của chị Thạch Thủy và cái đẹp của đất trời Colorado đã làm chúng tôi quyến luyến không rời.
Một giờ đồng hồ trôi qua rất nhanh. Rồi cũng đến lúc chia tay. Hành lý được mang ra xe từ trước, chúng tôi vội quay đi như để tránh những giây phút bịn rịn sau cùng. Chị hỏi chúng tôi có bỏ quên gì không? Tôi nói, nếu có quên gì thì chắc đó là trái tim của hai đứa em này! Chị cười dịu hiền, yêu thương và khoan dung. Xe lăn bánh, quay đầu nhìn lại chúng tôi vẫn còn thấy chị đứng đó. Màu vàng anh của cây sugar maple sáng nay như phơn phớt một nỗi buồn. Bụi Fort Collins bay vào mắt ai cay...Kỷ niệm hai ngày ở Colorado sẽ là những kỷ niệm khó quên.
Tạm biệt Colorado, hẹn một ngày trở lại. Ngày đó chắc hẳn không xa.
vđt
July 25, 2016
(*) Anh Vĩnh Liêm cho biết "năm 2010, tôi ở Annandale, có làm dăm bài thơ và ghi nơi sáng tác là "Thung lũng Ăn-Năn" tức Annandale
Một vòng quanh nước Mỹ, phần 3
Rời Fort Collins, chúng tôi lấy I-25 chạy về hướng Nam. Sau khi đi ngang Denver, chúng tôi lấy I-70 tiến về hướng Đông. Xa lộ liên bang I-70 vượt qua những cánh đồng Byers, Limon, Burlington bát ngát. Burlington là thành phố cuối cùng của Colorado trước khi I-70 hướng vào Kansas. Đường vắng, tiếng bánh xe lăn đều như ru tài xế vào giấc ngủ...thiên thu. Không có cà phê nào có thể chống lại cơn buồn ngủ chết người này. Kinh nghiệm những lần đi chơi xa cho tôi biết, nếu giữ vững tay lái được khoảng 10 phút thì tôi sẽ tỉnh táo trở lại và có thể tiếp tục chạy thêm vài giờ đồng hồ nữa. Bằng không, chắc chắn tôi sẽ phải đánh thức Non Nước dậy vì lái xe trong tình trạng không kiểm soát được chính mình như vậy không khác nào tự sát. Tội nghiệp nàng mới vừa ngã lưng chưa được bao lâu. Nghĩ vậy nên tôi cố định thần, ngồi thẳng người, nắm chặt tay lái.
Vài phút sau tôi tỉnh dần và không lâu sau chúng tôi đến Salina. Cũng vừa kịp lúc phải dừng xe đổ xăng và đổi tay lái. Hôm trước, Hoàng Định Nam text hỏi “T., mày cố gắng tới Dallas khoảng 6 giờ rưỡi, rồi tắm rửa, sau đó đi ăn vào lúc 7 giờ được không?”. Ý kiến rất hay nhưng tôi đành phải cho anh ta biết hai đứa tôi đến Dallas có sớm lắm cũng không trước 9 giờ tối, vậy thay vì đi ăn tiệm, mua cái gì về nhà ăn rồi cụng vài ly coi bộ tiện hơn. Lỡ có quá chén thì lăn ra ngủ, không phải lo bị cảnh sát bắt vì tội DUI. HĐN đồng ý. Đổ xăng xong, lên xe đi thì HĐN text “T, mày đi tới đâu rồi?” Tôi đáp “Salina, Kansas”. HĐN text tiếp “Còn mấy trăm miles nữa?” Tôi trả lời “450 miles. Chắc khoảng 11 giờ mới đến” Thấy tôi text qua text lại được, HĐN biết người lái không phải là tôi nên text “Chắc Titi (Non Nước) đang cầm lái, vậy mày gọi tao đi”. Chàng ta đoán đúng phóc. Qua phone, chàng ta hỏi hai đứa tôi muốn ăn cái gì. Tôi nói cái gì cũng được, có đặc sản nào đó của Dallas càng hay. Nói chuyện với HĐN xong, tôi nằm xuống dỗ giấc để nếu Non Nước mệt thì tôi sẽ lái thay.
Cứ thế chúng tôi chạy miệt mài về hướng Nam, theo đường xa lộ liên bang I-35 xuyên suốt từ Kansas, qua Oklahoma đến Texas. Lác đác lại có vài đoạn sửa đường. Đến Wichita trời vừa tắt nắng. HĐN nói với tôi nhà thơ xứ Quảng Quang Huỳnh hiện đang cư ngụ nơi đây. Biết vậy chứ không tài nào ghé thăm anh được vì thời gian quá eo hẹp. Để vợ chồng HĐN phải chờ đến gần khuya cũng đủ nhức nhối rồi. Từ Wichita đến Dallas nhanh lắm cũng phải mất hơn 5 giờ đồng hồ, và bây giờ đã quá 6 giờ chiều. Sau khi đổi tay lái, tôi cắm đầu cắm cổ chạy, có lúc vượt quá tốc độ ấn định 10, 15 dặm làm Non Nước lo ngai ngái sợ bị cảnh sát “thổi”. Tôi nói cùng lắm là bị phạt tiền chứ gì. Nàng nói nhiều khi họ không chỉ phạt tiền mà còn bắt mình phải xuống đây đi học luật giao thông thì khốn.
Không lâu sau chúng tôi tiến vào địa phận Oklahoma. Nói đến Oklahoma, nhiều người vẫn chưa quên hơn 20 năm về trước, Timothy McVeigh đặt bom phá sập cao ốc Murrah tại Oklahoma City khiến gần 200 người chết và hơn 600 người bị thương. Không lâu sau, anh ta bị bắt và bị xử tử bằng cách chích thuốc độc. Lần sau có dịp đi ngang qua tiểu bang này có lẽ chúng tôi sẽ ghé Oklahoma City để nhìn tận mắt nơi đã xảy ra thảm cảnh như chúng tôi đã từng tìm đến tận nơi hai tòa nhà tháp đôi đã bị khủng bố Hồi giáo cuồng tín phá sập ở Nữu Ước.
Chạy một đỗi nữa, khi đến gần biên giới Oklahoma-Texas, tôi thấy bên trái đường I-35 là casino Winstar rất khiêu gợi và quyến rủ với đủ ánh đèn màu rực rỡ. Biết tiểu bang Texas không cho phép lập casino, Oklahoma bèn dựng một cái sát biên giới cho bà con Texas đến đây thử thời vận. Nếu còn kịp giờ hẹn với HĐN, không chừng hai đứa tôi đã ghé lại chụp vài tấm hình rồi cống hiến cho tiểu bang Oklahoma chút tiền xây dựng xứ sở (hoặc sẽ được Oklahoma tặng cho chút tiền xăng?). Thôi đành hẹn dịp khác vậy. Sau khi ra khỏi Oklahoma, vì đường I-35 đang được sửa chữa, có rất nhiều đoạn đường thắt lại còn mỗi một lane làm tôi nóng ruột vô cùng. Nóng nhưng không dám chạy nhanh. Gọi HĐN, anh ta nói hai vợ chồng đang đi mua đồ nhậu. Tôi nhìn đồng hồ và nhẩm tính có lẽ khoảng 11 giờ rưỡi sẽ đến Garland. Không sao, ráng thức một đêm nghe bạn hiền! Mệt nhất là lái xe trong đêm tối trên con đường hai bên đầy những cone và thùng plastic màu cam. Cuối cùng hai đứa tôi cũng đậu xe ngay cửa tổ uyên ương của vợ chồng HĐN trước giờ dự định, 11 giờ 20 phút.
Bữa ăn tối đã được vợ chồng HĐN dọn sẵn với vài món được xem như đặc sản Dallas: chicken wings với tiêu và lemon sauce, thịt heo rừng. Đường xa thấm mệt, uống đến ly rượu thứ hai tôi đã ngà ngà. HĐN lại mang ra thêm một chai Remy Martin XO và hai ba chai rượu mạnh, trong số có chai gì đó (hình như Jack Daniels?) với nồng độ rượu 46 phần trăm, chỉ nếm một chút đã thấy lửa xanh phựt ra từ cổ và khói xám bốc lên ngay giữa đỉnh đầu. Biết trưa hôm sau HĐN còn phải đi làm nên tôi và Non Nước thôi không uống nữa rồi mạnh ai về phòng nấy. Phòng ngủ ở “Hotel Garland” không gì khác hơn lại chính là phòng làm việc của chủ nhà. Trước khi đi ngủ, HĐN còn nhắc đến chuyện vợ chồng anh B. - hai người bạn rất thân của vợ chồng HĐN - sẽ ghé chơi với chúng tôi sáng mai.
Như đã bàn tính, 9 giờ sáng cả nhà thức dậy uống cà phê. Sau đó anh chị B. , bạn thân của vợ chồng HĐN đến và 6 người kéo nhau đi ăn trưa. Trời vừa tạnh mưa, đường xá sũng ướt. Đây là trận mưa đầu tiên chúng tôi thấy trong gần 1 tháng kể từ lúc rời Virginia. Hình như Dallas mưa nhiều hơn các nơi khác. Năm 2003 tôi xuống đây dự đại hội Quảng Đà cũng đã mắc một cơn mưa lớn khủng khiếp. Tuần trước, khi gặp nhau ở Cali, nhà thơ Nguyễn Nam An vẫn còn nhắc lại trận mưa ở Dallas đêm ấy. Mưa lớn như có ai bê nguyên một thùng phuy đầy nước đổ ập vào kính xe làm gạt nước như muốn khựng lại. Dallas vẫn luôn được biết đến với những trận mưa đá nhỏ có, lớn có. Đá nhỏ cỡ đầu ngón tay, lớn có khi bằng trái banh golf. Vợ chồng HĐN cũng vừa bị mưa đá làm móp xe móp nhà cách đây không lâu, nhưng nghe nói bảo hiểm bồi thường gần hết.
Anh chị B. & KA, 2 người bạn mà chúng tôi có dịp gặp lần này, rất dễ mến. Anh gốc lính Nhảy Dù, cùng lữ đoàn với nhà thơ Nguyễn Nam An, đánh trận chót ở Phước Tuy rồi theo Lữ Đoàn xuống tàu ra khơi để khỏi lọt vào tay địch. Nghe nói Trung tá Lữ Đoàn Phó của Lữ Đoàn này đã chết trên đường “Đông Tiến” trong những năm giữa hay cuối thập niên tám mươi. Tôi đã có dịp gặp ông nhiều lần khi ông còn làm quản lý cho siêu thị Mekong ở Arlington, Virginia. Trước anh B., tôi đã gặp hai người lính Nhảy Dù dưới quyền ông, người thứ nhất là anh TTV., người thứ hai là Nguyễn Nam An và bây giờ là anh. Khá to con, tôi đoán có lẽ ngày xưa anh đã từng vác đại liên. Nghĩ chơi cho vui không ngờ đúng như vậy. Gặp lại ở Houston tối hôm sau, anh kể chuyện suýt chút nữa anh đã ria đại liên vào cánh quân của Nguyễn Nam An vì lúc đó trời tối khó nhận ra địch hay bạn. Cũng may chuyện đáng tiếc chưa xảy ra.
Ăn trưa xong (quán nào đó tôi quên tên rồi nhưng hủ tíu Nam Vang và cà phê rất ngon - cám ơn anh chị B&KA), hai đứa tôi chia tay với vợ chồng HĐN và vợ chồng anh B.&KA để lên đường đi Houston thăm P., một người bạn từ buổi thiếu thời. Năm 2010 xuống Houston chơi, bác dẫn tôi đi ăn món “ốc chỉ tay” thật ngon mà đến giờ tôi vẫn chưa quên. Tôi quảng cáo với Non Nước món này và nói nhất định nàng phải ăn cho biết nó ngon như thế nào. Đường từ Dallas đi Houston rất dễ, chỉ có độc nhất mỗi con xa lộ I-45 thẳng một hướng Nam. Tôi lạng quạng chạy vào mấy đường “toll” trong khi xe không có “EZ Tag”. Tôi mơ hồ thấy như xe mình đã bị chụp hình và lo sớm muộn gì cũng sẽ nhận được giấy phạt, chỉ mong tiền phạt không quá nặng. Sau khi đưa Non Nước đi thăm một bà dì lâu năm không gặp, hai đứa tôi đến nhà P. khoảng gần 7 giờ chiều.
Gặp lại P. sau 2 năm, tôi ngỡ ngàng quá đỗi. Bác ốm thấy rõ, có lẽ do hậu quả của một căn bệnh nào đó chăng? Trong nỗi ngạc nhiên, tôi hỏi “gặp lại lần này tớ thấy bác gầy rạc đi đấy nhé. Có chuyện gì không?” Bác nói “mình sụt hơn 20 pounds. Bệnh...” Nghe tên căn bệnh, tôi không tin vào thính giác của mình. Nhưng bác nói thật vậy. Bác giữ kín vì không muốn bạn bè mất vui trong lần tái ngộ. Hai người chơi với nhau từ thuở thiếu niên, tôi biết bác là người rất kín đáo, cứng cỏi, bĩnh tĩnh, ngạo nghễ nhưng không kiêu hãnh, chịu đựng nhưng không khuất phục. Tôi không ngờ một con người nhân hậu và cương trực như thế lại mắc phải chứng bệnh hết sức hiểm nghèo.
Vui niềm vui tái ngộ nhưng không thể không buồn khi biết bạn thân đang lâm trọng bệnh, hai đứa tôi thấy mình trở nên thừa thải vì không biết phải làm gì. Bác vẫn cười ha hả và nói chuyện rất tự nhiên như để trấn an chúng tôi trong khi chính bác mới là người cần được trấn an. Bác đưa chúng tôi ra nhà hàng Vinh Hoa cho Non Nước có dịp thưởng thức món ốc chỉ tay nhưng tiếc thay họ không có món đó. Trưa hôm sau, chúng tôi và gia đình P. trở lại Vinh Hoa lần nữa nhưng ốc chỉ tay vẫn trốn biệt nơi nào không thấy. Ăn trưa xong, chúng tôi ghé tiệm xôi mua một ít chè xôi để mai sẽ mang theo ăn đi đường.
3 giờ chiều, HĐN gọi phone, cho biết vợ chồng anh ta và vợ chồng anh B. đã đến Houston, hiện đang ở nhà ái nữ của phu nhân HĐN. HĐN hỏi “chương trình chiều nay thế nào? Hỏi thằng P. uống rượu gì?” Tôi nói “tụi mày cứ đến đây đi rồi tính. Nhưng hình như bác P. không được khỏe”. Tưởng tôi nói cà rỡn, HĐN cười khúc khích trong máy “mày hỏi nó có qua khỏi con trăng này không?” Tôi hạ giọng, không đùa đâu nha. P. không khỏe thật đó. Chừng như cảm nhận được, HĐN nói vậy hả rồi gác máy.
Hơn tiếng đồng hồ sau, 4 bằng hữu từ Dallas đến. Anh chị B&KA. đã quen biết vợ chồng P. từ lâu, khỏi giới thiệu. Ngày xưa hai gia đình đã có ý muốn làm sui với nhau nữa kìa. Anh chị B&KA. muốn giành cho P. sự ngạc nhiên nên dặn hai đứa tôi đừng cho bác biết là anh chị sẽ ghé thăm. Mãi đến lúc đó họ mới biết điều tôi nói với HĐN “P. không khỏe” không phải là lời nói đùa. Chừng như đang có một áng mây xám nào đó bay thoáng qua. Nghe một người bạn thân của mình đang lâm trọng bệnh, ai cũng quan tâm và ái ngại. Trò chuyện qua lại một đỗi, cả nhà kéo nhau đi ăn tối ở nhà hàng Hải Cảng (Harbor Seafood Restaurant). Tôi vẫn nuôi hy vọng sẽ có món ốc chỉ tay cho Non Nước thưởng thức dù rằng trưa nay chính tôi là người đã chạy vô đây hỏi họ có món đó hay không và họ đã nói “không”. Chị waitress nói với chúng tôi rằng "có lẽ chưa tới mùa". Tháng 9, tháng 10 trở lại có thể sẽ có ốc chỉ tay. Bọn tôi không order rượu của nhà hàng vì HĐN có mang theo chai rượu đỏ thuộc hạng bồ đào mỹ tửu. Dĩ nhiên chúng tôi phải trả tiền corkage vì đó là quy luật của nhà hàng.
Còn sớm, bọn tôi rời nhà hàng Harbor Seafood và kéo nhau đi "Hot Pot" ăn lẫu. Thực sự chúng tôi đến đó chỉ để kiếm một nơi “nhậu” lai rai. Lần này chúng tôi uống Remy Martin XO do HĐN mang đến. P. chỉ uống nước lạnh vì bác sĩ không cho phép uống. Nhưng dù là nước lạnh vẫn cứ cụng lia chia. Ai biết bên trong châu thân bác đang đau đớn như thế nào nhưng bề ngoài bác vẫn hồn nhiên nhập cuộc một cách hết sức tận tình với anh em. Những câu chuyện vui đủ đề tài và thể loại cứ thế nổ râm ran. Tôi gọi phone Nguyễn Nam An để anh có dịp làm quen với B., chiến hữu cùng Lữ Đoàn. Hai người trò chuyện có vẻ rất tâm đắc. Sau khi gác phone, anh B. nói với tôi NNA kể hồi đó suýt nữa đã xảy ra chuyện “phe ta bắn phe mình”. Mấy phút điện đàm ngắn ngủi đó đã cho Duơng Nổ (NNA) ngay buổi sáng hôm sau...nổ ra một bài thơ rất...ngầu.
Nghe nói tôi đã nghỉ hưu (non!) và Non Nước hiện đang không vướng bận việc làm, anh B. nổi hứng nói “kỳ này tôi mà bị layoff thì tôi nghỉ luôn rồi đi chơi cho khỏe!” Thực sự mà nói, tôi phải quyết định nghỉ hưu non vì hoàn cảnh bắt buộc, nhưng khi vất được cái cày rồi, thấy đã gì đâu! Không còn phải trỗi dậy khi nghe đồng hồ reo vào lúc bốn giờ rưỡi sáng mỗi ngày, tôi thấy đó là một giải thoát. Tôi nói với anh B. , tôi không mong anh bị layoff, nhưng nếu điều đó xảy ra thì bọn mình cùng đi giang hồ một chuyến cho vui. Chừng như anh rất đắc ý với đề nghị đó.
Gần 1 giờ sáng, bọn tôi chia tay, anh chị B. theo vợ chồng HĐN, hai đứa tôi theo vợ chồng P. Đêm nay là đêm chót của Non Nước và tôi ở Houston. Sáng hôm sau chúng tôi sẽ nhắm hướng Đông Bắc trên đường trở lại Virginia. Tôi thầm nghĩ gặp được P. tại tư gia trong chuyến đi này cũng là điều may vì với căn bệnh quá nặng của bác, thật khó đoán được lúc nào bác phải vào bệnh viện. Thật vậy vì khi tôi ngồi viết những dòng này thì P. đã vào bệnh viện gần một tuần lễ và mới vừa xuất viện ngày hôm qua.
Sáng hôm sau, chủ nhật, hai vợ chồng bác thức dậy rất sớm để tiễn hai đứa tôi. Tôi thắp nhang trước bàn thờ Phật Tổ và Mẹ Quan Âm cầu xin cho vợ chồng bác sớm phục hồi sức khỏe, nhất là cho bác sớm thoát căn bệnh hiểm nghèo. Tôi biết từ đây hàng ngày tôi sẽ cầu nguyện cho bác như cầu nguyện cho chính tôi. Người bạn ngạo nghễ từ buổi thiếu thời của tôi nhất định sẽ không bao giờ đầu hàng nghịch cảnh. Ráng lên nghe bác, đường còn dài, chân cứng, đá mềm!
vđt
July 27, 2016
Một vòng quanh nước Mỹ, phần 4
vẫy tay từ biệt Houston
trong kính thấy bạn tần ngần nhìn theo
hai ngày hội ngộ bay vèo
vui chìm vực nhớ, buồn treo đỉnh hồn
Đường 10 xe ngựa dập dồn
Baton Rouge nắng cháy mòn thịt da
Đến đây nhớ Katrina
Xua cơn bão dữ tràn qua đất này
Biloxi hóa đầm lầy
Dân tỵ nạn Việt sống ngày bể dâu
đường 10 chạy mãi về đâu
qua Mobile đến lối vào sáu lăm (I-65)
Alabama lặng thầm
trắng đen đen trắng vết bầm chưa phai
Wetumpka ngủ đêm nay
sáng mai lại tiếp một ngảy ruỗi dong
ta đang trở lại miền Đông
bốn tuần không trọn một vòng nước non
ngựa hồng chưa nản chân bon...
vđt
July 28, 2016
Monday, July 25, 2016
Friday, July 8, 2016
Thơ Nguyễn Nam An:
Mẹ, lính, quê hương và thân phận
Trở lại nam Cali lần này chúng tôi bỗng nhớ đến một ngòi bút quen: Nguyễn Nam An.
Gặp anh lần đầu tại đại hội Quảng Đà Dallas-FortWorth năm 2003, tôi đã có cảm tình với nhà thơ xứ Quảng này. Trong dấp dáng tàng tàng giống như một người bất cần đời của anh, tôi thấy có cái gì là lạ . Cái tàng tàng này như ẩn như hiện cùng khắp trong hầu hết những bài thơ anh viết, trước và sau.
Tôi thích thơ anh không phải vì nghe những tên tuổi nặng ký ca tụng anh như có vị nào đó đã mổ xẻ bài “Vài ba tháng chân đi” của anh. Tôi thích thơ anh vì cái tàng tàng có chút hơi hám bạt mạng của nó. Anh làm thơ tự nhiên như anh nói chuyện. Thơ anh không chứa những chữ cầu kỳ, sáo rỗng, không cường điệu, không kiểu cách, đỏm dáng nhưng lại có khả năng thuyết phục người đọc một cách rất dễ dàng.
Trong chuyến đi nam Cali năm ngoái, hai chúng tôi kéo nhau ra Coffee Factory ngồi để xem biết đâu sẽ có dịp gặp anh vì nghe nhiều người nói anh vẫn thường đóng đô ở đây. Chúng tôi ngồi đến gần hai giờ đồng hồ, thấy hết văn nhân này đến thi sĩ nọ đến rồi đi nhưng không thấy anh đâu. Trở lại nam Cali mùa hè năm nay (2016), hai chúng tôi nhất định phải tìm gặp anh cho bằng được. Miễn là anh còn ở Cali và có duyên thì ắt gặp. Từ lúc gặp anh ở Dallas đến nay đã 13 năm nhưng tôi vẫn tin là nếu gặp lại sẽ nhận ra anh được ngay. Lên net, giở “Qưyên Book”, tôi tìm lại được địa chỉ email của anh.
Đoán anh còn phải đi làm, chúng tôi hẹn sẽ gọi anh sáng thứ bảy để xem anh thích gặp nhau ở đâu. Sáng thứ năm anh “text” cho biết anh xin nghỉ ngày thứ sáu và anh hỏi vậy có cần phải chờ đến sáng thứ bảy nữa không. Thế là hai chúng tôi hẹn gặp anh ở Coffee Factory lúc 11 giờ sáng thứ sáu, để anh có thể ngủ thêm được vài giờ.
Gặp nhau lần này, anh tặng cho hai chúng tôi tập thơ - có lẽ mới nhất của anh - “Anh biết Đà Nẵng qua mây”. Tập thơ in kiểu hơi lạ, hai đầu. Đọc đến gần cuối sách phải quay đầu sách lại để đọc đầu kia. Đầu này, chỉ một tác giả. Đầu kia, thêm tên hai người. Đã từng biết Nguyễn Nam An (NNA) qua những dòng thơ ngang tàng bạt mạng trong “Những thằng con chấp hết” và bi hùng trong “Vài ba tháng chân đi”, chúng tôi biết tập thơ này chắc chắn sẽ không thiếu những bài thơ đáng đọc.
Càng đọc thơ NNA, càng thấy thơ NNA toát ra những tình tự quê hương thâm trầm mà ray rứt, tâm tình của một người con hiếu thảo, tâm tình của một người lính Dù cầm súng khi mới mười bảy tuổi và tâm tình của một kẻ lưu vong qua những ngày trầm luân trên đất khách quê người. Đi lính từ năm mười bảy tuổi mà lại là lính Dù, kỷ niệm một thời ở lính được anh nhắc đến khá nhiều trong suốt tập thơ. Anh nhớ lại lúc còn tham gia huấn luyện ở trại Hoàng Hoa Thám:
“…Đích thân kể chuyện bên kia
Trên “chuồng cu” đứng ngó kìa Tân Sơn
Tân Sơn Nhất, mặt xanh buồn
Nhảy xuống một cái đời như buông rồi.”
(Gặp lại “đích thân” Lữ Đoàn 3 Dù ngoài quán)
Anh nhớ lại năm đôn quân (1972) và những người bạn theo nhau vào lính (hoặc vào gì gì đó!):
“Năm thằng trong xóm đôn quân
Thằng mất tích, thằng chết gần tháng tư
Thêm thằng bị mổ ung thư
Sau chinh chiến đó mịt mù Việt Nam...”
(Email quê cũ)
“Lúc đó chỉ biết rằng đi
Thằng vào lính thằng vào gì biết đâu
Coi như bước nhỏ lần đầu
Bung không bung cũng cùng nhau rời trường”
(Những đứa con trường Phan Chu Trinh ngày đôn quân)
“Đâu biết những ngày mười bảy tuổi
Cùng đi lính tráng mấy thằng đây
Bây giờ nhớ lại bao năm đấy
Lớn rồi nhưng vẫn vậy như mây”
(Thơ gửi về đâu)
(“Mây” được nhắc đến nhiều lần trong thơ của anh. Ngay cả tên tập thơ cũng có chữ “mây”. Ắt hẳn “mây” phải có cái gì rất đặc biệt với nhà thơ Mũ Đỏ này)
Rồi anh nhớ lại sau hai năm ớ lính:
“...Lúc đó tao mày đều mười chín
Chiến chinh bỏ học đã vài năm
Đêm nằm Xuân Lộc rừng khép kín
Đâu đường về cứ nhớ mông lung
Đây đường đi trùng trùng cây trái
Rừng cao su chạy mãi về đâu
Chiều nghe Bảo Định hồi chuông lễ
Vang vọng đầu cây chiến chinh sầu...”
(Lúc đó tao mày)
“...Ra tới hương lộ bắt tay đơn vị bạn
Đêm trăng vàng đi tìm giếng tắm vang
Còn sống để thương đời dầu quá thảm
Khi nước dội từ đầu đầy khổ nhọc sang trang"
(Sáng nhìn hình căn cước quân nhân)
"Chỉ mong còn sống mà về quê cũ
Bây giờ biết đi một lần chưa đủ
Cho làm lại từ đầu thì cũng tác chiến nhào vô
Đánh cái đã.”
(Mùa trăng trên quê hương khi mười chín)
Còn ai ngang tàng và chì hơn người lính Dù NNA! “Cho làm lại từ đầu thì cũng tác chiến nhào vô. Đánh cái đã.”. Với NNA, anh xem chuyện đi lính như một cái gì rất bình thường, tất nhiên, không cần phải đắn đo, suy nghĩ. Đất nước cần thì cứ vác súng chiến đấu cái đã, mọi chuyện khác tính sau:
“...mà mày sống lành nên Trời phò hộ
tao vẫn tin những đứa sống có lòng
thằng lính hiền khô đánh vì muốn sống
khi đất nước cần bỏ học nhào dô
tác chiến mai chuyện gì sau tính...”
(tối chủ nhật cuối tháng ba, 2013)
"Đánh vì muốn sống" nhưng trong lòng người lính NNA luôn chất chứa tâm tình thiết tha của người lính yêu Tổ quốc:
“...(lúc con đi lính vì con đi lính
Nhưng màu cờ vàng bịn rịn khi xa)
Dạ thưa Tổ quốc ngày xanh
Và nay Tổ quốc khi anh ngày già
Lệ trào nghe tiếng quốc ca
Những hồn tử sĩ chiều tà Việt Nam”
(Dạ thưa Tổ quốc)
Trên bước đường xa xứ, người lính NNA luôn nhắc và nghĩ đến mẹ, thương cho mẹ trong tuổi già sức yếu vẫn còn phải gian nan vì cuộc sống bấp bênh:
“...bây giờ mẹ cứ theo con
thêm thằng em nữa kiếm thêm cái nhà
chỗ nào chủ nó thật thà
không thôi homeless gọi là tháng sau…
đ.m. đã muốn chửi thề
sáng chủ đi lễ để về chốn nao
lỗi tại tôi dính chỗ nào
không dính giờ chuẩn bị chào chỗ đây...”
(có những bực mình nên phải nói)
Anh xót xa khi thấy mẹ đã rất già mà cứ phải theo anh rày đây mai đó:
“...Giờ đi đâu cũng phải mang
mẹ theo thành mẹ cứ gian nan hoài
những ngày qua lại trần ai
đã xuống thật thấp nên hoài, hoài mong
một chỗ để sống yên lòng
một chỗ để thấy còn mong đời này...”
(Những ngày sắp đổi chổ ở)
Xin mở một dấu ngơặc nhỏ: câu “giờ đi đâu cũng phải mang mẹ theo / thành mẹ cứ gian nan hoài” nghe như câu văn xuôi nhưng lại biến thành thơ một cách rất tự nhiên.
Đi lính trẻ, xa nhà từ nhỏ, mãi đến mười bảy năm sau mới gặp lại mẹ, buổi tương phùng nhiều xúc động ngỡ ngàng:
"Đi lính năm mười bảy tuổi
Xa nhà luôn mười bảy năm
Ngày gặp mẹ phi cảng vắng
mẹ cứ đứng nhìn đăm đăm
mi đi chi mà lâu quá
Cái thằng... cái thằng con"
(Nhìn lại mười bảy)
Ai biết được đàng sau dáng dấp ngang tàng bạt mạng của người lính Dù lại là một người con hiếu thảo và rất dễ thương:
“...Chờ giao thừa má với con
ngồi cụng cụng má kể hồi còn thơ
má về con đó ngồi chờ
mong năm mới lại được giờ ngồi nghe...”
(giao thừa má má con con)
Nhà thơ ngậm ngùi khi nghĩ đến mẹ già đã bước sang tuổi chín mươi nhưng vẫn còn lận đận:
“...Sáng sớm đi vào nơi cơm áo
Nghĩ thương mẹ chín chục nay đời
Theo con một đứa, còn dăm đứa
giờ đâu đâu tính chuyện trời ơi
nghĩ, ta lúc ấy hoài cố xứ
nhớ mẹ, mang các em, sum vầy..”
(Tháng tư qua phố trông đường lạnh)
Ngày Mother’s Day thấy mẹ già vẫn cầm chổi quét như mọi ngày, nhà thơ băn khoăn:
“...Chừ mẹ không còn nhớ chi
sáng sớm cầm chổi quét gì
,,,
Những ngày như ngày hôm nay
Mother's Day ai vui vầy
Thấy mẹ ra sân vẫn vậy
Cầm chổi quét mây bay..
(ngày Mother's Day của mẹ)
Trong khi có rất nhiều người lính khác đã tạo được cơ nghiệp vững vàng trên đất khách, người lính dù trong thơ NNA đã trải qua những ngày trầm luân, rày đây mai đó, dọn nhà tới lui (có khi bị đuổi nhà!), cơm hàng cháo chợ (cơm chỉ), vào quán mua thức ăn về nhưng mơ hồ không biết hôm nay phải lựa món gì. Dọn nhà và đuổi nhà chừng như là một trong những cái anh đã trải qua rất nhiều lần:
“...dọn nhà dăm bảy chỗ
đuổi nhà dăm ba lần”
Dù vậy, nhà thơ vẫn an nhiên và đã “ngộ”
“rồi một hôm chợt ngộ
mọi chuyện đều phù vân”
(thơ một bài không tên)
Và đây, lúc “cơm hàng cháo chợ”
“...tôi ở một mình tối về phố chợ
ghé hàng cơm đôi lúc (food to go)
(gọi cơm chỉ) năm bốn mùa cứ nhớ
chỉ hết một vòng, xong, chỉ ngược mơ hồ...”
(vịn bài thơ mà thở để còn vin)
Ước mơ của nhà thơ là một mơ ước rất bình thường:
“...ước mơ có căn nhà nho nhỏ
chiều đi làm về em đứng đợi ta
giờ ta làm về ngang qua xóm lá
tà tà vào chỗ muớn thuở xa xa
...
Căn nhà nhò và ước mơ vẫn đó
Hôm nay không còn lớn nổi, nằm co...”
(ước mơ có căn nhà nho nhỏ)
Tội cho nhà thơ sáng thứ bảy muốn ngủ trễ cũng không được vì ca sĩ karaole nào đó đó cứ tưởng mình là ca sĩ thứ thiệt(người ca sĩ karaoke ấy nếu đọc được mấy dòng thơ này có lẽ sẽ căm tức lắm):
“...Những khi bị thức sớm rồi
Nghe thiên hạ hát thấy tồi chết luôn
Hát gì để nhạc sĩ buồn
Khi giai điệu như búa kiềm đục nhau”
(Sáng thứ bảy bị thức sớm vì ca sĩ karaoke)
Những lúc buồn nhà thơ “vịn vào thơ đứng dậy” và đã có đến 2 bài “Cám ơn bài thơ” trong cùng một tập thơ:
“...Phải cám ơn bài thơ không ra gì chiều nay
Viết không trúng mà nghe đời đỡ khổ
Đã biết bao năm ta còn nợ
Nên đau lưng mà gánh đời hờ…...”
(Cám ơn bài thơ)
“...Cám ơn bài thơ vì ngươi mà ta sống
Qua được những ngày như ngày hôm qua
Qua được buổi sáng như sáng hôm nay
Thức dậy thấy ngày vẫn đầy chim hót...”
(Cám ơn bài thơ, bài thứ hai)
Dù thân phận có thế nào, người lính Dù xa quê hương vẫn luôn nhớ về quê nhà bằng tâm tình tha thiết. Khi nghĩ về quân xâm lược Bắc phương đã dùng những tên rất “thổ tả” để đổi tên một số con đường ở Đà Nẵng, anh đã không giấu được những bực dọc căm tức như nỗi căm tức của người lính trước 75, “biểu ngữ sau lưng, giặc thù phía trước (NNA)”:
“Bây giờ đã bỏ cái lon
cầm chai bia cứ nhớ con đường nhà
tên thằng thổ tả nào ta
chúng đem áp đặt thành ra đường người”
(Tặng con đường Gia Long bị thay tên - bài thơ ngày bỏ uống bia bằng hai tay)
“...Em hỏi con đường Gia Long
hỏi tôi từ chỗ có không nhớ về
lúc con đường còn nằm kề
bây giờ dâu bể đầm đìa chia xa
từ tên đặt, đến người qua
từ chỗ ở đến người và nước non
từ lịch sử méo vo tròn
lừa bịp đó để tan hoang phận người.”
(Em hỏi con đường)
Có không ít một số người Việt lưu vong nay đã quen dần với những quái ngữ xuất hiện tại miền Nam sau năm 1975 và cách dùng chữ quái đản của bọn "đỉnh cao trí tuệ". Với NNA, anh vẫn không thể nào chấp nhận lối dùng chữ quái đản như thế (thú thật, chúng tôi rất mừng khi thấy có “đồng minh”):
“...Đang đọc ngon lành tự nhiên “ấn tượng”
Dị ứng rồi bỏ xuống đọc làm chi
Kể bạn nghe ê thấy sao kỳ qua
Quái đản loại chữ này mẹ nó bỏ đi”
(Chữ nghĩa ở quê hương sau ngày sang trang)
Tháng tư, người lính NNA đọc lại những trang chiến sử để thấy lòng đầy uất hận:
“Đọc rồi lại uất hận đầy
Những trang chiến sử những tù đày qua
Tháng tư ba chục năm là
Như rất mới nỗi đau và quê hương
Giờ nghe những lộng ngữ buông
Chói chan biểu ngữ ẩn buồn hư danh
Và nhìn bao ảo ảnh quanh
Quê hương đất nước mình đành thế sao.”
(Đọc những trang chiến sử)
Người lính chán ghét bộ mặt trâng tráo của bọn đón gió trở cờ trên bàn cờ chính trị miền Nam trước năm 1975:
“...anh nghe hoài những ủy ban liên hiệp quân sự bốn bên
những tên cắc kè vào ngồi cho có
Trò chính trị trên quê hương xanh đỏ
Xanh ruộng vườn mà đỏ máu lệ rơi”
(Để các em còn đi học)
Như rất nhiều người lính VNCH khác, người lính trong thơ NNA đã không nghĩ chiến cuộc có thể tàn một cách nhanh chóng và nếu có tan hàng đi chăng nữa thì cũng chỉ tạm thời. Cuộc lưu vong tưởng ngắn nhưng không ngờ lại đến mấy chục năm. Anh căm tức khi nghĩ đến bọn chính trị hoạt đầu, bọn ăn cơm quốc gia thờ ma việt cộng, bọn đâm sau lưng chiến sĩ đã tiếp tay làm cho miền Nam rơi vào tay giặc:
“...rời quê hương một ngày thua chạy
tưởng vài năm đến mấy chục năm
nghe ai nhắc đau thầm câu "...cố gắng"
thuở dù bung giờ trơ trọi còn đây
anh nghe hoài những em bé mồ côi
cha chết trận như anh ngày ba tuổi
đêm hương lộ nhìn trăng sao nuối nuối
nhủ thầm em hy vọng một ngày vui
lúc đó miền Nam mình lắm kẻ vuốt đuôi
xuống đường biểu tình sao giờ đớ lưỡi...”
(Đi từ một khúc Gia Long)
Khi không còn hy vọng khôi phục lại quê hương trong thời gian ngắn, người lính xót xa chấp nhận kiếp lưu đày tha hương nhưng dù ở đâu cũng thấy hình bóng quê nhà:
“Sài gòn nhỏ đó bâng khuâng
Nơi nào cũng cõng trên lưng quê nhà”
(Nơi anh mượn sống)
Tập thơ “Anh biết Đà Nẵng qua mây” khá dày, có đến khoảng 300 trang. Độ dày của cuốn sách nói lên được khả năng sáng tác vô cùng phong phú của anh. Anh làm thơ dễ dàng như trò chuyện. Mười ba năm gặp lại, nhà thơ vẫn còn nguyên phong độ và thơ anh vẫn đầy những ngạc nhiên kỳ thú, những ý tưởng ngộ nghĩnh dễ thương, ngộ nghĩnh như một số bài lục bát không theo quy luật bình thường.
Có phải “Nhảy Dù, cố gắng” đã giúp cho nhà thơ vuợt lên trên những trói buộc của đời thường để thơ anh lúc nào cũng phóng khoáng, ngang tàng và tự nhiên như thơ của một thời “chấp hết”?
vđt&hđhp