Thursday, November 21, 2013
Lê Anh Dũng
THƯ CHO BA
CỦA ĐỨA CON
CHÀO ĐỜI NGÀY BA MƯƠI THÁNG TƯ
"Chị ngồi vá cờ da vàng máu đỏ
Trải tâm tình trên mũi chỉ đường kim
Cờ chính nghĩa mai tung trời lộng gió
Gió nhân quyền thơm mát mắt môi em"
(VĐT)
Thưa Ba,
Chỉ còn vài hôm nữa là đến sinh nhật lần thứ hai mươi lăm của con. Con số hai mươi lăm chừng như có một cái gì đáng để ý hơn những con số khác vì thói thường người ta ưa dùng những con số năm và mười để làm mốc thời gian. Bổng chốc con nhớ đến trò chơi năm mười mà con chơi khi còn bé. Năm, mười, mười lăm, hai mươi, hai mươi lăm. Thời gian trôi qua nhanh quá, ba nhỉ. Chỉ còn thêm năm lần cái năm như vậy nữa là qua đi nửa thế kỷ, và có nghĩa là con trai của ba sẽ bằng tuổi ba bây giờ, nếu ba còn sống. Con vẫn nghĩ cũng như hy vọng rằng ba chưa chết.
Oái oăm thay, ngày khai sinh của con lại cũng là ngày khai tử của một quốc gia, một triều đại, một chính thể. Mẹ con vẫn luôn nhắc con nhớ rằng khi con cất tiếng khóc chào đời thì cũng là lúc mà chiếc xe tăng đầu tiên của quân đội cộng sản Bắc Việt ủi sập cổng Dinh Độc Lập để rồi sau đó nước Việt Nam Cộng Hòa bị chánh thức xóa tên. Mẹ nói cho dù người ta đã bức tử nó nhưng bốn chữ Việt Nam Cộng Hòa thân yêu ấy vẫn sống mãi trong lòng bà. Bởi trong bốn chữ ấy có hình bóng của ba, của một người tham gia cầm súng giữ nước và dựng nước.
Mẹ đã lạc mất ba từ những ngày giữa tháng ba khi Ban Mê Thuột thất thủ. Mẹ đã bỏ Sài Gòn ra Nha Trang tìm ba vì nghe nói có nhiều chiến binh sống sót trở về. Mẹ đã lang thang khắp đường phố Nha Trang trong nhiều ngày, áo quần xốc xếch, mặt mũi hốc hác, tìm kiếm khắp nơi nhưng chẳng thấy ba đâu. Mẹ gặp vài chú lính mang phù hiệu đơn vị của ba và hỏi thăm tin tức của ba nhưng có người nói ba đã bị phe bên kia bắt. Có người nói chắc ba không còn hy vọng sống sót vì đơn vị của ba là đơn vị đầu tiên bị giặc tấn công. Người ta còn cho biết giặc đã bắt và chặt đầu tại chỗ một số sĩ quan miền Nam. Toàn những chi tiết mẹ không muốn nghe. Toàn những chi tiết chỉ làm mẹ hoang mang đến cùng cực.
Cuối cùng làn sóng xâm lăng của Bắc quân tràn đến Nha Trang buộc mẹ phải trở lại Sài gòn. Mẹ nói lúc ấy khoảng đầu tháng tư và con đã gần bảy tháng nằm trong bụng mẹ. Mẹ nói dù rất hoang mang và buồn bực nhưng mẹ vẫn cố gắng bình tỉnh vì không muốn làm kinh động đến cái bào thai. Mẹ lo lỡ có bề gì chắc mẹ ân hận lắm. Cứ thế mẹ chờ tin ba, ngày lại ngày qua.
Trong nỗi khổ đau dằng dặc ấy, mẹ vẫn cố gắng. Ngày ấy mẹ còn trẻ lắm. Mẹ nói lúc ấy ba hai mươi lăm tuổi và mẹ thì chỉ mới hai mươi. Mẹ sống với gia đình bên chồng, chịu thương chịu khó. Ông bà nội của con rất thương mẹ và càng thương hơn khi thấy mẹ lạc mất chồng. Bà nội ngày đêm cầu khẩn cho sự trở về bình yên của ba vì ba là con một. Nội rất buồn nhưng cố không để lộ ra mặt vì không muốn mẹ mất niềm tin. Ông nội từ ngày nghe tin dữ bổng đâm ra lặng lẽ, ít nói và thường ngồi một mình, trầm ngâm, đăm chiêu. Thời gian trôi qua một cách nặng nề cho đến ngày cuối tháng tư, ngày con trai ba mở mắt chào đời. Hai ngày sau mẹ bị buộc phải mang con rời bệnh viện cho dù cả mẹ lẫn con đều hãy còn thoi thóp vì sinh thiếu tháng. Nguyên do cũng chỉ vì mẹ là vợ của "ngụy quân".
Khi con lên năm, ông nội qua đời. Hoàn cảnh sống quá khắc khổ cộng thêm nỗi nhớ con đã cướp đi mạng sống của ông. Bà nội đã buồn lại càng buồn hơn. Từ ấy bà như con chim lẻ bạn. Bà chỉ còn con là niềm vui duy nhất vì nhiều lần bà nói con là hình ảnh của ba. Năm năm trôi qua nhưng nội cũng còn nuôi hy vọng sẽ có một ngày con bà trở lại. Bà vẫn nghĩ rằng ba còn có mặt trên đời và không chừng đang lẫn trốn đâu đó nơi rừng sâu núi thẳm hay đang bị tù tội đọa đày. Và ấy cũng là niềm hy vọng của mẹ.
Cuộc sống mỗi lúc càng khó khăn hơn. Mẹ và ông bà nội ngày một gầy thêm. Bổng đến một ngày kia nội bảo mẹ và con phải tìm cách đi ra nước ngoài. Nội nói nội rất thương con thương cháu nhưng phải bấm bụng hy sinh để đứa cháu duy nhất của nội có một tương lai. Mẹ lo lắng, tần ngần, bất ổn, không biết tính sao. Ý nội đã quyết, không gì lay chuyển được. Hai mẹ con phải vượt biên và nội sẽ tìm cách thu xếp.
Thế là hơn một năm sau ngày ông nội mất mẹ dẫn con xuống thuyền ra đi. Gần hai mươi năm đã qua nhưng hình ảnh vượt biên vẫn còn hiện về nhập nhòa trong trí con. Buổi chiều hôm ấy mưa nhiều lắm. Mưa suốt đoạn sông dài từ điểm hẹn cho đến khi thuyền gần ra cửa biển. Nhiều lần mẹ quay mặt khóc vì không muốn con thấy mẹ buồn. Lúc ấy, khi nhìn mưa, bộ óc non nớt của con bổng nghĩ rằng không chừng trời cũng đang khóc thương những người biệt xứ. Và con cũng bật khóc trong một lúc thật bất ngờ. Nhập nhòa sau màn mưa và nước mắt con thấy trước mặt là biển cả mênh mông và sau lưng là dòng sông quê hương. Khi ấy mọi người trên thuyền đều lặng thinh, không ai nói với ai một lời nào.
Thế mà đứa bé sáu tuổi theo mẹ vượt biên năm nào bây giờ đã lớn. Đứa hài nhi sinh ra ngày ba mươi tháng tư bây giờ đã là một thanh niên. Một chặng đường đã qua. Mẹ bây giờ cũng đã có chồng khác. Bảy năm sau ngày đến Mỹ mẹ bước thêm bươc nữa. Con không buồn và không trách mẹ, trái lại còn mừng cho mẹ đã tìm được người chồng tốt. Người cha kế của con rất quí mến và chiều chuộng con. Nhờ ông mà cả mẹ lẫn con đã qua được những ngày tháng khó khăn trên đất Mỹ. Mẹ gặp ông khoảng hai năm sau khi đến Mỹ. Ông ta cũng là một sĩ quan trong quân đội miền Nam ra đi năm 1975 cho nên rất thông cảm với hoàn cảnh của mẹ. Tội nghiệp mẹ lúc ấy vẫn còn nuôi hy vọng rằng ba còn sống. Mẹ vẫn chờ, vẫn đợi, vẫn trông mong. Chính vì vẫn còn thương ba mà mẹ không dám hứa hẹn gì với người đàn ông ấy, cho mãi đến năm năm sau khi thư đi tin lại cho thấy không còn hy vọng gì cho một sự trở về của ba.
Có lẽ nhờ dòng máu can trường của ba mà con đã vượt qua hết mọi khó khăn trên đất Mỹ. Đứa bé sáu tuổi ngày nào không biết một chữ Anh bây giờ đang là sinh viên y khoa sắp ra trường. Nếu ba còn sống- và con vẫn hy vọng ba còn sống - chắc ba sẽ rất tự hào về đứa con trai của ba. Ít ra là con đã không phụ công khó của mẹ và niềm tin của nội. Con được như ngày hôm nay cũng nhờ nội hy sinh cho mẹ vượt biên. Nội kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng, thấy xa hiểu rộng. Con chỉ tiếc là không được gần nội để chăm sóc bà trong lúc tuổi già bóng xế. Có lần con thưa cùng mẹ sang năm khi tốt nghiệp bác sĩ con sẽ về Việt Nam để đưọc có dịp gần nội. Mẹ nói mẹ rất muốn về nhưng tại sao ta lại về khi mà những người đã làm chúng ta điêu đứng vẫn còn đó với đầy đủ quyền lực. Không về thì lòng ray rứt vì dù sao nơi đó cũng là quê hương. Như Medina là thánh địa của những người đạo Hồi mà trong đời họ phải đến ít nhất một lần, Việt Nam là thánh địa của đàn chiên Việt. Nhưng cũng có biết bao nhiêu con chiên của thánh Mohammed đến chết vẫn không nhìn thấy Medina. Mẹ bảo người ta nói mình đã mất nước. Nhưng mẹ không nghĩ thế. Nước Việt vẫn còn đó, dân Nam vẫn còn đó. Hơn thế nữa quê ta nay đã liền lạc từ Nam quan cho đến Cà Mau. Nước ta đã thống nhất. Chỉ tiếc rằng thống nhất dưới một chế độ bạo cường.
Tuổi thiếu niên của con trôi qua trong nhiều khắc khoải, băn khoăn. Con đã bị dằn vật giữa lý tưởng và thực tế. Con đã xót xa vô hạn khi thấy thế giới không còn công nhận lá cờ vàng ba sọc đỏ là lá cờ của nước Việt Nam. Nhiều thầy cô người Mỹ dù cố gắng dung hòa vẫn không khỏi có những có những suy nghĩ hay nhận định lệch lạc. Con đã nhìn thấy chiến tranh Việt Nam qua hình ảnh và thiên kiến của người Mỹ. Người ta không ngớt lên án một ông tướng miền Nam giơ súng bắn vào đầu một người mặc thường phục. Quá nhiều mực và nước bọt đã đổ ra cho đề tài này. Việc làm của ông tướng ấy không hẳn đã sai nhưng chỉ tiếc một nỗi ông ta thiếu cân nhắc và có hơi bồng bột. Nếu ông ta cấm không cho phóng viên Eddie Adams đến gần để chụp hình - hay hành quyết tên Việt cộng đó ở một nơi nào kín đáo - thì mọi việc đã xong! Trách sao được vì lúc ấy ông ta vẫn hãy còn quá trẻ, chỉ ở vào khoảng giữa ba mươi. Không thiếu gì những ông tướng miền Nam ăn nói và hành động nông nổi. Một ông tướng cao cấp khác đã tuyên bố vung vít rằng ông ta rất ngưỡng mộ Hitler và ước sao Việt Nam có dăm bảy người như Hitler! Một ngưòi lãnh đạo quốc gia với máu cao bồi và nông cạn như thế thì trách sao miền Nam không sụp đổ. Thực ra chính thể miền Nam đã sụp đổ từ những năm đầu của thập niên sáu mươi. Đảo chính, chỉnh lý, cách mạng, vân vân. Tướng tá tự lên lon và gắn huy chương cho nhau. Có một mảnh đất dung thân chẳng biết lo gìn giữ lại đi ôm chân người Mỹ ăn chơi đú đởn. Guồng máy chính trị ruỗng nát từ trong ra ngoài. Lớn ăn theo lớn, nhỏ ăn theo nhỏ. Lớn thì mang lính về làm tôi tớ cho vợ con. Nhỏ thì bán xăng, bán đồ tiếp liệu, ăn hối lộ vặt. Hô hào chống Cộng nhưng chẳng hiểu tường tận thế nào là Cộng sản. Thực sự thì người ta chỉ dùng hai chữ chống Cộng làm bình phong để củng cố quyền lực cá nhân. Chính vì vậy mà các lãnh tụ biết mình làm chẳng nên cơm cháo gì nhưng vẫn tham quyền cố vị. Ấu trỉ đến độ khi người Mỹ đã bỏ miền Nam vẫn còn nghĩ rằng Mỹ sẽ trở lại. Nhìn hình ảnh các lãnh tụ miền Nam mặt mày lơ láo ngồi nghe tổng thống Johnson lên lớp thật không còn gì đáng buồn hơn. Các vị lãnh đạo miền Nam này chừng như không hiểu tí gì về tâm lý ngưòi Mỹ và guồng máy cơ cấu tổ chức chính quyền Hoa Kỳ. Họ cứ nghĩ rằng một khi tổng thống Mỹ đã nói "OK" thì chuyện gì cũng xong.
Với những người lãnh đạo như thế trách sao chính thể miền Nam không sụp đổ. Nếu các vị lãnh đạo miền Nam sau tháng 7 năm 1954 thực sự hiểu được dãi đất miền Nam là thành trì cuối cùng bảo vệ tự do và thực lòng vì nước vì dân thì có lẽ kết cục đã khác. Không chừng miền Nam đã giải phóng được miền Bắc và thống nhất hai miền dưới lá cờ của chính nghĩa tự do. Sau tháng 7 năm 1954, dân miền Bắc đã âm thầm ngóng về phương Nam mong chờ đoàn quân Bắc tiến. Tiếc thay hơn hai mươi năm sau giấc mơ đó đã vỡ tan khi cả nước bị xích hóa. Ấy là lỗi của những người đứng trên cương vị lãnh đạo. Chính họ là những người phải chịu trách nhiệm. Họ đã làm mất niềm tin của nhân dân. Họ đã phí phạm tài nguyên nhân lực. Họ đã đưa con thuyền quốc gia đến chỗ diệt vong. Nhiều người trong số họ nay vẫn còn sống và sống phè phỡn. Đáng tiếc thay cho những vị tướng can trường đã tự chọn cho mình cái chết. Tại sao họ phải chết? Thật là oan uổng. Cũng như ba. Tại sao ba phải chiến đấu dưới sự lãnh đạo của những người không thực sự yêu nước thương dân, không có bản lãnh để lèo lái con tàu quốc gia? Con hy vọng ba vẫn còn sống. Nếu ba chết đi thì thật là phí phạm. Con vẫn cố nghĩ rằng ba chỉ "mất tích" thôi. Như nhiều người Mỹ có chồng con anh em mất tích tại Việt Nam mà họ gọi là "MIA". Chánh quyền Mỹ vì áp lực của dân đã không ngần ngại tung tiền của, tài nguyên, nhân lực vào công cuộc dò tìm tung tích cũng như hài cốt của những người lính mất tích. Họ đã đưa người sang Việt Nam để trông coi những cuộc đào xới tìm xác lính Mỹ. Chính quyền Hà Nội đã không bỏ lỡ cơ hội để giở trò xảo trá với chính quyền Mỹ trong vấn đề này.
Gần đây, con thấy báo chí Mỹ bắt đầu đề cập đến số phận của những người lính cộng sản Bắc Việt mất tích trong chiến tranh. Thân nhân của một cán binh cộng sản đã tuyên bố với báo Mỹ rằng thi hài chồng con anh em của họ phải được nằm trong nghĩa trang liệt sĩ chứ không thể nằm trong một cánh rừng hay góc núi nào đó. Thế còn thân phận của những người lính miền Nam trước 1975, như ba chẳng hạn? Ai sẽ truy tìm tung tích của họ, của ba? Ai sẽ đào bới tìm kiếm hài cốt họ? Thân nhân của họ hiện còn ở lại Việt Nam liệu có ai đủ can đảm đòi hỏi chánh quyền cộng sản phải giúp đỡ? Ngay cả nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa, nơi an nghỉ của một số chiến sĩ miền Nam cũng bị họ dày xéo kia mà! Âu đấy cũng là số phận của những kẻ chiến bại. Người cộng sản ăn nói rất hay. Họ có khả năng lung lạc lòng người và thu hút nhân tâm. Miền Nam thua một phần lớn vì không có được hệ thống tuyên truyền hữu hiệu như của họ. Những cán bộ cộng sản như Lê Đức Thọ, Bùi Tín, Trần Bạch Đằng... đã chứng tỏ cho miền Nam và thế giới thấy miệng lưỡi của họ lắt léo như thế nào. Rất tiếc họ làm ngược lại hầu hết những gì họ nói. Họ nói họ không thù oán gì các quân nhân viên chức miền Nam nhưng thực tế thì họ đã chuẩn bị xây dựng nhiều trại tù khổng lồ để tiện việc bắt bớ hành hạ khảo tra các chến sĩ miền Nam dưới danh nghĩa "cải tạo".
Oái oăm thay, nhiều người nhẹ dạ đã tin theo họ, trong đó có cả người Mỹ. Nhiều viên chức cao cấp trong chính quyền Hoa Kỳ xưa từng bị Bắc Việt bắt làm tù binh nay cũng đã giở giọng hòa hoãn với họ. Nhiều cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam để bắt tay những người trước đây không cùng chiến tuyến với họ. Trung sĩ Paul Reed là một trong những người như vậy. Ông ta trở lại Việt Nam để đi tìm cho bằng được viên thiếu úy cộng sản Nguyễn văn Nghĩa nhằm xóa bỏ hận thù. Tệ hại hơn, Paul Reed đã bỏ công viết và xuất bản một cuốn sách với nhan đề "Kontum Diary", trong đó có phần sao chụp lại bút ký của một cán binh cộng sản. Anh lính cộng sản này có trách nhiệm gác cầu Hiền Lương trong suốt bảy năm liền. Trong tập bút ký ấy có đoạn hắn viết "dưới chế độ Mỹ Diệm miền Nam đêm đêm không còn ánh lửa". Bộ óc của người bộ đội này quả đã bị đảng và nhà nước gội rửa nhồi nhét kỹ lưởng. Làm sao để anh có thể nhìn thấy và biết rằng miền Nam đêm đêm không còn ánh lửa! Như Nguyễn văn Trổi đã phải dằn vật với chính mình khi nghe cán bộ đảng dạy rằng "anh làm thợ điện nhưng tại sao nhà anh phải thắp đèn dầu?". Nỗi ray rứt ấy đã làm cho Nguyễn văn Trỗi giác ngộ (!),"từ ấy trong tôi bừng nắng hạ, mặt trời chân lý chói qua tim" và quyết định vào bưng. Thủ thuật tuyên truyền của cộng sản thật tinh vi. Vì thế nên nhiều người đã tin và ngã theo. Paul Reed không đáng trách mà chỉ đáng thương. Ông đáng thương vì không biết lòng tốt của mình đã bị lợi dụng. Cộng sản Việt Nam đã không phải tốn một đồng xu nào mà vẫn có được một tác phẩm tuyên truyền cho họ.
Chúng ta có quá khích chăng khi cứ khư khư nuôi dưỡng hận thù? Hãy nhìn dân tộc Palestine. Hãy nhìn dân tộc Khmer. Tại sao đến nay cho dẫu đã khôi phục được phần nào đất đai người Palestine vẫn còn căm thù người Do Thái? Tại sao hàng mấy trăm năm đã qua mà tận đáy lòng người Khmer vẫn chưa thôi oán hận người Việt Nam? Hỏi tức là tự trả lời. Liệu chúng ta có dễ dàng tha thứ cho những kẻ chiếm đoạt tài sản, nhà cửa, đất đai, tàn sát, tra tấn, đọa đày người thân và cả chính bản thân ta?
Ba ạ, hai mươi lăm năm đã qua nhưng chừng như khoảng thời gian ấy không đủ để làm thế hệ cha ông của con thực sự thức tỉnh. Họ vẫn còn ngồi than thân trách phận, khích bác nhau, nghi ngờ nhau. Không ít người chống cộng bằng mồm. Nhiều kẻ chẳng dám làm gì cả nhưng khi có ai đó có hành động tốt thì lại bị nghi ngờ, chê bai, dèm xiểm. Có những người đã bỏ lại vợ đẹp con ngoan để về chết nơi rừng sâu núi thẳm mà rồi cũng chẳng ai nghĩ đến. Có người may mắn hơn không chết nhưng sa vào vòng tù tội, để rồi cũng bị lãng quên. Truyền thống thập nhị sứ quân đã theo người lưu vong đi khắp bốn phương trời. Lớp trẻ chúng con với bầu máu nóng và sức mạnh ngất trời muốn làm một cái gì cho quê hương xứ sở, muốn tiếp tay chiến đấu xóa đi chủ nghĩa cộng sản nhưng không có ai dìu dắt. Cha ông thì nhiều nhưng chẳng biết nghe ai vì trống đánh xuôi kèn thổi ngược, mỗi người một ý. Nhiều vị vẫn cứ ngồi đó nuối tiếc quá khứ, quên đi hiện tại. Và đã quên đi hiện tại thì làm sao nghĩ đến tương lai? Họ tổ chức những cuộc họp mặt tại những khách sạn, ballroom, nhà hàng sang trọng. Họ đi may lại và mặc những bộ quân phục thật đẹp. Họ tổ chức cả những đại lễ tiểu lễ nghiêm trang với màn trình diễn của những toán thủ quốc quân kỳ để hy vọng sống lại phần nào phút huy hoàng của những buổi xa xưa. Những bộ đồ ấy, những cờ xí ấy thật không thích hợp trong khung cảnh của một ballroom, một khách sạn. Nó phải được hiện diện ngạo nghễ trên một sân cờ, một "vũ đình trường", một sân tập trận, hay một công trường, đường phố nào đó ở Việt Nam. Dẫu sao thì con cũng hy vọng rằng những hình ảnh hào hùng họ đang cố dựng lại ấy sẽ giúp họ nuôi lửa đấu tranh. Ngày xưa chúng ta còn đất đai, còn bờ cõi, còn vũ khí, còn quân đội mà chúng ta không chống lại được người cộng sản. Ngày nay chúng ta lưu lạc xứ người, quê hương xa vời vợi, đất đai không còn, chiến khu chẳng có, một tiếng nói đáng kể trên chính trường quốc tế cũng không! Thế giới vẫn còn nhiều cảm tình với người Việt Nam lưu vong và ý chí chống cộng của họ, cũng muốn góp phần hậu thuẫn, giúp đỡ, nhưng chẳng biết nghe ai vì chẳng có tiếng nói thống nhất nào!
Tội nghiệp cho vị tổng thống cuối cùng của miền Nam. Không còn gì đau hơn khi ông đã phải đứng cùng một nhóm hàng thần lơ láo, chắp hai tay cúi đầu sợ hãi trước mặt một sĩ quan cộng sản chỉ với cấp bậc đại tá. Chỉ mới hơn mười năm trước đó thôi ông là một người hét ra lửa và là một trong những người chủ mưu sát hại vị lãnh tụ của Đệ nhất Cộng hòa. Sự sụp đổ của miền Nam đã thực sự bắt đầu từ lúc ấy và trách nhiệm nằm trong tay của cả hai phe, phe đảo chánh và phe bị đảo chánh. Không còn gì tệ hại hơn khi chúng ta chủ trương đập phá cái cũ nhưng không có sẵn trong tay kế hoạch xây dựng cái mới. Súng đạn, tiền bạc và quyền lực của người Mỹ đã giúp cho con bệnh miền Nam tiếp tục thở những hơi thoi thóp cho đến ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975.
Nhưng nếu cho việc sụp đổ của miền Nam là lỗi của vị tổng thống cuối cùng này thì cũng không hẳn đúng. Khi bánh lái con tàu Việt Nam Cộng Hòa lọt vào tay ông thì con tàu này đã chỉ còn chiếc mũi hiện trên đầu sóng. Những vị tổng thống trước, trong đó có cả ông ta - vì ông ta là chủ tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng vào tháng 11 năm 1963 - đã nối đuôi nhau làm cho con tàu miền Nam chìm dần, chìm dần. Cuộc "cách mạng"(?) của ông năm 1963 đã lót đường cho một trong những người bất tài nhất nước đứng lên nắm vận mạng quốc gia. Người ta đã nói và viết rất nhiều về những cái ấu trỉ, bất lực, tham lam và ương ngạnh của vị lãnh tụ này. Thuyền trưởng luôn luôn là người cuối cùng rời tàu khi tàu bị đắm và nếu không rời được thì chết theo tàu. Vị lãnh tụ miền Nam này khi thấy những năm cầm quyền của mình đã đưa đất nước đến chỗ suy vong đã tháo chạy bỏ lại hàng triệu nạn nhân - trong đó có ba kính yêu của con. Cùng với những người khác, vị lãnh tụ này cũng là kẻ có tội. Nhưng biết đến bao giờ họ mới đưọc đưa ra phân xử, trừng phạt? Và nếu họ có trả nợ máu đi chăng nữa thì cũng chẳng mang ba bằng xương bằng thịt về cho con được, nếu ba đã chết.
Ba ạ, hai mươi lăm năm đã qua. Một chặng đường đã được đi. Và con trai của ba, đứa bé sơ sinh lọt lòng mẹ vào giờ phút đen tối nhất của miền Nam, bây giờ đã lớn. Hai mươi lăm năm, một phần tư thế kỷ, một thế hệ, một chương sử bi hùng, một bài học máu xương. Có lẽ đã đến lúc chương sử ấy cần phải được xếp lại. Dứt khoát, toàn diện. Có người đã ví cuộc chiến cũ như là một trò chơi đẫm máu. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải quên đi những đau thương của quá khứ để biến căm thù thành sức mạnh hợp nhất. Xót xa đã nhiều, đớn đau cũng lắm. Hai mươi lăm năm qua thế hệ cha ông của con như một con cọp què nằm liếm mãi vết thương. Liếm mãi nhưng vết thương vẫn chưa chịu lành. Hai mươi lăm năm qua chúng ta ôn cố đã nhiều nhưng tri tân thì nào đâu thấy. Hai mươi lăm năm tới đây nếu chúng ta vẫn chưa biết tri tân thì thôi xin vĩnh viễn nhận nơi này làm quê hương. Bởi thêm một phần tư thế kỷ nửa thì thế hệ của ba, và cả ba nếu còn sống, sẽ bước vào cái tuổi cổ lai hy. Những người lãnh đạo miền Nam trước 1975 khi ấy chắc đã trở về cát bụi. Chúng con sẽ thôi không còn oán trách, căm hận, nguyền rủa họ. Liệu ngày ấy Việt Nam vẫn còn thoi thóp trong bàn tay của người cộng sản hay đời sẽ đổi để toàn dân từ Bắc chí Nam được sống trong cảnh thái bình, thịnh trị, nhân bản, tự do?
Một phần của câu trả lời cho câu hỏi trên đến từ thế hệ chúng con. Phần còn lại, quan trọng không kém, đến từ thế hệ cha ông của con, trong cũng như ngoài nước.
Ba kính yêu, chỉ còn đôi hôm nữa khi người cộng sản làm lễ mừng hai mươi lăm năm cái gọi là "đại thắng mùa xuân" thì cũng là lúc mẹ chúc mừng sinh nhật lần thứ hai mươi lăm của con. Lứa tuổi hai mươi bao giờ cũng là tuổi nhập cuộc. Nhưng nếu thế hệ cha ông cứ tiếp tục chia năm xẻ bảy, khích bác nhau, nghi ngờ nhau thì không khéo rồi lũ chúng con cũng lạc lõng mất thôi. Con mong ba vẫn còn sống lẫn quất một nơi nào đó trên đất Việt Nam để sẽ có ngày ba trở lại dắt dìu thế hệ chúng con. Vì dù con có lớn khôn đến đâu chăng nữa, con vẫn là đứa con bé bỏng của ba.
Đứa con sinh ra ngày ba mươi tháng tư mà ba chưa một lần gặp mặt.
Lê Anh Dũng
Tháng 4/2000
Labels:
Thư cho Ba
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment