Monday, February 11, 2008




Trần Trung Đạo

Lũ Lụt Trong Những Tâm Hồn Thơ Xứ Quảng

Trong văn thơ Quảng Nam, nếu mì Quảng được nhắc bao nhiêu lần trong văn thì lũ lụt có lẽ cũng được nhắc nhiều lần như thế trong thơ. Cả hai được xem như là đặc sản Quảng Nam. Nước lũ, nước lụt, nước lớn, nước ròng hình như có trong thơ của hầu hết các nhà thơ xứ Quảng, không chỉ để mô tả nỗi đau, sự chịu đựng mà nhiều khi còn dùng để tả sự chờ đợi, đổi thay, ngăn cách đôi dòng “Tình ơi, Giao Thủy hai nguồn nước gặp gỡ nhau sao chẳng đợi chờ ?” là thế.

Trong phạm vi đất nước, lũ lụt là một thực tế rất hiển nhiên. Không chỉ những người sinh ra trên những cánh đồng khô cháy ở Duy Xuyên, Quế Sơn, Đại Lộc, lớn lên bên bờ sông Thu, khóc khi mùa nước lên, than khi cơn bão tới mới hiểu thế nào là đau thương đói khổ mà gần như người Việt Nam nào cũng biết rằng ở giữa thân hình đất mẹ hình chữ S, có một vùng đất gắn liền với hai chữ thiên tai bão lụt, nơi đó, con người sống trong nỗi bất an chờ đợi một tai họa sẽ trở lại mỗi năm:


Năm năm mỗi độ đông vừa chớm
Xóm dưới làng trên ngại lụt nhiều
Dòng nước Thu Bồn thành nỗi sợ
Khi rừng xa vọng thác vang reo.

(Tin bão miền Trung, Tường Linh)

Lũ lụt, thật vậy, là nỗi lo sợ và nỗi ám ảnh thường xuyên trong tâm trí của người dân Quảng. Khi nhắc câu hát “Trời hành cơn lụt mỗi năm” người nghe sẽ nghĩ ngay đến miền Trung nghèo khó và nghèo khó nhất vẫn là Quảng Nam. Câu hát cất lên như một tiếng than dài vọng suốt mấy trăm năm:


Em về ở lại đây thôi!
Nghe mùa nước lũ nguồn trôi phăng đồng
Một trăm cây lá bên rừng
Gửi trong tiếng vọng xa chừng ngàn mây.

(Tiếng vọng, Bùi Giáng)













Nhưng em không ở lại. Em chết và những đứa con thân yêu của nhà thơ cũng chết. Những bàn chân nhỏ nhoi của vợ và con đã “chết trên bờ lúa” in sâu vào tâm hồn nhà thơ. Nhà thơ mang nỗi buồn thiên cổ ra đi, bỏ lại bầy dê, bỏ lại cánh đồng. Nỗi cô đơn sâu thẳm một ngày đã nở thành những chùm hoa trác tuyệt và nhiều huyền thoại nhất của thi ca Việt Nam hiện đại. Nhưng dù có đi bao xa và dù có sống với trạng thái tâm lý ngao du trong thế giới tư duy xa cách với phần lớn con người, trong tâm hồn nhà thơ vẫn còn có một nơi vô cùng trang nghiêm, vô cùng yên tỉnh, một nơi có cánh đồng xanh, có vườn lá biếc, một nơi mà nhà thơ vẫn mong có ngày trở lại, một nơi được nhà thơ nhắc rất nhiều lần. Nơi đó chính là “cố quận”:

Ta sẽ đến đứng bên bờ nước cũ
Ngó bên kia vườn biếc lá hoa lừng
Ồ vạn vật vẫn chờ nguồn nước lũ
Tự ngàn năm tuôn dạo tự khe rừng

(Bến đò ngàn xuân cũ, Bùi Giáng)

Nước, nước lũ, nước dâng cao, nước cuốn…đến không từ đâu khác hơn là sông Thu Bồn, chảy dài hàng trăm dặm từ Trà Linh xuống Hội An. Sông Thu có thể không quá dài so với nhiều con sông lớn khác ở ba miền nhưng đẹp hơn cả một bức tranh thủy mạc. Bao nhiêu văn, thơ, nhạc đã chảy ra từ dòng sông đó. Phía sau những rặng tre già nghiêng mình soi bóng, những bãi dâu xanh ngát dọc bờ sông, nhiều nhà thơ xứ Quảng đã sinh ra, lớn lên và ra đi theo nhiều chọn lựa khác nhau. Họ khác nhau về thế hệ, hoàn cảnh trưởng thành và nhiều trường hợp khác nhau cả về chính kiến nhưng tất cả cùng có một tình yêu tha thiết dành cho dòng sông nuôi lớn tâm hồn yêu người như cả yêu quê hương của họ. Tha thiết đến nỗi nhiều nhà thơ khi chết đi chỉ mong làm hạt phù sa trên sông Thu để bồi đắp lên mảnh đất cày lên sỏi đá.

Giờ này, mấy chục năm sau, trên căn gác nhỏ ở Orange County, San Jose, Atlanta, Memphis, Seattle, Houston, Tampa hay một nơi nào trên xứ lạ, khi ngồi nhớ đến sông Thu, các nhà thơ xứ Quảng hẳn nghe lòng quay quắt rưng rưng. Tuổi thơ như nước Thu Bồn trôi đi, đi xa không trở lại. Những bài thơ đầu đời viết bằng viết lá tre trong cuốn vở học trò lưu niệm có thể đã bị cháy rụi trong chiến tranh. Tiếng guốc đã không còn khua trên những con đường lát sỏi Phan Chu Trinh, Cường Để Hội An. Hàng cây sao đã bao mùa thay lá bên kia sân trường Phan Chu Trinh, Phan Thanh Giản, Nữ Trung Học Đà Nẵng. Những trụ đèn đêm trước cỗng trường Sao Mai, Đông Giang, Bồ Đề, Pascal không còn ai đứng đợi. Những ô cửa của lớp học và cũng của đời mình đã phủ kín bụi thời gian. Nhưng ký ức thì không. Ký ức vẫn còn đó. Vẫn nguyên vẹn hình ảnh những buổi chiều “nghe nước vỗ dưới chân cầu Vĩnh Điện” hay ngồi ngâm nga “tôi đưa em sang sông” trên bến phà An Hải.

Nhà văn Hà Kỳ Lam viết về dòng sông Thu Bồn, nơi nuôi lớn tuổi đầu đời của anh vô cùng tha thiết: “Tuổi thơ của tôi gắn liền với sông Thu Bồn. Tôi biết dòng sông vẫn thấp thoáng qua bờ tre trước nhà ông bà nội tôi từ thuở lên ba, khi gia đình tôi từ Cần Thơ hồi hương về làng Kỳ Lam sau khi bố tôi qua đời. Tôi đã uống nước sông ấy, tắm nước sông ấy, và lớn lên bên dòng sông ấy. Dù sau này bước chân tôi đã đi “cùng trời cuối biển”, cái không gian tuổi thơ của tôi bên dòng nước ấy vẫn được tồn trữ trang trọng một cõi riêng trong lòng, ở đó cái diệu vợi của không gian, cái vô tình của thời gian cũng phải nhường bước. Cái không gian ấy trải dài hai bên dòng sông, từ vùng đồng bằng Kỳ Lam ngược dòng lên Tĩnh Yên, Khe Cát của Duy Xuyên, đến Phú Gia, Hòn Kẽm Đá Dừng của Quế Sơn, chứa đựng những tên làng mạc mà hầu như mỗi lần nghe nhắc đến thì cả một khung trời kỷ niệm hiện về trong tôi. Hôm nay viết về dòng Thu Bồn, tôi muốn cùng quý độc giả chu du trên dòng nước trong khung trời ấy qua trí tưởng để tôi có dịp nhắc đến những địa danh thân thương kia như một chút tình hoài hương…”

Khi ngồi lại bên bờ sông viễn xứ, nhà thơ Quảng Nam nào mà không chạnh nhớ đến sông Thu và không cảm thấy thương những nhánh sông quê hương như thương chính cuộc đời mình:


Quê ta có sông Thu không cầu danh
cũng biết nuôi người và thương mình
cả đời ta ước như sông ấy
chảy giữa tình yêu chảy quẩn quanh.

(Nói với dòng Mississippi, Hoàng Lộc)


Riêng em tôi còn nhớ mãi
ngây thơ ánh mắt ngập ngừng
Sông Thu bao giờ trở lại
mưa nguồn gío biển rưng rưng.

(Sông Thu, Trần Thái Vân)

Nhưng rồi, dòng sông Thu Bồn êm đềm như dải lụa ngà vào mỗi độ đầu đông đã trở thành hiểm họa:


Và lũ lụt.
Ôi giòng sông nước lũ
Xuôi nguồn trôi miên man
Những lá vàng tơi tả
Những cành nhánh khô cằn
Những hoa bèo lá cỏ
Xuôi dòng trôi miên man.

(Giòng sông nước lũ, Đynh Hoàng Sa)


Trời giận ai ! Trời mưa xối xả
Gió giận ai! Gió hú liên hồi
Nước giận ai! Nước cuồn cuộn chảy
Sông giận ai! Sông để vở bờ.

(Sau cơn lũ, Nguyễn Kim Sắc)


Làm sao quên những tháng Mười mưa lũ
Ðêm bão giông nghe gió rít, chim kêu
Những cơn lụt nước trắng đồng,trắng ruộng
Tuổi thơ tôi xao xác với quê nghèo.

(Đất Quảng, Quang Huỳnh)


Bạn đi mùa hạ mà mưa trút
Bạn đi như con sông mùa lụt
Tràn qua bờ tre chảy thỏa lòng
Ta ở, ta về như nước rút.

(Như sông ngày lụt, Hà Nguyên Dũng)

Không chỉ trong tình yêu dành cho dòng sông quê hương, các nhà thơ xứ Quảng còn dùng những hình ảnh quen thuộc như nước cuốn, đời nước sông, bến đò xưa, chân cầu cũ như những mốc thời gian để đánh dấu những cuộc chia tay của bạn bè, những mối tình mong manh sương khói và những cảnh đời dâu biển sau cuộc chiến tang thương:


Em giờ con sáo giữa trời
Sang sông nên để cuộc đời tôi đau.

(Sáo sang sông, Linh Quân)
Khi anh đi tháng hai về qua phố
Đêm bay trên sông không thấy con đò
Qua An Hải những ngày thơ mắt ngó
Đời nước sông Hàn thuở ấy chưa lo.

(Ta vẫn còn nhau hay đã xa?, Nguyễn Nam An)


Thấy lại giòng sông sáng chiều hai buổi
Gắn liền đời qua bao nỗi bể dâu
Như con nước sáng lên chiều cạn xuống
Mang nỗi buồn theo với giọt mưa ngâu.

(Ta thấy lại ta, Nguyễn Thanh Huy)


Có ai đợi ta trên con đò cuối năm
Ôi, chỉ bóng ta chao bóng xuôi dòng
Mặt mũi tiêu điêu theo phần đời gió nổi
Cái đời buồn như nước chảy trăm năm.

(Ngày về, qua đò cuối năm, Nguyễn Đông Giang)


Ta về nghe tháng năm dừng lại
Trên dòng Thu Bồn cát lở, bồi
Ở đó hè xưa ta đã tắm
Hình ta, đáy nước vẫn chưa trôi.

(Ta về giữa đất trời hiu quạnh, Hồ Tuấn Nhã)

Nước là thế, nước “chảy trăm năm”, nước “mang nỗi buồn theo”, “nước giận ai”, nước “mưa xối xả”, còn đất thì sao? Vâng, tình yêu đất của những người Việt đầu tiên trên vùng tân lập Quảng Nam thể hiện trong truyền thống vươn lên từ những thách thức của thiên nhiên khắc nghiệt, khao khát được sống tự do, xa lánh chế độ trung ương tập quyền hà khắc và cương quyết dấn thân khai phá vùng đất mới.

Tổ tiên Quảng Nam yêu đất Quảng như yêu mối tình đầu và cũng là tình cuối. Giả từ miền Bắc thân yêu, giả từ Thanh Hóa, Nghệ An, tổ tiên Quảng Nam bồng bế con thơ vượt đèo Hải Vân, ra ngoài cửa biển Đà Nẵng, Sơn Chà, Mân Quang, Tân Thái, xuống tận vùng Cửa Đại, Hội An và lên cả các xứ đèo heo hút gió Tiên Phước, Trà Mi. Họ bắt những con cá lớn, trồng những cây quế thơm, dệt những tấm lụa vàng. Và từ những bước chân đầu tiên đặt lên con đường lịch sử đầy gai góc, bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau giữ gìn và xây dựng Quảng Nam. Truyền thống yêu đất yêu người đó đã được vun xới chăm nom bằng máu xương, mồ hôi và nước mắt.

Và thơ ca, đứa con tinh thần của mối tình giữa đất và người xứ Quảng cũng từ đó được sinh ra. Qua bao thời đại, thơ ca lớn lên, có khác nhau ít nhiều về vóc dáng nhưng các cấu tử trong mỗi tế bào căn bản vẫn giống nhau. Dù làm thơ cho những mối tình trai gái hay làm thơ ca ngợi tình cha mẹ, ngôn ngữ trong thơ của họ vẫn đậm đà hương đất Quảng Nam. Cũng vì thế mà một nhà thơ đã viết “tiếng quê hương là tiếng nói của cuộc đời”:


Trống sớm làng Trung, chuông chiều xóm Thượng
Tiếng quê hương vang vọng tháng năm dài
Giọng hát: à ơi…chảy tràn tám hướng
Tiếng nói cuộc đời khoan nhặt êm tai.

(Hương đồng phấn nội, Thành Tôn)

Theo suốt chiều dài lịch sử Quảng Nam, từ những ngày xưa xa lắm, thời những người Việt đầu tiên đáp lời kêu gọi của vua Lê Thánh Tôn “mang gươm đi mở cõi” ở các vùng đất vừa chiếm được. Ngoài trừ một số rất ít đi xa hơn vào miền Nam, hầu hết đều dừng lại ở Quảng Nam, chọn nơi này làm quê hương, để được sống và được chết trên vùng đất hiển linh nhưng cũng mang một nỗi buồn cho định mệnh đầy cay nghiệt của mình:


Còn ở đó màu da vàng thượng cổ
Tổ tiên tôi từ sơ thủy vốn buồn
Hai bàn tay đã đào sâu lòng đất
Trồng muôn ngàn cây sai trái tình thương.

(Còn ở đó, Nguyễn Nho Sa Mạc)

Làm bà mẹ Việt Nam đã là khổ rồi mà mẹ Quảng Nam thì sẽ khổ hơn chút nữa. Nhiều người cha Quảng Nam phải bỏ làng xóm vào nam tìm kế sinh nhai, mỗi năm về thăm vợ con chỉ một hai lần. Mẹ Quảng Nam ngoài chịu đựng cô đơn, trống vắng, dải nắng dầm mưa, còn phải trồng trọt trên mảnh đất cằn khô xứ Quảng, còn phải mỗi đêm “ngồi nghe máu nhỏ xuống bàn tay khô”. Nhưng dù bàn tay có đau nhức bao nhiêu mẹ vẫn bám lấy đất Quảng Nam, để sống và cũng để đợi chờ:


Hôm nay tiếng súng không còn nữa
Sông núi ngùi thương chuyện núi sông
Con biết quê nhà sau khói lửa
Mẹ già tựa cửa đứng chờ mong.
Lụa có vàng như thuở thái bình
Vườn ta còn mấy ngọn cau xanh
Đất khô tay có đau không mẹ
Cha vẫn ngâm nga khúc viễn hành.

(Thư gởi mẹ, Tạ Ký)

Hai nhà thơ xứ Quảng không hẹn hò nhau, qua đời cách nhau gần 20 năm mà có hai câu thơ rất đúng ý nhau như hai đứa con cùng an ủi một người mẹ khổ đau, “hai bàn tay đã đào sâu trong đất” và “đất khô tay có đau không mẹ”.

Các điểm đặc thù của xứ Quảng, nổi bật nhất vẫn là viết về những địa danh, thể hiện rất rõ nét trong thơ của những nhà thơ sinh ra trên mảnh đất khô cằn sỏi đá này. Họ đưa vào thơ không phải chỉ là những hình ảnh bến bờ thơ mộng, núi non hùng vĩ nhưng đôi khi chỉ là những củ sắn, củ khoai, trái bòn bon, khung cửi, con thoi, con kén. Họ đưa vào thơ không chỉ những nơi chốn rất thơ, rất tình, đọc lên rất êm tai như Trà Mi, Nghi Hạ, Giao Thủy, Thi Lai, Hà Mật mà còn cả những Hòn Kẽm Đá Dừng, Chèo Bẻo, Dùi Chiêng, Châu Nhí, Cà Tang, Đông Bàn, Cẩm Lậu “nghe rất lạ nhưng vô cùng thân thiết”. Ngôn ngữ họ dùng đơn giản và dể hiểu như tấm lòng của họ, nói như nhà thơ Hoàng Phong Linh “Người Quảng không đeo mặt nạ”. Nếu thiếu những cái bình thường và đơn giản đó họ không còn nhà thơ xứ Quảng nữa:


Trung Phước ơi, sông sâu dài uốn khúc
Tình cheo leo cao vút một con đèo
Núi Chèo Bẻo vươn mình trong khói đục
Hòn Cà Tang thương nhớ vọng tình theo.

(Trung Phước ơi, Tạ Ký)


Tôi đứng trên cầu ráng đỏ chân mây
Bên kia sông vùng tuổi thơ mất dấu
Tìm hòai đâu ra Đông Bàn Cẩm Lậu
Thi Nhơn, Phú Lộc cũng đã thay tên
Tôi đứng nơi đây hồn xuống chiều lên
Khóc cuộc đời mình như thuyền đã đắm
Chưa về làng xưa vinh quy áo gấm
Nay khoe làm gì chiếc áo tù nhân.

(Câu Lâu ngày về, Hoàng Định Nam)


Chè bắp Cẩm Nam - ngọt môi con gái
hương cao lầu ấm dạ khách viễn phương
Hội An ơi từng tên quán bên đường
từng con hẽm trong lòng ta sống lại.

(Hội An, nỗi nhớ trong ta, Dư Mỹ)


Phố Hội ơi chiều nay xa vời vợi
Cho tôi xin một chút nắng quê nhà
Để đời tôi được một phút thăng hoa
Được sống thở như ngày tôi mới lớn.

(Nhớ Phố Hội, Lê Văn Bá)

Thơ ca gắn liền vào đời sống tinh thần của người dân Quảng từ bao giờ, ngay cả theo giáo sư Nguyễn Văn Xuân cũng không biết chính xác. Chắc hẳn là lâu lắm. Hình ảnh quê hương thân yêu ảnh hưởng sâu đậm trong hồn thơ của hầu hết nhà thơ xứ Quảng. Dòng sông Thu Bồn, có lẽ không khác sông Vàm Cỏ trong Nam, sông Hồng ở Bắc bao nhiêu, nước vẫn là nước, bờ vẫn là bờ, ghe thuyền vẫn ghe thuyền xuôi ngược, thế nhưng, qua thơ của các nhà thơ xứ Quảng, những rặng tre, dòng nước, chiếc ghe đã trở thành thánh tích. Bàng bạc trong thơ họ là hình ảnh của đình làng, thôn xóm, bóng đa già đã một thời che nắng che mưa. Nhà thơ xứ Quảng nào cũng ít nhất đôi ba lần viết về những địa danh mà họ đã từng ghi dấu chân trong đời bằng ngôn ngữ vô cùng thân mật như tâm sự với chính mình trong đêm không ngủ được. Hãy nghe các nhà thơ về thăm Hội An. Trước cuộc chiến:


Ðêm. trở lại, mưa sa mù Phố cũ
đường hoang vu thao thức ánh đèn vàng
dáng âm thầm muôn thuở của Hội An
bước khe khẽ sợ phố phường thức giấc
gió tha thướt vỗ trăm lời thân mật
mừng ta về thăm lại ấu thơ xưa
lặng nhìn nhau, Phố đã nhận ra chưa?
ta vĩnh viễn một thằng con bất hiếu
thân phiêu bạt, giờ đây lòng trải chiếu
bước bâng khuâng xin thâm tạ ơn đời
ba mươi năm hồn thả sợi tình lơi
bao giờ buộc đời ta vào với Phố?

(Luân Hoán, Đêm Mưa Về Hội An)

Và như người học trò tóc bạc trở về trường sau cuộc chiến:


Đứa trẻ bạc đầu hí hoáy làm thơ
đọc cho ghế bàn thưởng thức
trong thinh lặng dường như cuối lớp
mắt ai thăm thẳm đang nhìn
Con sông Hoài sóng vỗ đến lặng im
ông nghe tỏ bằng đôi tai nghễnh ngãng
nghe cả tiếng thầy cô trên bục giảng
tiếng rêu phong mái ngói chùa Cầu.

(Họp mặt lớp, Nguyễn Hàn Chung)

Bối cảnh chính trị đầy bất trắc đã đẫy nhiều người dân Quảng ra khỏi quê hương thân thuộc như một bầy chim tản mát bốn phương trời. Như những con nước dù trôi đi xa nhưng vẫn hằng đêm mơ về chân cầu cũ, thơ của họ, vì thế, không phải chỉ là tiếng lòng riêng của tác giả mà còn là tiếng kêu trầm thống của quê hương khổ đau, nơi mà nhà văn xứ Quảng Lôi Tam gọi là “chiếc nôi”:” Rồi vời vợi trong ký ức còn có hình ảnh con đường cũ, mái trường xưa …. Tất cả quyện quấn, đan kết thành chiếc nôi êm ái. Chiếc nôi (mà chúng ta vẫn gọi là quê hương) đó không là bảo vật dành cho một vài cuộc đời. Nó có đó từ nhiều nghìn năm trước và sẽ phải còn đó cho muôn nghìn năm sau” .

Cuộc sống nơi quê người dù trong cảnh nệm ấm chăn êm hay còn nhiều khó khăn, trắc trở, những người cầm bút xứ Quảng vẫn không bao giờ quên nghĩ về, nhớ về và viết về tổ ấm quê hương. Trong hành trang thơ ca của các nhà thơ xứ Quảng còn có cả con nước dâng cao, có mùa lũ lớn, có cả nỗi đau không khác gì nỗi đau của những người còn ở lại:


Gởi
Sau, trận lũ quê nhà
Chút mai nắng ấm
Chút hòa thuận mưa
Chút gió nồm, giữa ban trưa
Chút hương khói buổi giao thừa đầu năm.

(Gửi, Sau, Trận lũ quê nhà, Xuyên Trà)

Tin bão tới làm họ xốn xang lo lắng tưởng như nước đang dâng đâu đó bên kia đường. Giọt nước mắt nhỏ xuống trong cơn mưa ở Cửa Đại, ở Trà Mi, Tam Kỳ cũng nhỏ xuống ở Boston, San Jose, Dallas. Giọt nước mắt trong dòng thơ Quảng Nam xa xứ vẫn là nước mắt Việt Nam đang hòa chung vào nỗi khổ đau của hàng triệu đồng bào bất hạnh ở quê hương:


Những tiếng kêu như xé nát lòng ta
Thốn tận tim gan như lời trách móc
Ta nghe như tiếng ai đang khóc
Đầu ta đau như ai bửa làm đôi
Đôi mắt mờ đau xót nghẹn lời
Bà con ta bên kia màn trời chiếu đất.

(Quê nhà lũ lụt, Phan Xuân Sinh)

Những con nước nhỏ dưới chân cầu Vĩnh Điện, Câu Lâu, Bà Rén, đã theo ngã Hàn giang, Cửa Đại mà trôi ra biển lớn. Nhưng không phải vì thế mà tan loãng trong đại dương bát ngát như hàng triệu con nước khác. Trái lại, những giọt nước Thu Bồn ngày xưa, vẫn hẹn một ngày bốc thành hơi, bay về tưới mát ruộng đồng xứ Quảng thân yêu đã nhiều năm đại hạn. Tiếng kêu từ thượng nguồn sông Thu giữa tháng Mười mưa lũ như vẫn còn vang vọng trên mỗi chặng đường của những nhà thơ xứ Quảng ở phương xa như người con trai Quảng Nam Trầm Tử Thiêng một lần đã viết trong nhạc phẩm Từ tiếng hát tiếp nối của anh “lời dân ca lai láng tình quê, đời phiêu du đôi lúc ta lắng nghe, bàn chân đi lòng vẫn mong về”:


Đời lá rách lá lành thường lặp lại
đất Quảng Nam chờ lũ lụt hàng năm
bao tấm lòng quay về từ cửa Đại
trong trái tim mưa nắng cũng thăng trầm.

(Mưa lũ quê nhà, Mạc Phương Đình)


Sông nước theo mùa đông lũ lụt
quê nghèo xơ xác tiếng đau thương
trăm năm cánh én bay đi mất
bỏ lại tình em như khói sương

(Cơn mưa nhớ nhà, Thái Tú Hạp)


Về đến quê nhà nhớ cố hương
Bờ dâu, ruộng lúa, nắng sau vườn
Làng đâu? Dòng nước soi bờ lở
Biền biệt quê nhà xa cố hương.

(Trước khi đi xa, Thành Tôn)


Buổi ta đi khói sóng mờ sông lạnh
Nghe âm vang tiếng đất gọi ta về
Có bóng ai đứng dưới vòm mưa tạnh
Mắt ươm buồn phảng phất cả trời quê.

(Buổi ta đi, Vũ Đình Trường)


Bên kia bờ Thái Bình Dương
Tre xanh lúa ngát quê hương một trời
Mưa buồn chi lắm mưa ơi!
Trời mưa không giọt mưa rơi trong lòng.

(Cung Diễm)


Những ngày cuối năm mưa phùn gió bấc
dòng sông Hàn nước đục, lục bình trôi
bên kia phố có mắt hiền mộng mị
nụ cười em tôi lặng lẽ đi tìm.

(Mưa ở Đà Nẵng, Đặng Hiền)

Như nhà thơ Phùng Quán viết:” Có những phút ngã lòng, tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”, tổ tiên xứ Quảng hẳn đã nhiều lần vịn thơ đứng dậy. Thơ là những cành hoa mọc lên từ nỗi khổ đau và thơ cũng là dòng nước mát nhỏ xuống cánh đồng Quảng Nam nức nẻ. Từ những câu ca dao, những điệu hò khoan tình tứ xa xưa cho đến những cách làm thơ rất mới hôm nay, lũ lụt vẫn sẽ còn đó trong thơ của những nhà thơ Quảng Nam như số phận của những con người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất hiển linh những cũng đầy khắc nghiệt này.


Trần Trung Đạo

No comments: