CHÉN RƯỢU CÒN CHỜ
Tưởng niệm anh Trương văn Tài
Buổi sáng. Một buổi sáng như mọi buổi sáng khác, hân hoan khi biết mình còn sống. Còn sống để "cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương" (Kahlil Gibran).
Buổi sáng, 30 tháng 7, mùa hạ đang lửng lơ trên cành. Những ngày oi nồng hâm hấp của tuần trước đã qua. Mọi người như được bỏ vào lò nướng chậm, nhưng chưa đến nỗi chín thì tuần này ông Tạo tắt lửa, mở quạt. Gió lạnh từ Gia nã đại thổi về, cho dân cư miền Đông Hoa Kỳ những ngày mát dễ chịu. Dễ chịu nhưng không khỏi giật mình khi nghe tiếng dế gáy. Trời ơi, chẳng lẽ Hè chưa đi mà Thu đã lấp ló đâu đó rồi sao? Tội nghiệp lũ ve sầu sẽ không còn bao nhiêu ngày trên thế gian này nữa.
Buổi sáng. Tiếp tục một ngày vật lộn với công việc để trả nợ áo cơm. Được vài phút nghỉ ngơi, phải tự thưởng cho mình một ly cà phê nóng đầu ngày.
Vào quán nhỏ quen thuộc, gọi cốc cà phê. Mở máy để phóng mình lên không gian, lăn vào trái đất. Hàng tỷ tia điện chớp tắt trong từng sát na đưa con người đến những nơi mà chân chưa hề bước. Lướt qua một vòng, năm châu bốn bể vẫn như ngày hôm qua. Vẫn những bình yên hiếm hoi và biến động không ngừng. Mừng vì biết bản thân mình vẫn bình yên. Trong cõi ta bà lắm nhiễu nhương này, trong cái cõi người lắm hoạn nạn này, còn được an nhiên tự tại ngày nào trong cái góc quán nhỏ bé này là vui ngày đó. Còn được thấy lũ chim sà xuống bên chân để ăn những mẫu bánh vụn do mình ném ra, còn được ngửi mùi hương đất trời bát ngát tỏa ra từ cốc cà phê đen quánh là một niềm hạnh phúc. Và để biết rằng sau khi rời góc quán nhỏ này, mình vẫn còn có một việc làm để nuôi sống bản thân thì niềm hạnh phúc đó đã trở thành một ân điển vô biên vô lượng từ trời.
Mạch điện vẫn chạy kiên trì. Một vòng thế giới đã lướt qua. Thò tay vào óc moi ra một chùm chìa khóa để mở vài hộp điện thư. Một hộp thư đầy rác rưởi vừa được mở ra và đóng lại. Nói rác rưởi thế chứ vẫn có vài mẫu rác đáng được để mắt đến. Người ta than phiền khi cứ nhận được loại thư như thế nhưng tôi thì không. Vì còn nhận được thư là còn có người nghĩ đến mình. Mở một hộp thư khác. Hộp thư này ít thư hơn, và thư rác rưởi gần như không có. Một hàng chữ đậm hiện ra trước mắt cho biết có một lá thư mới. Nhìn hàng chủ đề chỉ bốn chữ ngắn ngủi, tôi có hơi hoa mắt. Bốn chữ Việt không dấu "Tin buon anh Tai" hiện ra trước mặt. Dụi mắt nhìn lại lần nữa, tôi run. Hai chữ "tin buồn" này chắc không còn gì khác hơn là tiếng chim báo bão. Dù muốn dù không thì tôi cũng phải xé thư ra xem. Máy bỗng chạy chậm như muốn dừng lại. Con dao rọc giấy rọc hoài mà không cắt nổi bao thư.
Có đến vài phút máy mở trở lại bình thường và lá thư được mở ra. Những dòng thư ngắn ngủi chạy dài trước mắt. Cũng vẫn chữ Việt không dấu, nhưng không thể nào nhầm lẫn được:
"Cac ban oi,
Chung minh vua mat di nguoi Anh than yeu , Anh Tai ra di roi, luc 9:45pm ngay July 28 Australia !
Duoi day la lich trinh dua tien nguoi qua co, cac ban chuyen tin nay den cac anh chi em ban be cua anh Tai gium nhe.
Xin cau nguyen cho huong linh anh Tai som ve coi an binh...."
Những dòng chữ quái ác cứ nhảy múa trước mắt tôi. Chẳng lẽ lần này mùa hè lại đến và mang đi mất thêm một người mà tôi quý mến? Một người bạn ở cách tôi nửa vòng trái đất, quen đã lâu nhưng chỉ mới gặp được một lần vào mùa hè năm 2011. Có biết đâu trên cõi người này tôi chỉ gặp anh một lần rồi thôi! Cách đây khá lâu, cũng vào một ngày hè, tôi nghe tin L. , một đàn anh đồng môn ra đi. L.. cũng là người quen nhưng tôi chưa có duyên hạnh ngộ. Biết nhau qua những bức điện thư ngắn dài chưa được bao lâu thì anh ra đi. Ra đi sau những năm dài vật lộn với căn bệnh hoại huyết hiểm nghèo. Rồi cách đây không lâu, cũng vào một ngày hè, một thằng bạn chí thân của tôi đột ngột nằm xuống. Lần này thì tôi buồn vô hạn. Thằng bạn chơi chung với nhau từ thuở thiếu niên, chia nhau từng bát cơm, hơi thuốc, ngụm cà phê, chung rượu nếp than, manh chiếu cũ trên căn gác trọ ọp ẹp, bỗng lặng lẽ bỏ đời.
Bây giờ, cũng vào một ngày hè, môt đàn anh đồng môn đáng mến của tôi lại cũng ra đi.
Vào những năm cuối thiên kỷ thứ 2, Internet bừng lên như trăm hoa đua nở làm cho trái đất bỗng trở nên nhỏ hơn và con người ngồi lại gần nhau hơn. Qua làn sóng điện từ, tôi tìm lại được một số bạn cùng trường, bằng lớp, lớp trên và lớp dưới. Trong số những người lớp trên, có anh, một người có lòng với quê hương dân tộc và trường cũ tình xưa. Anh và người bạn đời - đồng môn lớp dưới - chung vai dựng lên trang Một thời áo trắng và đã ưu ái dành một góc nhỏ cho vài đứa con tinh thần của tôi có chỗ ghé qua. Chưa từng gặp nhau một lần mà nghe như đã rất gần. Tôi càng vui mừng hơn khi biết anh và tôi cùng ôm một giấc mơ có một ngày quê hương quang phục, dẹp cộng, đuổi Hán. Người Úc, kẻ Mỹ, chuyện gặp nhau chỉ còn dựa vào yếu tố thời gian.
Rồi cái duyên hạnh ngộ của tôi đã đến. Mùa hè năm 2011 anh làm một chuyến Mỹ du. Cuộc hội ngộ ngắn ngủi nhưng anh đã để lại trong tôi cảm tình sâu đậm. Tôi thực sự xúc động khi nghe anh đọc cho cả bàn tiệc nghe bài thơ Chờ Con Trước Cổng Trường của tôi. Anh thuộc làu từng câu, từng chữ. Giọng anh trầm ấm, khoan thai. Bàn tiệc có nguời vẫn tiếp tục nói chuyện với nhau nhưng cũng có người lặng im cầm đũa lắng nghe. Tôi xúc động. Xúc động vì thấy đứa con tinh thần của mình không những đã được anh tiếp nhận mà còn được nâng niu, trân trọng.
Bèo mây tan hợp, cuộc vui nào cũng đến lúc tàn. Phút chia tay tôi có hơi bùi ngùi khi không biết đến lúc nào sẽ gặp nhau lần nữa. Trong kiếp người hữu hạn này, nhân sinh như bóng mây. Thấy đó rồi mất đó. Biết tôi vừa qua một lần hụt chân vấp ngã, anh chúc tôi may mắn và nói "mong sẽ có ngày được uống rượu mừng!"
Sau lần hạnh ngộ đó, tôi và anh vẫn liên lạc thường xuyên. Có lúc không nghe có diễn tiến gì mới liên quan đến căn bệnh của anh, tôi tạm yên tâm. Tôi nghĩ đức năng thắng số, biết đâu Trời ngó nghĩ lại chăng?
Một hôm tình cờ thấy trang web của một nhóm cựu học sinh MĐC có đăng bức hình trường cũ với lá cờ kẻ thù bay phất phới, tôi sôi máu. Không biết trút cơn giận vào đâu, tôi viết cho anh và một người Thầy cũ. Cả 2 người đều kiên định lập trường và tôi cảm thấy vui hơn khi biết trong cuộc chiến đấu gần như vô vọng này, tôi không cô đơn. Có nghĩa là không phải riêng mình tôi chỉ về quê khi không còn kẻ thù, nhiều người khác cũng sẽ như vậy.
Hơn một tháng không nhận được thư anh, tôi nghĩ chắc không có gì đáng nói. Viết thư hỏi H., một bạn thân cùng lớp ở Úc, hắn ta nói cũng không nghe anh nói gì. Tôi nghĩ có lẽ căn bệnh chưa đến hồi nguy kịch. Ngày 30 tháng 4 của anh có lẽ cũng còn xa.
Có ai ngờ đâu ngày 30 tháng 4 đó lại đến một cách quá đột ngột. Bàng hoàng. Thành trì chống cự cuối cùng đã sụp đổ. Thất thủ. Bức điện thư của một đồng môn MĐC như một lời xác nhận. Anh đã đi, đi thật rồi.
Mùa hè đến và tôi lại mất thêm một người bạn. Con số bạn cũ đã chẳng còn được bao nhiêu lại còn mỗi lúc một thêm ít ỏi. Tôi đau lòng khi thấy chiếc lá anh chưa vàng đã vội rụng. Trên cõi người này, tôi sẽ không còn có dịp để mời anh ly rượu mừng như anh đã nói trong phút chia tay năm 2011.
Thôi thế cũng xong một kiếp người. Bây giờ có lẽ hồn anh đã về với mái trường xưa nơi phố nhỏ Phú Lâm, nơi anh đã sống, đã học và đã gặp người bạn đời của anh. Bây giờ có lẽ anh đã về với quê hương nhưng không phải đi dưới bóng cờ thù cho dù kẻ thù vẫn còn đó. Cầu xin ơn Trên cho anh từ nay thôi không còn đớn đau và an vui trong góc yên bình trên miền vĩnh cửu.
Bạn cũ mà nhất là bạn cùng trường và bạn buổi thiếu thời nay chẳng còn lại được bao nhiêu. Với số thân tình còn lại quá hiếm hoi và quỹ thời gian ít ỏi, tôi mong sẽ sống như thế nào cho trọn vẹn để mai kia mốt nọ có người ra đi - hoặc chính tôi ra đi - tôi sẽ không ân hận khi biết mình đã có một thiếu sót nào đó khi tôi và bạn tôi còn sống.
Tài ơi! Anh đã đi rồi
biết tìm đâu phút ta ngồi bên nhau
quên sao được thuở ban đầu
chén thù chén tạc đậm màu mến thương
khác lớp nhưng chung một trường
Phú Lâm phố cũ còn vương dấu giày
tan đàn chim tất tả bay
Anh Úc tôi Mỹ lưu đày tha hương
trước sau ta vẫn chung đường
mong ngày đất nước mở chương sử hùng
gặp nhau tay bắt mặt mừng
nào hay trang sổ đoạn trường đã phân
trên bàn huynh đệ tình thân
thơ tôi anh đọc ân cần từng câu
kỷ niệm đẹp chưa phai màu
mà anh giờ đã đi vào thiên thu
Tài ơi, chén rượu còn chờ!
No comments:
Post a Comment