Thursday, August 22, 2013














Canada,
chuyến đi nhớ đời


Như một lời tri ân gửi đến chị Áo Vàng và anh Tùng Nguyên (Montreal) 




"Chờ ta gia du một chuyến..."

Ấy là lời của Trịnh Công Sơn. Tôi không hiểu người nhạc sĩ này có ý gì khi dùng 2 chữ "gia du", nhưng với bọn tôi, chữ gia phải viết hoa vì nó là chữ đầu tên nước Gia Nã Đại. Và bọn tôi, 3 người bạn cùng chơi với nhau từ thuở thiếu thời, thêm 4 người thân, cùng Gia du một chuyến. Một chuyến ngắn ngủi nhưng cũng đủ để đi một vòng vài thành phố lớn của Gia Nã Đại.

Gặp lại nhau lần này, có thể được xem như là duyên hạnh ngộ lớn, vì 3 người mỗi người một nơi. Một ở Virginia và hai ở Texas. Mà hai ở Texas thì người Houston, người Dallas. 3 người chúng tôi đồng ý chọn Virginia làm tuyến xuất phát. Giờ G là 9 giờ sáng ngày thứ tư 14 tháng 8.

Chiều thứ ba 13 tháng 8 tôi đi đón Phú Quốc từ Houston đến. Cứ sợ đến trễ để bạn phải chờ vì hôm đó tôi còn đi làm, nhưng khi đến phi trường, phi cơ vẫn chưa hạ cánh. Hãng American Airlines này nghe nói là trễ có tiếng. Rất may tôi không phải chờ lâu. Khoảng nửa giờ sau, 2 vợ chồng anh xuất hiện. Tôi bốc 2 bạn về rồi cùng Non Nước ra quán Hải Dương ăn một chầu vì cũng đã gần đến giờ ăn chiều. Sau đó tôi cùng Non Nước đưa 2 ông bà đi uống cà phê. Chặp sau, một người quen của Phú Quốc đến, anh này tình nguyện đưa vợ chồng Phú Quốc về nhà mấy người em cách đó khoảng hơn nửa giờ lái xe.

Hai ông bà vừa được người đón đi, tôi và Non Nước - "trái tim ngọt" của tôi, người đã mang "tin vui trong giờ tuyệt vọng" đến cho tôi cách đây hơn 2 năm - lại bắt đầu chuẩn bị đi đón 2 vợ chồng Kinh Kỳ. Tôi đã dặn Kinh Kỳ trước là khi máy bay sắp hạ cánh thì gọi tôi để tôi sẽ làm một cú diều hâu bắt mồi ngoạn mục vì theo lịch trình, họ sẽ đến phi trường Reagan lúc gần nửa đêm.

Vào cái giờ mà tôi nghĩ là họ đang bay bổng trên chín tầng mây thì Kinh Kỳ gọi:

- "Thủ Đức ơi, sao giờ này nó chưa cho tụi tao lên máy bay!"

Nghe thế tôi giật mình. Như vậy có nghĩa là họ sẽ trễ lắm.


Gần đến giờ lịch trình nguyên thủy của chuyến bay cho biết phi cơ sẽ xuống Reagan, Kinh Kỳ cho biết họ vừa lên phi cơ tại phi trường Dallas. Tôi thở phào nhẹ nhõm, thôi vậy cũng được. Họ sẽ đến Reagan khoảng gần 3 giờ sáng nhưng như vậy vẫn còn dư thì giờ chuẩn bị cho chuyến Gia du.

2 giờ 15 sáng, Kinh Kỳ gọi cho biết bánh phi cơ vừa chạm phi đạo. Đang ngủ gà ngủ gật, tôi bật dậy giục Non Nước ra xe. Tội nghiệp nàng chẳng chợp mắt được chút nào vì còn loay hoay xếp hành lý vào rương. 2 đứa tôi phóng như bay ra phi trường, khi đến nơi thì cũng đúng lúc 2 vợ chồng Kinh Kỳ vừa ra trước cửa. Màn diều hâu vớt mồi ngoạn mục diễn ra và không đầy 20 phút sau họ về đến túp lều của tôi.

Hơn 3 giờ sáng mà chừng như không ai muốn đi ngủ dù phải để dành sức cho cuộc hành quân sẽ diễn ra trong vài giờ tới. 2 vợ chồng Kinh Kỳ, tôi và Non Nước ăn bánh ướt, uống rượu đỏ, nói cười rôm rả. Những buổi họp mặt như thế này rất hiếm thì tại sao lại phải ngủ. Ta còn cả quãng đời còn lại để ngủ kia mà! Nhưng một chốc sau, Ngọc Ngà - vợ của Kinh Kỳ - không còn chịu nổi vì hai mắt đã sụp xuống không có gì chống đỡ nổi. 3 đứa tôi tiếp tục thức đến hơn 5 giờ sáng. Nghĩ đến việc phải làm người xà ích suốt ngày hôm sau, tôi nói "thôi đi ngủ chút để còn sức sáng mai đi", dù lòng chưa muốn.

8 giờ sáng, tôi, tên xà ích, thức giấc trước tiên. Phú Quốc gọi điện hỏi "tụi mày dậy chưa". Tôi nói 3 người kia còn ngủ, nhất là 2 vợ chồng Kinh Kỳ có lẽ vì quá mỏi mệt sau chuyến bay dài và mấy tiếng đồng hồ chờ đợi trong hoang mang tại phi trường Dallas. Chính vì vậy mà tôi đã không đánh thức họ cho dù biết 9 giờ là giờ G và nhóm 3 người của Phú Quốc sẽ có mặt tại tuyến xuất phát.

Vài phút sau đó Non Nước thức dậy và không lâu sau là Kinh Kỳ, Ngọc Ngà cũng lục tục bước ra.

9 giờ, nhóm Phú Quốc đã đến mà cả bọn vẫn chưa xong. Loay hoay mãi đến 10 giờ mới leo lên được cỗ xe thổ mộ ọp ẹp của tôi. Cổ xe này được một con ngựa già kéo. Thương con ngựa già đã ở với mình hơn 18 năm, tôi vô nước cho nó và cho ăn cỏ lúa thật tốt mấy tuần trước đó để nó đủ sức đưa bọn tôi đến mục tiêu. 10 giờ, xe lăn bánh. Ngừng lại trạm tiếp liệu để thêm "thức ăn" cho chú ngựa già, bọn tôi nhắm hướng Bắc trực chỉ. Mọi chuyện êm đẹp và xe cứ thế mà nuốt từng dặm đường.

Vài giờ sau, hai chiến sĩ ngồi phía sau có nhu cầu muốn tấp vào thị trấn nhỏ nào đó để làm vài "công tác" nghiêm trọng. Tôi bèn ghìm cương kéo chú ngựa già chuyển hướng sang phải để vào đường khác. Bất ngờ con ngựa già dễ thương của tôi khục khặc vài tiếng rồi khựng lại. Sợ bị húc bởi đoàn ngựa hung hăng đang ồ ạt phóng tới phía sau, tôi lập tức cho xe thổ mộ tấp vào lề nằm ngay giữa ngả ba. Tôi giật cương liên hồi mà con ngựa vẫn không chịu chạy. Nó quỵ rồi! Đang lo lắng thì một người lính tuần xuất hiện. Cũng nhờ anh ta mà hai chiến sĩ trong bọn tôi đã thực hiện được công tác cực kỳ nghiêm trọng của họ.

Tôi lên máy xin cứu viện. Công ty lo việc này cứ hỏi tới hỏi lui rằng xe tôi hiện đang ở đâu. Tôi nói như thét vào máy, exit 77 trên đường 81 đi về hướng bắc. Chừng như họ nhận tiền thì dễ mà khi có chuyện thì trậm trầy trậm trật. Trong khi chờ đợi, Non Nước bảo tôi đưa dây cương cho nàng thử xem sao. Nàng nắm dây cương giật một cái, con ngựa bỗng chồm lên, hí vang. Lòng mừng vô hạn, tôi gác máy. Có lẽ vì quá mệt mà sau hơn mười phút nghỉ, con ngựa có sức chạy lại được chăng? Sao cũng được! Bọn tôi lại tiếp tục lên đường.

Lúc này đã đến giờ ăn trưa. Ghé lại một lữ quán gần đó, bọn tôi làm một bữa no nê, xong cho ngựa ăn rồi lên xe đi. Lo rằng sẽ không đến mục tiêu trước 11 giờ đêm, tôi gọi khách sạn yêu cầu họ giữ phòng vì sớm muộn gì chúng tôi cũng đến. Một mặt tôi gọi khách sạn, một mặt Non Nước gọi chị Hoàng Y cho chị biết lý do tại sao bọn tôi sẽ đến trễ. Chị nói không sao, có đi thì sẽ đến, khuya mấy chị cũng chờ. Thật là một tâm tình đáng quý, nhất là với tôi, một người mà chị chưa từng quen biết.

Bóng chiều đã sẫm khi xe đến vùng ngàn đảo nhưng tôi còn kịp chỉ cho các bạn thấy được những đảo lớn nhỏ chi chít rải rác trên sông. Giá mà đến đây sớm hơn khi trời còn sáng chắc tôi sẽ cho ngựa dừng lại để các bạn ngắm cảnh. Trễ quá rồi, phải đi, không thể để chị Hoàng Y chờ lâu quá. Đến bên đồn biên giới, bọn tôi trình giấy và được yêu cầu đánh xe vào lề để có người ra xét hỏi thêm. Một người lính bước ra bảo tôi mở cửa xe, anh ta xem giấy, nhìn mặt từng người để biết chắc không ai đi lậu rồi mới khoát tay ra hiệu cho chúng tôi đi.

Bấy giờ xe chính thức lăn bánh trên vùng đất của tỉnh Ontario - Gia nã đại. Vài phút sau, cỗ xe thồ nghiễm nhiên chạy trên con đường Nữ Hoàng Elizabeth. Từ dây về đến Mộng Lệ An còn hơn hai trăm cây số và với tốc độ hơn trăm cây số một giờ của con ngựa già, có lẽ chúng tôi sẽ đến nơi vào lúc gần nửa đêm. Nếu chạy nhanh mà không bị phạt chắc tôi đã thúc chú ngựa già chạy càng nhanh càng tốt, nhưng bảng tốc độ của đường Nữ Hoàng này chỉ cho chạy tối đa 100 cây số/giờ. Đã thế có nhiều đoạn chúng tôi phải chậm lại vì đoàn phu sửa đường đang hì hục làm việc. Ái ngại, Non Nước lên máy gọi chị Hoàng Y:

- Chị ơi, thôi chắc chị đi ngủ đi nha... tụi em tới trễ lắm đó, chị thức khuya quá tụi em áy náy lắm.

Vậy mà chị Hoàng Y vẫn bảo cứ yên tâm, chị sẽ chờ! Tôi bảo Non Nước cho chị biết bọn tôi sẽ đến khách sạn vào khoảng 11 giờ rưỡi. Chị nói chị sẽ có mặt tại đó để đón chúng tôi. Nghe vậy tôi càng cố thúc ngựa phi nước đại. Tội nghiệp con ngựa già, đã gục một lần mà không hiểu vì sao gắng gượng đưa bọn tôi đến đây. Từ khi gượng dậy, bốn vó chú gõ rất đều, không ngừng nghỉ. Nghĩ vậy mà thương nó hết sức. Tôi xem nó như một đứa con, có linh hồn, có suy tư tuy không nói được. Hình như nó muốn nói với tôi rằng, "cha ơi, con sẽ cố gắng đưa "cha mạ" và các bạn đi đến nơi về đến chốn".

Vào địa phận Mộng Lệ An nó lại khục khặc thêm lần nữa nhưng vẫn cố lết về đến khách sạn. Đến nơi, chị Hoàng Y và anh Nguyên Bách đã có mặt. Giữa đêm hôm tăm tối và trong những giờ phút mệt mỏi sau một ngày giong ruỗi, chị xuất hiện như một thiên thần. Chưa lần gặp mà thấy đã như quen lắm, lòng tối ấm lại trước thái độ thân thiện và cử chỉ ân cần của chị Hoàng Y. Chị ngồi chờ bọn tôi lấy phòng rồi đưa chúng tôi đến một quán ăn gần đó. Vì là "thổ công" tại Mộng Lệ An, đích thân chị gọi món ăn cho chúng tôi để cả bọn khỏi phải vò đầu bứt tai với cái thực đơn vì không biết món nào để gọi. Và rồi cũng chính chị là người đã thanh toán tất cả chi phí bữa ăn đêm đó cho dù Non Nước, tôi và các bạn khẩn khoản xin chị để chúng tôi nhận lãnh trách nhiệm. Tôi thật không còn lời lẽ nào để có thể bày tỏ lòng quý mến của tôi dành cho chị và anh Nguyên Bách. Trước đây đôi khi tôi nghĩ phố ảo thì tình cũng ảo, nhưng bây giờ khi gặp được chị Hoàng Y tôi mới biết phố ảo nhưng không phải tình nào cũng ảo mà có những cái rất chân, như tâm tình mà chị dành cho bọn tôi đêm nay.

Ăn uống, hàn huyên tâm sự xong đã quá một giờ khuya vậy mà chị Hoàng Y vẫn ân cần bảo chúng tôi chạy theo chị một vòng để chị cho chúng tôi nhìn sơ qua phố Tàu và vài con đường chính của Mộng Lệ An nơi có dấu chân người Việt thường xuyên lui tới. Chị nói rất tiếc phải cùng anh Nguyên Bách đi Quebec City ngày hôm sau nên không thể cùng chúng tôi đi thăm chùa Đại Tòng Lâm Tam Bảo Sơn như đã định và chúc bọn tôi có được những giờ phút thoải mái vui tươi trong thời gian lưu lại Mộng Lệ An. Chia tay trong niềm lưu luyến, tôi dặn chị cùng anh Nguyên Bách bất cứ lúc nào xuôi Nam, đi về huớng Virginia xin nhớ gọi điện thoại để Non Nước và tôi có dịp mời chị ghé qua thảo lư cho chúng tôi có dịp đãi ngộ anh chị và cũng để tiếp tục cuộc hàn huyên phải bỏ dở vì không đủ thì giờ.


Chia tay chị Hoàng Y với anh Nguyên Bách, tôi không khỏi không nhớ đến năm 2003 khi đến San Jose, anh Mạc Phương Đình cũng đã rộng cửa chờ tôi. Lần đó tôi tiếc đã không được người ta cho phép anh vào đón tôi tại nhà mà phải ra gặp anh ở một ngả tư. Hình như người ta ngại người lạ đến nhà! Khi bị từ chối, tôi lo anh MPĐ bị va chạm tự ái, sẽ thôi không đến đón tôi nữa. Nhưng không, anh vẫn đến. Chút giao tình có được trong lần gặp nhau tại đại hội Quảng Đà Dallas đã đưa anh đến với tôi lần thứ hai. Anh đưa tôi đi một vòng San Jose và thăm một số tên tuổi văn nghệ ở đây. Phải mất đến 7 năm sau tôi mới gặp lại anh, tại đại hội liên trường Quảng Nam Đà Nẵng tổ chức tại Las Vegas năm 2010.

Một đêm ngắn trôi qua. Chỉ cần ngủ vài tiếng đồng hồ là tôi đã tỉnh như sáo sậu và lại chuẩn bị đánh xe thổ mộ đưa mọi người tiếp tục cuộc hành trình. Vì biết chị Hoàng Y sẽ không cùng đi thăm chùa, tôi hỏi mọi người trong nhóm có còn thích đi viếng chùa nữa hay không? Thực lòng thì tuy biết đây là một cảnh chùa đẹp, hùng vĩ nhất Bắc Mỹ nhưng từ khi biết được tiểu sử cũng như quá trình của người trú trì, tôi có hơi ái ngại. Cứ nghĩ đến thành tích của ông và hình ảnh các tượng Phật mặc áo đỏ là tôi cảm thấy như có cái gì rất bất an. Nhưng thôi, đã đến được nơi đây mà không thấy được cảnh hùng vĩ của ngôi chùa này cũng là thiếu sót lớn vì vậy sau bữa ăn sáng, tôi và các bạn bèn kéo nhau đi viếng chùa. Tội nghiệp con ngựa già lại phải ì ạch kéo chiếc xe thổ mộ già nua lên đường thiên lý.

Hơn 2 giờ sau, bọn tôi đến nơi. Bầu trời hôm ấy trong xanh gần như không một bóng mây. Ngôi chùa như tọa lạc trên thung lũng với chung quanh là núi rừng bát ngát. Gió núi lồng lộng thổi về trong phút giây cho lòng người bất giác cũng cảm thấy nhẹ nhàng thơ thới. Cứ tưởng đến chùa sẽ được thưởng thức cơm chay nhưng cuối cùng đói meo vì hình như chỉ cuối tuần chùa mới có cơm chay. Không sao, có lòng tìm đến Phật thì Phật sẽ cho no và cho thêm sức để đến với Phật. Nhờ vậy mà tôi và Non Nước đã leo được hết mấy trăm bậc thang lên đến đỉnh núi, nơi có tượng Phật ngồi trước cây bồ đề Gia nã đại. Nghe nói đây chính là cây "thất bồ đề" mà một tín đồ sùng đạo nào đó thấy hiện ra trong mộng rồi đi tìm mảnh đất này để dựng chùa. Cây thất bồ đề đã bị gãy 2 gốc, nay chỉ còn 5 gốc. Nghĩ đến chuyện mua đất dựng chùa tôi không khỏi băn khoăn khi không biết ở đâu mà người ta có tiền để mua mảnh đất rộng đến 337 mẫu! Chắc chắn không chỉ đơn thuần là tiền cúng dường của khách thập phương vì lúc đó đâu đã có chùa.

Giữa khuôn viên chùa là sân cờ với 3 cột cờ cao vút: Cờ Gia nã đại, cờ tỉnh Quebec và cờ ngũ sắc của Phật giáo tung bay phất phới. Lòng tôi không khỏi chùng xuống khi tìm khắp nơi không thấy được ngọn cờ vàng! Cờ miền Nam thân yêu của tôi ở đâu? Người ta ngại gì mà không dám treo? Nếu vị trú trì và các nhà sư là những người cùng đi tìm tự do như chúng tôi thì tại sao lại không treo ngọn cờ tượng trưng cho tự do, chính nghĩa? Hay họ muốn treo cờ đỏ sao vàng nhưng sợ người ta không đến viếng chùa chăng? Biết đâu!

Nghe tôi đặt giả thuyết như vậy, Non Nước tán đồng ngay: "chớ còn gì nữa!"
Không biết nói sao hơn, tôi đành tự an ủi rằng ngưòi quấy chứ Phật không quấy. Người sai chứ Phật không sai. Họ có thể cho Phật mặc áo đỏ để giống màu cờ của họ nhưng không vì thế mà Phật không còn là Phật như tôi đã sùng kính từ bấy lâu nay. Họ sẽ phải trả giá cho hành động sai trái của họ.

Rời chùa ĐTL khoảng sau 3 giờ chiều, bọn tôi nhắm hướng thành phố Montreal trực chỉ. Đi cũng như về, chúng tôi phải chạy qua một đoạn đường đất, đá sỏi lởm chởm dài có đến hơn 5 cây số. Con đường này mang tên "Chemin de la Rivière Rouge". Đường mòn sông Hồng Hà. Có phải đây chỉ là sự trùng hợp bất ngờ hay người đi tìm mua đất dựng chùa đã cố ý tìm một con đường mang tên như vậy? Thảo nào cái gì cũng đỏ. Các tượng Phật lớn mặc y màu đỏ và rất nhiều tượng Phật nhỏ bên trong chính điện cũng đỏ. Cách đây khá lâu, viếng chùa lần đầu, tôi nhớ tượng Phật nằm mặc áo vàng nhưng sau này đã bị người ta cho mặc áo đỏ. Có ẩn ý gì đàng sau cái màu đỏ này không? Tôi không muốn nghĩ đến để đấng Chí Tôn như tôi đã biết từ thời tấm bé vẫn trọn vẹn một niềm tôn kính, bất di bất dịch. Ngày nào đó sự thật sẽ được phơi bày cho mọi người biết rõ gốc gác và lập trường của các nhà sư chùa Đại Tòng Lâm này hơn.

Trên đường về, đi ngang qua khu phố dành cho du khách đến đây trượt tuyết, thấy phong cảnh hữu tình, chúng tôi ghé vào một nhà hàng Tây dưới chân đồi ăn chiều. Chúng tôi không ngồi bàn lộ thiên nhưng cũng như lộ thiên vì giữa bàn chúng tôi và bên ngoài không có cửa kính chắn và chúng tôi có thể nhìn thấy rất rõ ngọn đồi xanh trước mặt. Thành phố này có nét như một phố núi nào đó ở cao nguyên miền Nam quê tôi và bất chợt mấy câu thơ của Vũ Hữu Định lại hiện về, "phố núi cao, phố núi đầy sương...". Phố núi nơi chúng tôi đang ngồi hiện không có sương giăng khói tỏa nhưng có mưa bay lất phất, lại càng làm tôi nhớ một góc đường của Pleiku, Kontum hay Đà Lạt của một một thời xa lắc. Có lẽ phố này khi hoàng hôn xuống hay bình minh lên cũng lãng đãng mù sương. Giá mà tôi có thể ở lại đây qua đêm để được có cảm tưởng như mình vừa trở lại quê hương! Bữa ăn rất ngon miệng. Non Nước, Phú Quốc, Kinh Kỳ và tôi cạn gần 2 chai rượu. Còn có thể uống thêm được nữa nhưng tôi đành phải ngưng để còn đủ sức làm tròn nhiệm vụ của tên xà ích.

Bóng chiều đổ xuống thật nhanh, chúng tôi rời quán. Về đến Montreal, do sự tình cờ bọn tôi chạy ngang quán bán nước cam vắt tại chỗ, có hình trái cam khổng lồ. Nhớ ra nước cam nơi đây rất ngon, tôi đề nghị các bạn tấp vào thử cho biết và được tán đồng ngay lập tức. Bãi đậu xe của quán có rất nhiều chiếc xe mô tô hai bánh, có chiếc ba bánh với hình thù rất đẹp. Tôi bon chen đến trước chiếc xe mô tô ba bánh này chụp một tấm làm kỷ niệm. Tôi nghe Non Nước nói với Phú Quốc chiếc xe hiện đang bán trên thị trường với giá $5,000. Vốn là dân anh hùng xa lộ, có bằng lái mô tô hẳn hòi, Phú Quốc cầm lòng không đậu bèn tìm người hỏi. Anh được cho biết giá chót cũng phải 30 ngàn đồng! Tẻn tò, anh quay lại nói với Non Nước "thế sao cô bảo $5,000? $5,000 là tui "dớt" liền ngay lập tức!" Non Nước nói:" Khi mới ra chỉ $5,000 đô, có lẽ bây giờ nó lên giá vì thấy nhiều người thích và đã được Gia Nã Đại chấp thuận xem nó như xe hơi chứ không là mô tô (khi chạy phải đội helmet). Thôi đành vỡ mộng làm chủ chiếc xe "chiến" này vậy.

Rời quán bán nước cam, bọn tôi lại bắt con ngựa già kéo đi một vòng thành phố trước khi tìm đường lên đỉnh Mont Royal ngắm thành phố về đêm. Cái nhìn từ trên đỉnh Mont Royal có lẽ không khác cái nhìn từ Đồi Cam (Orange Hill) ở California mấy. Chừng như ngọn đồi này thấp hơn đồi Cam. Dù vậy, từ trên đỉnh cao này, người ta có thể nhìn thấy gần như toàn diện thành phố Mộng Lệ An. Phố đêm mặc chiếc áo màu lóng lánh thật đẹp. Chung quanh bọn tôi, mấy con "racoon" đang được du khách cho uống nước. Chúng há miệng hứng nước đổ từ chai xuống trông rất dễ thương. Lũ thú hoang này được người cho ăn cho uống thường xuyên nên con nào con nấy mập ú. Quả là thú của xứ văn minh có khác. Bọn này mà ở những xứ nghèo thì chắc không dám lẩn quẩn bên cạnh con người như thế này đâu.

Đêm xuống sâu hơn và gió trên đồi cũng bắt đầu phảng phất hơi sương lành lạnh. Mọi người giục nhau ra về. Vó ngựa lại bắt đầu lộp cộp trên đường khuya. Con ngựa già từ chiều đến giờ thôi không giở chứng nữa, có lẽ căn bệnh bất ngờ nào đó của nó đã hết rồi chăng? Tôi thầm cầu mong nó khỏe mạnh đủ để hoàn tất chuyến Gia du và đưa chúng tôi trở lại Mỹ an toàn. Còn quá sớm để biết nó có đủ sức làm chuyện đó hay không vì ngày hôm sau bọn tôi sẽ đi Ottawa, ghé Toronto trước khi dừng lại ở thác Niagara Falls. Coi như nó chỉ mới đưa chúng tôi đi chưa được nửa cuộc hành trình. Tôi vỗ đầu nó, thầm bảo "cố ngoan lên nghe con!" như thể nó biết nghe vậy. Biết nghe hay không tôi không rõ, nhưng chỉ hơn 10 phút sau nó đã mang bọn tôi về đến khách sạn một cách dễ dàng.

Ngày N+1 xem như đã xong.

Ngày N+2, sau khi xuống phòng ăn sáng miễn phí thêm lần nữa, chúng tôi trả phòng, lên đường đi Ottawa. Hôm nay có lẽ chị Hoàng Y và anh Nguyên Bách đang rong chơi một góc phố nào đó ở Quebec City. Khởi đầu, con ngựa già có hơi khựng một chút nhưng có lẽ sau đó máu nóng luân lưu đều trong cơ thể, nó chạy ngon lành. Bốn vó giong ruỗi nhịp nhàng đưa chúng tôi đến tận thủ đô của nước láng giềng Gia nã đại. Đến Ottawa quá 1 giờ trưa, Ngọc Ngà đề nghị tìm quán phở nào đó ghé vào ăn trưa. Trên phố chính, dọc đường Bank có lác đác vài quán nhưng không hiểu sao bọn tôi lại chọn quán Trúc. Quán không lớn lắm, bài trí đơn sơ, trang nhã, chị chạy bàn nhanh nhẩu, tía lia "tẩu tẩu" dễ gây cảm tình với khách. Phẩm chất phở tạm được, không ngon miệng lắm và chắc chắn là không sao bì được với các quán phở ở Cali mà nhất là phở Bò Vàng ở Virginia, nơi tôi với Non Nước thường lui tới. Bà chủ quán Trúc người Việt nhưng chồng lại là người Ba Tư. Có lẽ tiền kiếp bà là nhân vật chính của chuyện ngàn lẻ một đêm chăng? Ông chồng Ba Tư nói bà là đầu bếp chính, vì vậy xin bà thông cảm nếu tôi không hết lòng khen phở của bà nhé! Vì khen mà khen không đúng ắt không có lợi gì cho bà mà còn hại thêm thôi. Tuy nhiên phải cảm ơn nhiệt tình của bà khi thấy đồng hương. Bà trò chuyện với chúng tôi rất thân mật, vui vẻ, còn cho tôi biết nếu muốn ăn trái cây nhiệt đới như trái cây Việt Nam thì nên đi Toronto. Lời bà càng làm chúng tôi tin rằng đã nghĩ đúng khi dự định sẽ đi Toronto để mua trái cây.

Ottawa thật sạch và thật đẹp với những tòa nhà cổ kính nguy nga tráng lệ nhưng rất tiếc chúng tôi không có nhiều thì giờ lưu lại. Chụp qua loa một số ảnh rồi chúng tôi lại lên xe chạy như ma đuổi để đến Toronto trước giờ các hàng quán bán trái cây đóng cửa. Đã từng đi Toronto, tôi nhớ mang máng hình như người ta dẹp hàng vào khoảng gần 9 giờ tối. Tôi ngạc nhiên một cách vui mừng khi thấy con ngựa già chạy phom phom, không có triệu chứng nào cho thấy nó đã từng làm bọn tôi lên ruột như hơn một ngày trước đó tại exit số 77 trên đường xa lộ 81.

Đến Toronto, trời chạng vạng tối. Khi xe chúng tôi lăn bánh trên đường Spadina thì chỉ có vài hàng trái cây lèo tèo còn mở cửa. Đảo mắt một vòng nhìn chung quanh thấy không còn chỗ đậu xe và vì sợ ghé mua trái cây không kịp, tôi quẹo vào đậu phía sau lưng một cửa tiệm. Đây là bãi đậu xe công cộng có trả tiền và hình như được khai thác bởi chính quyền Toronto. Tôi nghĩ con ngựa già và cỗ xe thổ mộ của mình sẽ tạm yên thân vài tiếng đồng hồ nơi đây trong khi "cha mạ" nó đi mua trái cây và ăn uống. Trả tiền parking xong, tôi lấy vé để dưới mặt kính xe, bình thản bước đi. Sát bãi đậu xe có một nhóm người tàu đang ngồi đùa giỡn trông rất bình yên.

Vừa bước ra đến đầu ngõ, một người đàn ông Á châu nhìn tôi chằm chặp. Ánh mắt của ông có làm tôi khó chịu nhưng tôi phớt tỉnh và hỏi có phải ông là người Việt không? Ông trả lời bằng tiếng Việt. Mừng rỡ, tôi hỏi ông mấy hàng trái cây sẽ đóng cửa vào lúc nào. Ông nói "sắp đóng tới nơi rồi đó!" Tôi cám ơn, quày quả kéo Non Nước đi. Ông không quên hỏi chúng tôi từ đâu tới. Thấy ông cũng là người cùng bọc trứng Âu cơ, tôi thành thật cho ông biết bọn tôi từ Texas và Virginia đến. Ông cười chúc bọn tôi "enjoy Toronto!"

Mua trái cây xong, trời vẫn chưa tối hẳn. Bọn tôi nghĩ đến lúc phải tìm nơi để ăn tối. Tôi bảo Kinh Kỳ trước khi đi ăn có lẽ nên mang mấy bao trái cây này về bỏ trong xe rồi hẳn đi cho nhẹ tay. Một phần thì tôi cũng muốn xem xét lần nữa coi chiếc xe có an toàn không. Chiếc xe vẫn y nguyên và tôi giở cốp sau bỏ mấy bao trái cây vào. Đám người tàu vẫn còn ngồi đùa giỡn nói cười lớn tiếng gần đó. Kinh Kỳ nói với tôi, "mày ơi, coi chừng tụi nó thấy cả đống hành lý của mình rồi nảy lòng tham!". Thật vậy, phía sau xe là nơi chứa các rương hành lý của vợ chồng Kinh Kỳ - Ngọc Ngà, vợ chồng Phú Quốc - Hồng Hà và một người em của Phú Quốc. Rương hành lý của Non Nước cũng nằm phía sau này. Túi xách nhỏ đựng quần áo và chiếc netbook của tôi cùng một túi xách nhỏ chứa vài bộ quần áo cùng đồ trang điểm của Non Nước để ngay dưới chân ghế hành khách phía trước chỗ nàng ngồi. Nghe Kinh Kỳ nói, tôi cũng hơi ái ngại nhưng tự trấn an và nói "chắc không sao, dân tình ở đây chẳng lẽ bất lương đến vậy sao?" Thế là tôi và Kinh Kỳ rời xe và đi trở lại nhà hàng "Taste of China", nơi mà bọn tôi sẽ ăn bữa cơm tối trước khi rời Toronto để đi Ottawa.

Tôi và Non Nước vì ăn mì mãi cũng chán nên gọi món cua được xem như là đặc biệt của nhà hàng này. Các bạn tôi ăn mì. Kinh Kỳ, Phú Quốc đề nghị phải có tí rượu. Tôi lựa một chai rượu giá tương đối thấp để gọi và tiền nào của nấy, rượu không được ngon lắm. Phần cua và cơm của tôi với Non Nước hơi nhiều nên Non Nước rủ các bạn cùng ăn. Món cua này không đến nỗi tệ lắm nên tôi tạm an ủi mình rằng thôi cũng cảm ơn Thượng Đế cho mình có một bữa ăn. Có tiếng lao xao chê đồ ăn ở đây quá dở, nhạt nhẽo. Cũng may là tôi đã "cancel" một con vịt Bắc Kinh để mang về. Hú hồn!

Ăn xong, tôi bảo các bạn ngồi đợi để tôi băng qua đường đến chỗ đậu xe lái xe đến tận nơi cho các bạn khỏi đi bộ. Non Nước nói anh không nên đi một mình, em phải đi theo. Tôi nói có em theo lỡ tụi nó tấn công em trước mà anh không chống đỡ nổi thì còn tệ hơn. Thà là tụi nó "thịt" một mình anh thôi. Non Nước nói, không được đâu, có người đã từng bị đập đầu ở đây rồi anh à. Em đi theo, có gì còn chạy kêu cầu cứu hoặc làm nhân chứng được. Nghe nàng có lý, tôi nói ừ "cùng đi, anh chỉ sợ em đi bộ mệt thôi". Hai đứa băng qua đường, tiến dần về cỗ xe thổ mộ của mình. Còn cách chiếc xe khoảng vài thước, Non Nước bỗng la lên "thôi chết rồi anh ơi! Tụi nó đập bể kiếng bên chỗ em ngồi rồi kìa!" Đến lúc đó, tôi cũng vừa ltới sát bên xe, nhìn tấm kính cửa bên phải chiếc xe vỡ nát mà bàng hoàng. Tôi tưởng mình đang trong cơn ác mộng. Non Nước nói "tụi nó lấy hết đồ của 2 đứa mình rồi!" Quả thật vậy, cái túi màu đỏ có in nhãn hiệu bia Budweiser của tôi và cái túi nhỏ của Non Nước đã không cánh mà bay. Tôi hoảng hốt khi nghĩ đến hành lý các bạn, nhưng mừng biết bao khi nhìn ra phía sau, các rương hành lý vẫn còn nhô lên khỏi lưng ghế. Lòng thầm cầu mong bọn thảo khấu không đủ thì giờ để đụng tới đống hành lý đó, tôi bước nhanh ra sau mở cốp và thấy các rương hành lý trong đó có rương của Non Nước còn nguyên. Tôi cảm ơn Trời Phật đã che chở cho các bạn của tôi và nhất là đã che chở tôi cho dù tôi và Non Nước là 2 người bị mất mát nhiều nhất. May mắn hơn nữa là chúng đã không có thì giờ để lục lọi, vì nếu chúng lục thì cái túi nhỏ có đựng passport của tôi đã rơi vào tay chúng. Trong cái rủi, vẫn còn lắm điều may.

Lúc ấy, tôi không nhớ ra kịp là cái netbook của mình nằm trong túi đỏ. Sau vài phút định thần, nhớ ra, tôi lịm người. Tôi nói với Non Nước, "thôi rồi em ơi, trong túi đỏ có cái netbook của anh!" Cái netbook không đáng giá là bao nhưng chứa đựng ít nhiều kỷ niệm và một số chi tiết cá nhân của tôi đã lọt vào tay quân thảo khấu. Dụi mắt nhiều lần nhìn kỹ vết thương của con ngựa già và kiểm lại những thiệt hại của hai đứa, tôi chết từ trong ra ngoài. Non Nước còn nói với tôi rằng trong túi xách của nàng có cuốn sổ nàng ghi những con số quan trọng như số an sinh xã hội, account nhà bank v.v... Lòng đau như cắt, muốn khóc cho vơi tức nhưng tôi cố cầm nước mắt để khỏi làm Non Nước phải rung động. Trước đó vài phút nàng đã thút thít nhưng không hiểu sao nàng thôi khóc và trở nên bình tĩnh vô cùng khi bảo nghĩ cách phải làm thế nào để đối phó.

Biết làm thế nào bây giờ ngoại trừ lên máy gọi cảnh sát thành phố! Không biết số điện thoại cảnh sát địa phương, tôi bấm số khẩn cấp 911 và nói với người operator rằng xe tôi vừa bị đập vỡ kính kẻ gian đã lấy hết đồ đạc hai chúng tôi. Người operator chuyển tôi sang một số khác, có lẽ là số của sở cảnh sát để tôi trình bày tự sự. Viên cảnh sát bên kia đầu dây cho biết họ không thể đến để làm report vì có quá nhiều việc phải đối đầu (?). Tôi khẩn khoản kêu gọi họ nhiều lần nhưng không được, biết là vô vọng nên thôi. Có phải vì họ cho rằng chuyện đập xe mất đồ là quá thường tình chăng? Hay vì chúng tôi không phải là cư dân Gia nã đại? Ở Virginia, nhiều chuyện đơn giản và nhẹ nhàng hơn mà chỉ cần nhấc máy gọi là cảnh sát dù nhanh hay chậm cũng sẽ đến. Đàng này, xe bị đập kính, tài sản bị tước đoạt, thế mà cảnh sát lại làm ngơ! Chẳng lẽ thành phố Toronto này tuột dốc, tệ hại đến như vậy sao?

Kinh Kỳ và Phú Quốc sau khi biết đồ đạc họ vẫn còn nguyên, đã lặng lẽ đi tìm mua băng keo, kéo và một tấm plastic để bắt đầu việc băng bó vết thương cho con ngựa già của tôi. Ngọc Ngà cũng tiếp tay tôi làm việc này. Băng bó cho nó mà lòng tôi buồn vô hạn. Thì ra trong khi chúng tôi đang nói cười ăn nhậu trong quán là lúc mà nó bị hành hung. Lời một câu trong bài Tình khúc thứ nhất, "có biết đâu niềm vui đang nằm trong thiên tai!" quả không sai. Trong lúc mà tôi ngồi ăn uống xì xụp thì bọn thảo khấu đang hành hạ con ngựa của tôi, chiếm đoạt tài sản của tôi. Tội nghiệp nó không làm gì được để tự cứu nó và cứu tôi. Có lẽ nó đã gào lên những tiếng kêu thống thiết, "cha mạ ơi, chạ mạ ở đâu, tụi nó đập con đau quá! Cha mạ ơi, cứu con với! Tụi nó lấy hết đồ của cha mạ rồi. Túi xách của cha trong có cái laptop, chúng đã lấy rồi. Cái túi xách của mạ cũng bị chúng lấy rồi. Tụi nó chạy rồi cha mạ ơi! Bây giờ biết đâu mà tìm." Có lẽ sự việc đã xảy ra khi chúng tôi mới bắt đầu cầm đũa. Có lẽ quân gian đã theo dõi chúng tôi và nhanh chóng ra tay khi biết chúng tôi đang an vị trong quán ăn. Đập cửa kính nhưng chúng chưa kéo chốt lên để mở cửa. Nếu chúng kéo chốt cửa lên chắc chắn chúng đã tìm cách mở luôn cửa sau. Tệ hơn nữa, như Non Nước nói, nếu chúng lấy cả chiếc xe thì sao? Biết đâu trong khi chúng định thâu tóm hết tài sản của các bạn tôi, có ai đó trờ đến nên chúng không tiện ra tay? Dẫu thế nào đi nữa, tôi biết mình vẫn còn nhiều may mắn. Cái GPS nằm ngay bên cạnh hai túi xách chưa mất là một điều may. Giấy passport chưa mất là một điều may lớn hơn .Và trọng đại hơn nữa là đồ đạc các bạn tôi vẫn còn nguyên vẹn. Là người tổ chức cuộc hành quân, tôi tự thấy mình có một phần trách nhiệm không nhỏ cho việc an nguy của bạn bè.


Băng bó con ngựa già xong, chúng tôi buồn bã kéo nhau rời Toronto. Phố tàu Toronto thì đúng hơn. Thật không còn gì tệ hại hơn là gần gũi với Tàu! Ở quê nhà, gần gũi với chúng, nước ta mất hết đất này đến biển nọ. Đến đây gần gũi với họ thì mất đồ mất đạc, thiệt hại tùm lum. Chưa mất mạng là may. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ trở lại phố tàu Toronto này nữa, ngoại trừ khi tôi đi bằng xe thiết giáp. Mà chưa chắc thiết giáp đã an toàn một khi quân gian cố tình phá hoại. Thôi nên tránh phố tàu là hơn, nhất là phố tàu Toronto. Tội nghiệp cho thành phố lớn nhất nhì của Gia nã đại này đã đánh mất niềm tin của tôi và nhiều người khác chỉ vì hành động bất lương của bọn thảo khấu và thái độ lạnh nhạt đến gần như vô tình của nhà chức trách.

Trên đường đi Niagara Falls, con ngựa già bỗng dưng trở chứng. Lần này có vẻ nghiêm trọng không kém gì lần đầu. Gục xuống, giật lên chạy, lại gục xuống. Sau năm lần bảy lượt gục tới gục lui như vậy, bất ngờ chú lại chuyển mình lao tới. Lòng tôi mừng vô hạn cho dù biết rằng tôi đang hành xác con ngựa già của tôi. Hình như nó thiếu cái gì đó hay đang chấn thương nội tạng không chừng. Nhưng biết sao bây giờ, bọn tôi phải đến khách sạn tại Niagara Falls càng sớm càng tốt. Lạc đường ở một ngã ba, đâm ngay vào một con lộ đang tắc nghẽn, Non Nước đề nghị tôi vào đại một ngã rẻ nào gần nhất để tìm lối ra cho dù cái GPS bảo tôi cứ tiếp tục đi thẳng. Cái GPS này đâu biết khúc đường trước mặt đang kẹt cho nên cứ bảo tôi đâm vào. Nghe lời Non Nước, tôi lủi đại vào ngã rẻ gần nhất. May sao, tại đây có trạm cỏ lúa cho ngựa. Ngừng lại vô nước, thêm cỏ lúa, cho chú nghỉ vài phút, khi ra khỏi trạm, chú chạy đều trở lại. Bây giờ cái GPS không còn bảo chúng tôi phải tiếp tục đi vào đuờng bị kẹt nữa mà chỉ chúng tôi đi lối khác. Chẳng mấy chốc chúng tôi lại trở ra đường cái và từ đó trực chỉ về Niagara Falls.

Đến Niagara Falls đã quá nửa đêm. Phần lớn các bạn tôi đi ngủ hết, chỉ còn tôi, Kinh Kỳ và Non Nước còn thức. Buồn bực vì chuyện xảy ra ở phố tàu Toronto, tôi hỏi Non Nước có muốn ghé qua casino xả xui không? Nàng đồng ý ngay.Tôi rủ Kinh Kỳ đi theo cho vui. Vào chơi chưa được bao lâu, tôi thua ngay. Chán, tôi bảo Non Nước và Kinh Kỳ ở lại chơi tiếp vì 2 người này đang thắng để tôi đi xem xét bệnh tình con ngựa già của tôi.

Tôi nghĩ tôi tìm ra được một bệnh của nó, vì thế, sáng hôm sau tôi thức dậy sớm hơn mọi người ,đi mua đồ trị liệu. Có lẽ đây chỉ là một bệnh trong số nhiều bệnh cho nên sau khi chữa xong, bệnh khật khừ khi chạy khi ngưng vẫn còn. Sau khi trả phòng, bọn tôi được khách sạn cho phép đậu xe đến 6 giờ chiều. Điều đáng lo nhất là làm sao để bảo toàn tài sản vì cánh cửa bây giờ chỉ được che bằng một mảnh plastic mỏng, chỉ cần nắm xé toạc là có thể đột nhập vào xe lấy hết đồ đạc! Chờ mãi mới có một chỗ tương đối yên tâm. Chỗ đậu này nằm gần văn phòng quản ly khách sạn, chắc bọn gian cũng phải kiêng dè vì quan trên trông xuống, người ta trông vào. Dời xe đến đây, bọn tôi kéo nhau đi uống cà phê Starbucks. Chừng như tìm lại được cái thú ngồi quán mà nhất là quán lộ thiên, Kinh Kỳ lộ vẻ khoan khoái ra mặt. Tôi cũng thấy vui vui khi nhớ lại những lần mấy tên ngồi đồng trong một số quán cà phê ở Sài Gòn trước năm 75. Bây giờ cứ mỗi lần có dịp ngồi quán chung với nhau thì Kinh Kỳ lại nhắc câu "Uống đi mình, quán thưa người. Mưa ngoài chưa tạnh mà đòi về sao!" Ngồi được khoảng gần 1 giờ đồng hồ, tôi hối các bạn đứng lên đi thăm thác để còn lên đường về Mỹ cho kịp giờ.

Thác Niagara vĩ đại vẫn như ngày nào, vẫn bức tường nước khổng lồ ào ào đổ xuống mặt sông tung lên bụi nước trắng xóa. Lên chiếc tàu "Maid of the Mist", chúng tôi đến thật gần và nhìn tận mắt ngọn thác không ngừng tuôn xuống với sức mạnh kinh hồn. Có nhìn tận mắt con thác trong gang tấc như vậy mới biết không gì vượt qua nổi thiên nhiên! Vì nóng nực, tôi đã tháo bỏ chiếc áo mưa để rồi sau đó ướt như chuột lột khi chiếc tàu đi đến gần vùng nước đổ. Thật là dại dột. Dại dột như đã mang con ngựa cưng của mình vào đậu một chỗ khuất lấp cho bọn thảo khấu hành hung. Tôi tự hỏi đời mình còn bao lần dại như thế nữa!

Ngày N+3, bọn tôi lên đường về Mỹ, chấm dứt cuộc Gia du "cưỡi ngựa xem hoa", chỉ trong hơn 2 ngày mà đã dạo chơi trên 4 thành phố lớn của Gia nã đại, cho dù có nơi chỉ trong vài giờ. Về đến Virginia, tôi thầm cám ơn Trời Phật đã giúp cho con ngựa già của tôi có đủ sức đưa bọn tôi đi đến nơi về đến chốn, và không quên cám ơn Thượng Đế đã che mắt bọn gian để chúng không lấy được hết tài sản của Non Nước và các bạn của tôi.


Quên đi vết thương từ phố tàu Toronto, tôi vui khi sau 2 năm cùng một lúc gặp lại 2 người bạn thiếu thời, 2 người bạn đã có lúc cùng nằm gai nếm mật, chia ngọt xẻ bùi, uống chung cốc cà phê, hút chung điếu thuốc, uống rượu nửa đêm về đập vỡ chai trên đường phố cười vang. Tôi vui khi thấy sau bao nhiêu vật đổi sao dời Phú Quốc vẫn còn tiếng cười sang sảng như thời mới lớn, như đêm nào khi gần đến giờ giới nghiêm trên con đường trước xạ trường Bình Thới. Kinh Kỳ vẫn nhớ nhiều kỷ niệm của những ngày bọn tôi còn gần nhau cho dù kỷ niệm đó có nhỏ nhặt đến đâu. Anh nhắc tôi nhớ một ngày cuối 72 hay đầu 73 gì đó tôi "ôm đàn hát một cách thống thiết bài Tình khúc thứ nhất trong một căn nhà nhỏ ở Phú Lâm ". Từ kỷ niệm đó anh đã viết mấy dòng thơ thắm thiết "Đèn vàng ngõ chợ Phú Lâm | Sương rơi mái thiếc, lạnh thầm bóng tôi | Ly cà phê thiếu bạn ngồi...." Bây giờ, trên xứ lạ quê người khi mà nợ áo cơm, hoàn cảnh sống và nhu cầu mưu sinh có thể làm cho "Một chút nghĩa tình cứ chực chờ trôi tuột" (thơ HĐN), những tình nghĩa dù thân hay sơ còn nối kết được với nhau ngày nào, đẹp ngày ấy. Bạn bè tôi, nhất là các bạn từ thời trung học, hiện nay có người đã quá lục tuần. Với quỹ thời gian còn lại ít ỏi như vậy, liệu chúng tôi sẽ còn gặp nhau được bao nhiêu lần nữa, nhất là trong hoàn cảnh địa lý cách trở xa xôi. Chính vì vậy mà tôi trân quý vô cùng những giây phút bên nhau như ngày hôm nay. Khi tôi ngồi viết những dòng này thì Kinh Kỳ và Ngọc Ngà đã trở về Dallas. Phú Quốc và Hồng Hà hiện vẫn còn có mặt tại Virginia nhưng cũng sẽ trở lại Houston trong vài ngày tới. Dù sao tôi cũng còn cơ hội gặp Phú Quốc ít ra là một lần trước khi anh rời Virginia. Tôi thật sự cảm xúc khi nghe Kinh Kỳ đề nghị cho hắn được đóng góp tiền thay kính xe. Phú Quốc cũng vậy, anh nói rằng, phúc cùng hưởng, họa cùng chia là lẽ tất nhiên. Tôi nói với các bạn hãy để một mình tôi lo cho con ngựa già này. Các bạn đã không ngại đuờng xá xa xôi và tốn kém tài lực vật lực cùng thì giờ hiếm hoi để đến đây họp mặt cùng tôi và Non Nước thì thật không còn gì quý hóa hơn. Không lẽ tôi lại đi mượn câu của kẻ thù "tình bạn vĩ đại và cảm động" để ứng dụng vào trường hợp của chúng ta, nhưng tôi nghĩ giao tình giữa tôi và các bạn có lẽ còn khắn khít và đáng trân trọng hơn của 2 tên bá vơ mà kẻ thù đã dùng câu đó để diễn tả. Chỉ mong sao trong cuộc đấu tranh giải thể chế độ cộng sản này cuối cùng chúng ta sẽ đến chung một đích, cho dù không cùng đi chung một đường đi chăng nữa.

Vũ Đình Trường
21 tháng 8 năm 2013

* Vì một lý do riêng, tên các nhân vật trong câu chuyện đã được thay đổi.


Nơi con ngựa già bị hành hung



















No comments: